‘Đòi nợ’ từ nút like

Vẫn là chuyện mạng xã hội và facebook, khi những “status nhảm” đang được chúng ta “like và share” với tốc độ chóng mặt thì cái gì cũng có thể xảy ra.

Trong thời đại đỉnh cao của công nghệ thông tin thì tất cả những thứ đang diễn ra hàng ngày đã, đang và sẽ khiến chúng ta liên tục bất ngờ từ kinh ngạc chuyển sang kinh hãi.

Đã có không ít những “hiện tượng mạng” nổi lên trong thời gian vừa qua tạo nên những ồn ào gây tốn khá nhiều giấy mực của truyền thông như bà Tưng, Lệ Rơi, Kenny Sang, Sơn Tùng… và nhiệm vụ của chúng ta là người thì công kích a dua, người thì chỉ trích chửi bới và không ngớt gọi họ là những “kẻ khùng”.

Hiểm họa gì mới thực sự đáng sợ còn đang ẩn sau các “status 1000 like”? Những điều đáng sợ ấy không phải là cháy nổ, tai nạn giao thông, bạo lực học đường… mà đó chính là những áp lực từ các mối quan hệ xã hội mang lại.

Chính những áp lực từ đám đông có thể đã khiến cho những “kẻ khùng” trở nên thiếu sáng suốt, nhiều khi phải sống ngược lại với những đạo đức chuẩn mực của gia đình và xã hội mà không còn được là chính mình.

Khi những người nhấn like tiếp tục “đòi nợ” bằng cách gây áp lực theo kiểu “nói là làm”, hoặc công khai cổ súy cho những trò lố lăng vô bổ và những status nhảm nhí thì thử hỏi những bi kịch xã hội sẽ còn tiếp tục đi đến đâu.

Khi ấy những “kẻ khùng” ở đây không phải chỉ riêng là những người đã giật status.

Hay trong vụ “1000 like đốt trường” thì tất cả những ai đã góp vào một like và những người nhấn like đi “đòi nợ” đều có lỗi.

Thậm chí mạng xã hội đã và đang cổ súy cho những hiện tượng đã thành phong trào và trái với luân thường đạo lý. Điều đó đang phản ánh bộ mặt thật hay sự xuống cấp suy thoái đạo đức của xã hội.

Xét cho cùng tất cả chúng ta ai cũng muốn mò mẫm miệt mài đi tìm kiếm “sự công nhận của cộng đồng” để được thể hiện mình.

Chỉ có điều sự tìm kiếm của những “kẻ khùng” đó táo bạo hơn, quyết liệt hơn mà thôi. Họ không ngừng nỗ lực để trở thành những “anh hùng” và những “dị nhân” với những chiêu trò lố bịch chẳng ai giống ai…

Vì cách thức thể hiện sự tồn tại và tìm kiếm sự công nhận của những “kẻ khùng” kia là một cách thức tìm kiếm sai lầm kéo theo hàng loạt những bi kịch và thảm họa xã hội.

Vì thế, để hạn chế sự nổi lên một cách điên loạn bất chấp luân lý của những “kẻ khùng”, mạng xã hội đang rất cần chúng ta like, share, views một cách có ý thức và có trách nhiệm hơn nữa. Có như vậy thì những “cái ác hồn nhiên” mới không có cơ hội tồn tại và phát triển.

Một xã hội lành mạnh thì không thể chấp nhận những đám đông thiếu ý thức, thiếu tư cách công dân đang tự do can thiệp vào đời sống tinh thần của toàn xã hội.

Nguyễn Thúy Hạnh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/doi-no-tu-nut-like/128705