Đối phó Trung Quốc, Mỹ hồi sinh mỏ đất hiếm

Việc hồi sinh mỏ đất hiếm Mountain Pass đã nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ Mỹ, bao gồm cả tài trợ từ Bộ Quốc phòng nước này. Đây là một phần trong kế hoạch của Washington nhằm gây dựng lại sự hiện diện của Mỹ trên một thị trường đã bị Trung Quốc lấy mất ưu thế từ nhiều thập kỷ trước nhờ chi phí sản xuất thấp…

Mỏ đất hiếm Mountain Pass của Mỹ - Ảnh: Politico

Ở vùng sa mạc phía Nam California (Mỹ), một mỏ đất hiếm lộ thiên rộng lớn đã trở thành “chiến địa” trong cuộc cạnh tranh toàn cầu để giành ưu thế về công nghiệp. Những chiếc xe tải khổng lồ màu vàng trở lại vận chuyển quặng từ Mountain Pass - mỏ đất hiếm từng có thời gian bị đóng cửa. Hiện Mỹ đang nỗ lực hồi sinh mỏ đất hiếm Mountain Pass nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Một tuyên bố trên trang web của Công ty MP Materials, chủ sở hữu mỏ Mountain Pass, có nội dung: “Sứ mệnh của chúng tôi là khôi phục toàn bộ chuỗi cung ứng đất hiếm cho nước Mỹ”.

CẠNH TRANH GIÀNH ƯU THẾ CÔNG NGHIỆP

Sự hồi sinh của khu mỏ đất hiếm này là sản phẩm của cả tham vọng chính trị và thương mại. Mountain Pass đang tạo ra những nguyên liệu thiết yếu cho các ngành công nghiệp chiến lược, từ thiết bị quân sự đến các thiết bị cung cấp năng lượng cho cuộc cách mạng công nghệ xanh.

Việc hồi sinh mỏ đã nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ Mỹ, bao gồm cả tài trợ từ Bộ Quốc phòng nước này. Đây là một phần trong kế hoạch của Washington nhằm gây dựng lại sự hiện diện của Mỹ trong một thị trường kim loại đã bị Trung Quốc lấy mất ưu thế từ nhiều thập kỷ trước nhờ chi phí sản xuất thấp.

Kỷ nguyên mới của Mountain Pass có sự xuất hiện của James Litinsky và Michael Rosenthal, những nhà tài chính ở độ tuổi ngoài 40 và đã quen biết nhau từ thời thơ ấu. Giờ đây, họ đang thực hiện các thỏa thuận quốc tế để cung cấp cho các công ty như Sumitomo Corp. của Nhật Bản, khi cuộc đua toàn cầu về khả năng tự cung cấp đất hiếm ngày càng gia tăng.

“Hai nhà quản lý quỹ phòng hộ tiếp quản một mỏ đất hiếm. Vậy điều gì có thể xảy ra?”, Litinsky nói đùa với tờ Nikkei Asia, “Nhưng tôi sẽ nói với bạn rằng, ngay từ ngày đầu tiên, chúng tôi đã có một tầm nhìn dài hạn... Ngay từ đầu, chúng tôi đã nghĩ đến việc xây dựng một công ty Mỹ vĩ đại”.

Câu chuyện về MP Materials nêu bật sự phức tạp của mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc và sự phụ thuộc lẫn nhau vẫn tồn tại bất chấp căng thẳng chính trị gia tăng. Khách hàng chính đồng thời là cổ đông lớn thứ tư của MP Materials là Shenghe Resources Holding. Đây là công ty khai thác và chế biến đất hiếm được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, và được niêm yết trên thị trường chứng khoán Thượng Hải.

Tất cả những điều này làm cho việc hồi sinh mỏ Mountain Pass trở thành một mô hình thu nhỏ của sự cạnh tranh giữa 2 cường quốc kinh tế thế giới.

Subash Chandra, nhà phân tích năng lượng tại ngân hàng đầu tư Benchmark Co có trụ sở tại New York (Mỹ), cho biết: “Đất hiếm và nhiều loại khoáng sản khác là nền tảng của quá trình chuyển đổi xanh mà chúng ta đang thấy ở Trung Quốc, Mỹ và nhiều nơi. Và không có công ty nào bạn có thể so sánh với MP Materials ở Mỹ”.

Đất hiếm được sử dụng trong các thiết bị từ điện thoại thông minh đến máy bay chiến đấu. Điều kỳ diệu của những kim loại sáng bóng nhưng dễ bị xỉn màu này là chúng có thể tạo ra nam châm mạnh hơn nhiều lần so với những loại nam châm truyền thống. Nếu không có các nguyên tố đất hiếm như neodymium, praseodymium và lanthanum, thì động cơ xe điện và ổ cứng máy tính sẽ không chạy được.

Đất hiếm hiện diện ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng việc khai thác chúng không hề dễ dàng. Một số quốc gia như Ấn Độ, có trữ lượng lớn nhưng hầu như không khai thác chúng vào năm ngoái.

Cho đến nay, Trung Quốc là nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới nhờ nỗ lực phát triển ngành công nghiệp này trong nhiều thập kỷ. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USSG), năm ngoái, Trung Quốc chiếm khoảng 70% sản lượng. Trung Quốc cũng có trữ lượng lớn nhất thế giới, với tổng cộng 44 triệu tấn oxit đất hiếm (REO).

ĐỀ PHÒNG GIÁN ĐOẠN CHUỖI CUNG ỨNG

Câu chuyện về đất hiếm lặp lại câu chuyện về sản xuất chip, lĩnh vực mà Washington cũng đang nỗ lực khôi phục lại vị trí đã mất. Nhiệm vụ thậm chí còn lớn hơn nếu xét đến việc Mỹ luôn duy trì năng lực đáng kể trong thiết kế chip tiên tiến.

Vào năm ngoái, Mountain Pass chiếm toàn bộ 14% thị phần của Mỹ về sản lượng đất hiếm thế giới. Con số này là rất đáng kể, đặc biệt là chỉ hơn 10 năm trước, mỏ này không sản xuất gì. Tuy nhiên, quy mô vẫn còn tương đối khiêm tốn khi dự trữ đất hiếm của Mỹ chỉ bằng khoảng hơn 5% của Trung Quốc. Siêu cường châu Á này vẫn chiếm ưu thế trong sản xuất đất hiếm.

Ưu thế này đã trở thành một vũ khí mạnh mẽ trong kho vũ khí ngoại giao của Bắc Kinh. Trên thực tế, hồi năm 2010, Trung Quốc đã tạm thời cắt giảm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản sau khi căng thẳng gia tăng liên quan tới quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Việc đình chỉ này đã báo động cho các công ty Nhật Bản và kích hoạt các nỗ lực của chính phủ nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp kim loại của Trung Quốc.

Sau đó, đến năm 2019, Trung Quốc cũng dọa đưa một số sản phẩm sử dụng đất hiếm vào danh sách hạn chế xuất khẩu công nghệ của Bắc Kinh, nhằm phản ứng trước áp lực của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với “gã khổng lồ” viễn thông Huawei.

Hơn bao giờ hết, các quan chức chính phủ Mỹ lo lắng rằng lỗ hổng trong ngành công nghiệp đất hiếm của Mỹ khiến đất nước - và đặc biệt là Lầu Năm Góc - ngày càng dễ bị tổn thương trước bất kỳ sự gián đoạn nào trong chuỗi cung ứng. Do đó, chính quyền Mỹ cùng MP Materials, công ty sở hữu mỏ Mountain Pass, đã có những động thái nhanh chóng để cố gắng thu hẹp khoảng cách đó.

Lầu Năm Góc tài trợ hàng triệu USD cho các dự án đất hiếm trong nỗ lực chuyển chuỗi cung ứng đất hiếm sang Mỹ. Mountain Pass đã nhận được một số khoản tài trợ, cùng với các công ty khác đang cố gắng khai thác hoặc sản xuất đất hiếm.

“Có những điểm nghẽn mà chúng tôi chưa thể kiểm soát được. Nếu không ưu tiên việc này, thì sẽ có những điểm yếu khiến chúng ta không thực sự tự bảo vệ được mình”, Halimah Najieb-Locke, quan chức tại Lầu Năm Góc nói.

Nguyễn Tuyên

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/doi-pho-trung-quoc-my-hoi-sinh-mo-dat-hiem.htm