Đội tàu hậu cần Phú Quý góp phần thắp sáng vùng biên biển đảo

Bình Thuận là 1 trong những tỉnh có mô hình hậu cần phát triển mạnh và đi tiên phong trong cả nước, đạt hiệu quả cao với số lượng tàu thuyền tham gia hàng trăm chiếc, chủ yếu tập trung ở huyện đảo Phú Quý. Không chỉ thu mua hải sản trên biển, những tàu này còn cung cấp thực phẩm, nhiên liệu cho các tàu đánh bắt dài ngày trên biển của ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyển biển đảo.

Cùng nhau ra khơi

Ngư dân Ngô Văn Khanh (50 tuổi, ngụ thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý) cho biết, ông đã bám biển gần 30 năm, trong đó gần 20 năm làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Gia đình ông Khanh hiện có 2 tàu cá trên 400 CV. Những năm qua, ông cũng như nhiều ngư dân khác ở huyện đảo Phú Quý đã lấy quần đảo Trường Sa và khu vực nhà giàn DK làm ngư trường khai thác chính.

Mỗi năm, tàu của ông Khanh vừa đánh bắt vừa thu mua trên biển từ 250.000 đến 300.000 tấn hải sản. Ở trên biển, tàu đầy hải sản là ông Khanh cho về bờ bán cho thương lái tại các cảng Cà Ná (Ninh Thuận), Nha Trang (Khánh Hòa),… Tùy thời điểm, ông Khanh trả lương cho bạn tàu từ 8-20 triệu đồng/người/tháng.

Một tàu hậu cần nghề cá đang tiếp nhiên liệu tại cảng Phú Quý. (Ảnh: Đoàn Sĩ)

Ông Khanh cho biết thêm, ngoài thu mua hải sản trên biển với số lượng lớn, tàu ông còn kiêm luôn dịch vụ cung ứng rau xanh, nhiên liệu cho ngư dân khi cần: “Mình thu mua cá thì cung cấp lại lương thực, thực phẩm, hỗ trợ đá, nước, dầu cho bà con. Mình tải hàng ra rồi chở hải sản về, bà con ở lại đó bám biển tầm 1 tháng rồi về. Khi gặp trường hợp tàu cá bà con mình bị hỏng máy thì mình lai dắt vào bờ, trường hợp này gặp nhiều rồi, tàu Bình Thuận cũng có, tàu Quảng Ngãi cũng có. Vừa khai thác vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc”.

Huyện đảo Phú Quý hiện có 1.675 tàu cá, trong đó 137 tàu làm dịch vụ hậu cần. Ngoài làm tàu dịch vụ hậu cần hỗ trợ các tàu lớn khai thác thủy sản, các ngư dân trên địa bàn huyện đảo Phú Quý còn phát triển mạnh đội tàu thu mua hải sản trên biển. Hoạt động thu mua của các tàu hậu cần này giúp các tàu đánh bắt xa bờ tiêu thụ kịp thời hải sản ngay trên biển, thay vì phải mất nhiều công sức, phí tổn để bảo quản sản phẩm, nhiên liệu và thời gian vào bờ.

Tàu thuyền đang neo đậu ở vùng biển Phú Quý. (Ảnh: Đoàn Sĩ)

Trung tá Nguyễn Minh Hải, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý cho biết, các phương tiện làm dịch vụ hậu cần nghề biển đa số tham gia thu mua ở vùng nhà giàn DK.

“Đặc biệt khu vực nhà giàn Phúc Nguyên, trong đó có lực lượng bà con ngư dân mình đang khai thác. Các tàu cá làm dịch vụ hậu cần này về cơ bản bà con thực hiện tốt các quy định, về an sinh cũng như phụ giúp nhau trong việc khai thác”, Trung tá Nguyễn Minh Hải cho biết.

Hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển

Huyện đảo Phú Quý cách TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận 56 hải lý, là trung tâm của con đường trên biển cho các tàu thuyền đi đánh bắt xa bờ. Vì vậy, huyện đảo Phú Quý tập trung đông lượng tàu làm dịch vụ hậu cần. Các đội tàu thu mua hải sản trên biển cũng được thành lập nhằm kịp thời bảo quản sản phẩm tốt hơn, giảm chi phí cho mỗi chuyến biển, gia tăng hiệu quả kinh tế.

Các tàu nhỏ trung chuyển hải sản đánh bắt được từ các tàu lớn đưa vào huyện đảo Phú Quý tiêu thụ. (Ảnh: Đoàn Sĩ)

Nhằm tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển, trong năm 2023, UBND huyện Phú Quý đã phối hợp rà soát, bổ sung danh sách ngư dân đánh bắt xa bờ được hỗ trợ nhiên liệu (theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chỉnh phủ về 1 số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa) 2 đợt với số tiền gần 185 tỷ đồng. Đồng thời tuyên truyền thẩm định cho các trường hợp đăng ký theo Nghị định số 17, ngày 2/2/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67, ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản cho ngư dân trên địa bàn toàn huyện.

“Đội tàu dịch vụ hậu cần ở Bình Thuận tập trung chủ yếu ở huyện đảo Phú Quý, về hoạt động trên biển đội tàu này hoạt động rất tích cực. Hiện ở địa phương chưa có chính sách nào hỗ trợ cho đội tàu này, nhưng ở tầm vĩ mô, Nhà nước mình có chính sách hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa khơi, thì cũng có hỗ trợ cho đội tàu này một khoảng chi phí, để bà con có điều kiện thu mua hải sản từ các tàu thuyền khác đang đánh bắt ngoài khơi”, ông Huỳnh Văn Khải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận) cho biết thêm.

Ngư dân Ngô Văn Khanh đang kể những câu chuyện vui sau những chuyến đi biển. (Ảnh: Đoàn Sĩ)

Kinh tế biển đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu phát triển kinh tế của huyện đảo Phú Quý. Do đó, việc đầu tư cho lĩnh lực này được tỉnh, huyện rất quan tâm. Huyện Phú Quý hiện đang hoàn thành khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Phú Quý (giai đoạn 2) với quy mô neo đậu 1.000 chiếc/600CV. Khu này sẽ giúp ngư dân tỉnh Bình Thuận và các tỉnh lân cận hoạt động khai thác hải sản ngư trường Nam Trung bộ, Trường Sa, DK1 vào neo đậu, tránh trú bão an toàn; giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản và phương tiện hoạt động nghề cá. Cùng với những điều kiện thuận lợi khác, hiện đảo Phú Quý đang khẳng định thế mạnh của mình về đội tàu hậu cần nghề cá.

Đoàn Sĩ/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/doi-tau-hau-can-phu-quy-gop-phan-thap-sang-vung-bien-bien-dao-post1084118.vov