Đời sống Những chú ngỗng

Chiều cuối tuần, bạn gửi tấm ảnh mới chụp được cho tôi với lời nhắn kèm theo: yên bình không, cuối tuần thư giãn nhé! Ảnh chụp một đàn ngỗng đang bơi trên một khúc sông vắng. Khung cảnh thật bình yên của một làng quê xứ Huế. Mà nhà ai đó nuôi ngỗng chi nhiều rứa không biết? Bởi trong trí nhớ của tôi, ở nông thôn rất hiếm ai nuôi ngỗng bầy mà chỉ nuôi một cặp hoặc vài ba con trong nhà mà thôi. Có lẽ bởi so với vịt cỏ, vịt bầu hay vịt xiêm thì ngỗng phát triển chậm lại ăn nhiều. Với lại, loài ngỗng kêu quá to, ồn ào lắm.

Có lần viết về tiếng kêu của con ệnh oạng trong những đêm mưa dài xứ Huế, tôi đã kể câu chuyện một anh học trò giải thích tiếng kêu của con ngỗng to vì cái cổ nó dài, bị anh chăn trâu bẻ lại là con ệnh oạng nó có cổ mô mà tiếng nó cũng to dữ rứa... Một câu chuyện vui để thấy rằng không phải cái gì lý thuyết và thực tế cũng đi với nhau cả...

Mà tiếng kêu của con ngỗng thì to thiệt. Một con ngỗng kêu ở đầu xóm, cuối xóm cách năm trăm mét cũng nghe thấy. Khác với lũ vịt hở mô kêu nấy, mấy con ngỗng thường ít kêu hơn, nhưng mỗi khi kêu thì kêu to liên hồi. Ngỗng kêu khi thấy người hay vật lạ, chúng kêu báo cho chủ nhà biết và sẵn sàng tấn công. Loài ngỗng cũng chẳng biết sợ bất cứ loài vật nào, dù là chó hay mèo thì chúng cũng sẵn sàng cự lại. Bởi thế ở nông thôn người ta nói rằng, đã nuôi ngỗng rồi thì khỏi cần nuôi chó làm chi bởi ngày hay đêm chỉ cần thấy người lạ thì nó sẽ kêu báo động ngay liền... Ngỗng có trí nhớ tốt, nó nhớ được con người, phân biệt được ai là ai qua hình dạng, điệu bộ và giọng nói và nhớ được tình huống và môi trường xung quanh. Thế nên những gì bất thường, xáo trộn dù là nhỏ, kẻ lạ xuất hiện thì chúng sẽ chào đón bằng tiếng kêu và thái độ hung hăng.

Thiệt tình là tôi cũng không rành lắm về đặc tính loài ngỗng, dù hồi trước nhà tôi hình như có nuôi ngỗng một hai lần chi đó mà thôi. Chỉ nhớ rằng ở quê, nhà mô ở chợ, ở gần mấy hồ nước đầu xóm hay nhà có ao to thì thường nuôi ngỗng. Chúng nhẩn nha bơi giữa hồ và thỉnh thoảng nghểnh cổ lên kêu. Cũng có lúc hứng chí chúng vỗ cánh bay một đoạn trên mặt hồ trông thật đẹp mắt...

Loài ngỗng chỉ thích ăn rau củ quả và nó được ví như một cỗ máy xén cỏ, khả năng vặt cỏ của ngỗng tốt hơn bò, ngỗng có thể vặt tận gốc bụi cỏ, cả phần củ rễ, ngỗng ăn tạp các loại cỏ và không chê cỏ non, cỏ già, cỏ dại từ cỏ tranh đến lục bình ngỗng đều ăn được. Còn có câu so sánh mặt ai đó đơ ra như ngỗng ỉa nữa thì tôi cũng không hiểu lắm... Nhớ có lần anh em tôi ra chợ quê chơi. Khi đó trời đã về chiều nên chợ đã vãn chỉ còn 2 con ngỗng to đang tìm kiếm thức ăn. Thấy người lạ, lại là con nít rứa là chúng kêu toáng lên và ngay lập tức rượt đuổi anh em chúng tôi chạy quanh chợ. Chỉ khi có một chú đi ngang qua chúng tôi mới thoát hiểm... Nghe đâu nó mà bắt được mình thì nó sẽ xé luôn cả áo quần. Khiếp thật!

Có những chuyện thú vị quanh loài ngỗng như phụ nữ mang thai thường mua một đến vài cái trứng ngỗng để luộc ăn để dễ sinh em bé. Còn lũ học trò thì ai cũng đều ngán từ “con ngỗng” vì điểm số 2 được ví với hình dáng con ngỗng. Vì thế dò bài cũ hay những bài kiểm tra mà bị ăn một “con ngỗng” thì ôi thôi rồi...

Câu chuyện con vịt xấu xí bỗng trở thành một con thiên nga xinh đẹp trong một ngày mùa xuân trong truyện của nhà văn Đan Mạch Andersen cũng chợt làm tôi liên tưởng đến những con ngỗng ở những làng quê cũng trở nên xinh đẹp trong tiết trời thu khi chúng bơi trên nước sông, hồ đầy và xanh trong...

PHI TÂN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/nhung-chu-ngong-a106494.html