Đội quân giận dữ trên Weibo

Tính ẩn danh trên mạng đã giải phóng người dùng khỏi những nguyên tắc đạo đức, bao gồm cả nhu cầu giữ thể diện và dễ dàng nhục mạ người xa lạ.

Zing trích dịch bài viết của Wu Changchang, phó giáo sư báo chí tại Đại học Sư phạm Hoa Đông, trên Sixth Tone, bàn về thực trạng phẫn nộ đạo đức ngày càng phổ biến trên mạng xã hội và gây ra những hệ lụy đáng báo động.

Hôm 3/4, ít ngày sau khi thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) bị phong tỏa, một phụ nữ ở quận Hồng Khẩu muốn gửi cho người cha già yếu của mình hộp đồ ăn. Không thể tự rời nhà, cô may mắn khi được một nam shipper sẵn sàng giao giúp.

Anh đã lặn lội hơn 4 tiếng để mang đồ tới quận Thanh Phố. Khi chiếc xe hết điện giữa chừng, nam tài xế cố đẩy bộ 2 km cuối cùng để giao đồ ăn tận tay người đàn ông đã lớn tuổi và bị lãng tai.

Biết ơn sự giúp đỡ nhiệt tình, cô đã đề nghị trả thêm tiền cho shipper nhưng anh từ chối. Cuối cùng, cô gửi 200 nhân dân tệ qua tài khoản điện thoại cho anh rồi chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng.

Thế nhưng, bên cạnh những người tỏ ra xúc động, biết ơn nam tài xế, nhiều cư dân mạng quay lại chỉ trích ngược cô gái là "keo kiệt" với ân nhân của mình.

Những người xa lạ sẵn sàng chỉ trích cô gái dù không biết cuộc sống thực của cô như thế nào. Ảnh: VectorStock.

Những lời lẽ tấn công vẫn tiếp diễn, dù cô gái cố giải thích rằng mình cũng khó khăn và đã cho số tiền nhiều nhất có thể.

Những kẻ chỉ trích thậm chí đào lại các biên lai cũ của cô trong các đại hội mua sắm và trò chơi điện tử để chứng minh cô không nghèo.

Ngày 6/4, không thể chịu đựng những lời nhục mạ, cô đã nhảy lầu tự tử từ chính tòa nhà của mình.

Sự phân cực nhân cách

Ngay cả những người đã quen với đám đông ngày càng điên loạn trên mạng xã hội Trung Quốc, thảm kịch lần này vẫn có cảm giác cực đoan hơn. Nhưng nó theo một khuôn mẫu quen thuộc.

"Đạo đức online", được định nghĩa bởi những cư dân mạng tức giận, đã trở thành trò đùa khi người dùng thể hiện sức mạnh tập thể bằng cách lôi kéo bất cứ ai đi theo sự giận dữ của họ, thường trên danh nghĩa bảo vệ các chuẩn mực xã hội.

Liu Xuezhou tự tử sau khi chịu sự lạm dụng trên mạng. Ảnh: Weibo.

Nạn nhân của họ bao gồm mọi người. Từ nữ diễn viên Trịnh Sảng, người bị tấn công vì thuê người mang thai hộ rồi sau đó bỏ rơi con mình, đến Liu Xuezhou, một thiếu niên kiện cha mẹ ruột vì bỏ rơi anh khi còn nhỏ, đều là người bị hại.

Đến khi Liu tự tử vào năm ngoái vì bị phỉ báng trên mạng, những kẻ từng chỉ trích anh lại quay ngược mũi dùi chĩa sang tấn công các phương tiện truyền thông từng đưa tin về câu chuyện của anh.

Tính phe phái và lạm dụng bằng lời nói tràn lan trên mạng xã hội ở mọi quốc gia. Nhưng nguyên nhân của sự phẫn nộ đạo đức trong những câu chuyện kể trên là trường hợp độc đáo có nguồn gốc sâu xa trong văn hóa Trung Quốc.

Nhà triết học Liang Shuming ở thế kỷ 20 tin rằng sự khác biệt cơ bản giữa Trung Quốc và phương Tây nằm ở việc Trung Quốc áp dụng luân lý và đạo đức, dưới hình thức Nho giáo, hơn là tôn giáo. Từ bỏ việc tôn thờ Trời và Chúa, Nho giáo Trung Quốc nhấn mạnh tính hợp lý của con người trong việc đưa ra các phán đoán đạo đức của chính mình.

Điều đáng chú ý là tính hợp lý của Nho giáo mà Liang nói đến khác với khái niệm về tính lý trí như ở phương Tây.

Theo Liang, tính hợp lý của Nho giáo nhấn mạnh các cá nhân hình thành ý thức về đúng và sai một cách trực quan, thông qua cái thích và không thích chủ quan của họ: đức hạnh về bản chất là một cảm xúc. Ngược lại, lý trí của phương Tây đòi hỏi phải loại bỏ cảm xúc.

Điều này thể hiện trong đạo đức Nho giáo, nói đến mối quan hệ nghĩa vụ lẫn nhau giữa con người với nhau.

Quan hệ đạo đức này, trước hết và quan trọng nhất, tập trung vào quan hệ gia đình hơn là cá nhân hoặc xã hội. Theo quan điểm của Liang, con người có thiên hướng tự nhiên đối với tình yêu thương gia đình, điều này tạo cơ sở cho các mối quan hệ trung thực, có đạo đức.

Thực tế phức tạp hơn.

Tính ẩn danh trên mạng khiến nhiều người dễ dàng nhục mạ người khác. Ảnh: Sixth Tone.

Người Trung Quốc được dạy không quan tâm đến chuyện của người khác và phục tùng quyền lực. Chỉ trong phạm vi riêng tư của ngôi nhà, mọi người mới cảm thấy được làm chủ cuộc sống của chính họ. Quyền lực và sự phán xét của nam giới, người được coi là chủ gia đình theo truyền thống, luôn tuyệt đối.

Điều này dẫn đến sự phân cực của nhân cách: Một mặt, cái tôi bị gò bó và con người đóng vai trò như những đối tượng ngoan ngoãn ở nơi công cộng; mặt khác, chỉ có cái tôi cá nhân làm điểm tựa đạo đức.

Thay vì giúp sửa chữa mối quan hệ này, công nghệ truyền thông mới xâm nhập vào cuộc sống hàng ngày lại biến nó thành một kiểu hành vi mang tính cấu trúc, toàn văn hóa và gây nghiện một cách đáng ngạc nhiên.

Tính ẩn danh của mạng xã hội đã giải phóng người dùng khỏi những ràng buộc của các nguyên tắc đạo đức truyền thống, bao gồm cả nhu cầu giữ thể diện và tôn trọng người khác. Phần tự mở rộng tính cách của con người, từng chỉ giới hạn trong nhà, giờ đang lan truyền trên mạng.

Họ không thấy nghĩa vụ phải tuân theo những điều tốt đẹp của xã hội trong không gian mạng. Trong khi đó, sự sụp đổ của đạo đức truyền thống đã khiến người dùng trở nên quá nhạy cảm với sự phán xét đạo đức. Sự cô lập về thể chất trong thời gian phong tỏa vì đại dịch đã đưa mô hình hành vi này lên một tầm cao mới.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doi-quan-gian-du-tren-weibo-post1315044.html