Đổi thay đời sống đồng bào Khmer qua lời kể của Nhà giáo nhân dân Lâm Es

Là Nhà giáo nhân dân, người có uy tín, cả một đời gắn bó cùng công tác giáo dục từ khi mới tái lập tỉnh năm 1992, thầy Lâm Es ở xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) cảm nhận sâu sắc những đổi thay của đồng bào Khmer sau 30 năm phát triển của tỉnh Sóc Trăng.

Theo lời Nhà giáo nhân dân Lâm Es, khi mới tái lập tỉnh Sóc Trăng năm 1992, thầy giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào đạo tỉnh Sóc Trăng. Thời điểm đó còn rất nhiều khó khăn nên cơ sở vật chất thiếu thốn, nhiều trường học chỉ tạm bợ làm bằng tre lá, đường sá phần nhiều chưa được trải nhựa hay bê tông. Hơn nữa lúc bấy giờ, kinh tế chậm phát triển, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhận thức của nhân dân vẫn còn hạn chế, khả năng hội nhập, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa đạt hiệu quả. Sau tái lập tỉnh, vẫn còn tình trạng học sinh bỏ học, nguyên nhân là do nhận thức của một bộ phận người dân về việc học tập của con em còn hạn chế, chưa quan tâm tạo điều kiện để con em đi học, hoặc do ở vùng sâu, vùng xa, có em là lao động chính trong gia đình, nên các em phải đi làm để phụ giúp gia đình…

Nhà giáo nhân dân Lâm Es (bìa trái) kể về những khó khăn và đổi mới đối với công tác giáo dục trong đồng bào Khmer giai đoạn mới tái lập tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: SONG LÊ

Thầy Lâm Es cho biết, 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng là một giai đoạn quan trọng, là quá trình phát triển sâu sắc, toàn diện trên các lĩnh vực. Thầy nói rằng, qua buổi họp mặt trụ trì và ban quản trị các chùa Phật giáo Nam tông Khmer do Ban Dân tộc tỉnh tổ chức, lãnh đạo tỉnh thông tin tỷ lệ hộ Khmer nghèo giảm 2,85%, cận nghèo giảm còn 8,46%. Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 9-7-2021 về lãnh đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025… Đây là những nghị quyết, kế hoạch quan trọng sẽ thúc đẩy hơn nữa sự phát triển đời sống của đồng bào Khmer.

Thầy Lâm Es cũng phấn khởi kể về đời sống đồng bào Khmer, nhất là nơi mà thầy sinh ra và lớn lên với những đổi thay từng ngày. Thầy dẫn đi một vòng, nhà cửa khang trang, đường làng sạch đẹp. “Bà con giờ ai cũng có tinh thần tự lực, hạn chế rất nhiều tình trạng trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước” - thầy Lâm Es chia sẻ. Thầy Lâm Es dẫn chứng cụ thể là gia đình anh Mai Ương, ở ấp Khu 2, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên. Thầy thuật lại câu chuyện khởi nghiệp của anh Mai Ương: “Mai Ương trước đây là học trò của tôi, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nghỉ học sớm, nhưng nhờ chăm chỉ làm ăn nên gia đình khá giả lắm, nhà cửa xây khang trang, có hàng trăm công đất ruộng, hay giúp đỡ hàng xóm láng giềng. Em ấy cũng nhận được nhiều giấy khen về thực hiện công tác dân vận trong đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới ở khu dân cư; sản xuất, kinh doanh giỏi…”.

Nói về những tự hào đối với đóng góp của đồng bào Khmer trong quá trình phát triển của tỉnh Sóc Trăng sau 30 năm tái lập tỉnh, thầy Lâm Es khẳng định, ngoài sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh còn có sự đóng góp rất quan trọng của quý hòa thượng, thượng tọa, đại đức, nhân sĩ trí thức, ban quản trị các chùa Phật giáo Nam tông Khmer và đồng bào phật tử trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Điển hình như chùa Cần Đước, ở xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, chùa có 15 vị trụ trì, mỗi vị đều có công đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng, trùng tu, duy trì, phát huy sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, đoàn kết trong cộng đồng 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa. Trong chiến tranh, họ cùng nhau chống giặc, trong hòa bình họ cùng nhau chung sức xây dựng quê hương. Hiện tại, trụ trì chùa là Hòa thượng Dương Nhơn, là bậc trưởng lão đức hạnh và uy tín với sư sãi, đồng bào Khmer. Những năm qua, dưới sự điều hành của Hòa thượng Dương Nhơn, Ban Quản trị chùa, sư sãi luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong sinh hoạt tôn giáo, dân tộc cũng như công tác tuyên truyền, vận động phật tử chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Để góp phần xây dựng nông thôn mới, chùa đã hiến hàng ngàn mét vuông đất để xây dựng Trường Tiểu học Thạnh Phú 3, Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên của huyện và Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Thạnh Phú thuộc huyện Mỹ Xuyên; làm đường giao thông, xây cầu, trị giá hàng tỉ đồng… góp phần xây dựng ấp văn hóa tiêu biểu, người dân an tâm sản xuất, phát triển kinh tế, giáo dục, xã hội tại địa phương.

Thầy Lâm Es cho rằng, chứng kiến sự đổi mới từng ngày trong đồng bào Khmer, nghe thông tin về chủ trương thực hiện các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thầy càng tin tưởng hơn vào sự phát triển của đồng bào mình. Thầy cũng trăn trở về công việc mà thầy đã gắn bó cả đời: “Tôi đã dành cả đời để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nói chung và cho đồng bào Khmer nói riêng, bản thân tôi quan niệm lấy cái “tâm” đặt lên hàng đầu, không mưu cầu vật chất. Mong muốn lớn nhất của tôi là con em trong tỉnh được học hành đến nơi đến chốn, sau khi ra trường có việc làm, nghề nghiệp ổn định; đặc biệt là học sinh đồng bào Khmer, nhất là học sinh Khmer nghèo, cận nghèo, khó khăn đều được hỗ trợ học hành đến nơi đến chốn. Nâng cao dân trí nó tác động trực tiếp đến các lĩnh vực của xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa… nên rất cần sự quan tâm thực hiện với chiến lược lâu dài”.

SONG LÊ

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/soc-trang-30-nam-tai-lap-tinh/doi-thay-doi-song-dong-bao-khmer-qua-loi-ke-cua-nha-giao-nhan-dan-lam-es-56059.html