Đợi Mưa Ngâu

Tháng bảy. Nó ngồi buồn so. Vẫn chỉ những sợi mây mỏng sạch như bông. Ánh mắt nó sục sạo phía chân trời. Vẫn chỉ ráng chiều vàng chói.

Minh họa: TÔ CHIÊM Tháng bảy. Nó ngồi buồn so. Vẫn chỉ những sợi mây mỏng sạch như bông. Ánh mắt nó sục sạo phía chân trời. Vẫn chỉ ráng chiều vàng chói. “ Ráng vàng thì gió - ráng đỏ thì mưa”. Nó buột tiếng thở dài sườn sượt nhìn cuốn tập vừa tô còn óng mực. Có lẽ, nó sẽ bật khóc nếu không có bóng bà tất tả ngoài ngõ. Đòn gánh kĩu kịt oằn còng trên vai. - A! Bà đã về! - Nó bật dậy lót tót chạy ra. - Dép guốc vứt đâu rồi mà xỡm nỡm thế kia hả! Đêm nay ra mà nằm với con êu ngoài hè nhé! - Con cứ lên nằm với bà cơ! Nó nhanh nhẩu chạy vào trong nhà xách ra cái quạt điện. Ý nghĩ lúc nãy vẫn ong ong. Nó ngước mắt nhìn lại bầu trời lần nữa rồi bâng quơ: - Sao mãi không thấy mưa bà nhỉ? - Cha bố cô chứ! Mong mưa để ra dầm nghịch hả! Nó không cãi. Trong đầu nó còn mải nghĩ những chuyện ở đẩu ở đâu. Nó ú ớ gọi mẹ rồi tỉnh giấc. Bất giác, nó sợ hãi khẽ cong người lại như con tôm. Ngày xưa, mỗi khi như thế, nó thường quắp chặt rồi rúc vào nách mẹ. Nhưng từ hồi ở với bà, nó không bao giờ làm như thế. Bao nhiêu đồ chơi mẹ mua gửi về, nó nhét hết vào xó bếp. Mạng nhện, bồ hóng phủ đầy. Nó căm ghét chúng như thể chính chúng là nguyên nhân khiến nó và mẹ phải xa nhau... Nó lầm lũi. Những ý nghĩ bị nhốt chặt trong đầu. Có buột ra ngoài cũng chỉ cho mình. Ít khi nó chơi với bọn trẻ con ở xóm. Bọn trẻ càng ngày càng xa lánh nó. Không buồn chút nào. Trái lại, nó càng thích thú. Nó không muốn bất cứ ai, kể cả bà can thiệp vào thế giới riêng của nó. Cô Tấm, ông Bụt, ông Ngâu, bà Ngâu. Cây bút thần của Mã Lương... Chỉ của riêng nó, không chia sẻ cho ai hết cả... Nó bắt đầu vẽ. Những cây cầu nối hai phía chân trời... Những con đường chạy qua ngàn vạn dặm... Và cả những cánh chim nữa. Giá như mình có cây bút thần kia nhỉ? Không biết bao lần nó ngồi bần thần cả buổi với cái ước mơ ấy... Nó mỉm cười tưởng tượng ra bao điều từ những gì vẽ ra đang hiển hiện thành sự thật trước mắt. Nó là đứa không cha. Mẹ bỏ nó đi lấy chồng Đài Loan. Những ý nghĩ của nó cứ hay vỡ như bong bóng. Đang nghĩ về cái này, tự nhiên chuyển sang cái khác. Nó chợt nghĩ đến lá thư mà mẹ nó vừa gửi. Mẹ bảo nhớ quê hương, nhớ nó lắm. Những lúc rỗi không có việc gì làm, mẹ lại ra ngoài sân đứng ngóng. Xứ người thăm thẳm mịt mù, chẳng biết ngóng về phương nào. Mẹ phải nhờ những con chim đi tránh rét bay về phương Nam để đoán. Chỉ cần bắt gặp hai từ “Viet Nam” trên tờ báo gói thực phẩm, một hộp đựng gia vị, bên cạnh những chữ xa lạ thôi cũng khiến mẹ rưng rưng ứa nước mắt. Những lúc ấy, mẹ chỉ muốn vứt bỏ hết để ào về với nó, mặc kệ cuộc đời muốn ra sao thì ra... Mẹ bảo mẹ nhớ hồi nó còn bé. Một lần ra đường thấy lũ trẻ mút sữa. Nó nhìn chằm chặp, lúc về nhà nó bảo: Mẹ không mua sữa cho con uống nên con mới còi cọc, không lớn được. Rồi cái đận nó bị sốt cao phải nằm bệnh viện nữa. Ai cũng phải mủi lòng khi nó nhìn hoa quả, sữa rồi thịt trứng mà mẹ mang vào, rồi ứa nước mắt bảo: Lúc con khỏe ăn được mẹ chẳng chịu mua cho con ăn. Bây giờ con ốm không ăn được thì mẹ lại mua bao nhiêu thứ thế này để làm gì? Mẹ bảo hồi ấy mẹ rất thương nó và muốn nó được ăn mặc đủ đầy, nhưng vì gia đình nợ đầm đìa đến ăn no còn chẳng đủ nên nó phải chịu thiệt thòi. Bây giờ, nó thích ăn gì cứ bảo bà mua cho mà ăn. Những tấm ảnh mẹ gửi về đứng cạnh “lão Đài Hói” trước một ngôi nhà rất lớn, có bể tắm, có cả chiếc ô tô, nó xé làm đôi rồi đem phần của lão đi đốt. Nó viết thư trả lời đại ý là: Sữa uống béo bệu, chỉ tổ hay ốm vặt. Ti vi bảo ăn thịt cá hay mắc bệnh tim mạch, ăn rau dưa là tốt nhất! Bây giờ nó chẳng thích uống sữa, ăn thịt cá một tẹo nào cả. Nó chỉ thích ăn cơm với rau thôi. Mẹ mau về với nó... Trong đầu nó, bỗng hiện con chim non mới ra ràng hôm nào. Chộn rộn. Chập chững... Đôi cánh yếu ớt đập đập, chuyền từ cành nhãn sang cành tre. Mỗi khi chúi xuống, chim bố, chim mẹ lại hoảng hốt ríu vào nhau để cho chim con tựa. Nó thèm thuồng ngắm niềm hạnh phúc của gia đình nhà chim cho đến khi không còn nghe được cả tiếng líc tíc của chúng phía rặng tre nhà thằng Đức mới hùi hụi tiếc đi vào nhà. Thế mà... Buổi chiều, bắt gặp chim bố mẹ vừa bay vừa kêu thảng thốt trở về, nó đã lờ mờ đoán ra sự chẳng lành. Hốt hoảng, nó luồn qua bụi tre bất chấp những chiếc gai khô nhọn hơn đinh xuyên qua dép nhói ở gan bàn chân và những vết cào xước trên má, trên tay. Mắt bỗng nhòe đi. Dưới chân, con chim nhỏ cứng đờ lạnh ngắt. Lũ kiến xúm đen, xúm đỏ chỗ vệt máu đã thẫm lại trên đầu... Hình ảnh thằng Đức khi sáng cầm súng cao su nghiêng ngó lướt qua... Nó bặm môi, cố ghìm tiếng nấc đã ầng ậc ở cổ. Nước mắt từ từ chảy xuống từ khóe mắt. Ngay cả khóc, bao giờ cũng chỉ có những giọt nước mắt âm thầm rơi xuống, không bao giờ nó để tiếng khóc bật ra ngoài...Một hộp giấy. Vài bông dâm bụt đỏ. Một ít tơ hồng vàng ươm. Hai bông cúc trắng hái trộm trước vườn nhà ông điên. Nó đào hố chôn con chim non dưới bụi dứa dại ngoài bờ ao. Trên cây, tiếng kêu thảm thiết của đôi chim bố mẹ mất con bào gan ruột nó. Nó chợt nghĩ, giả sử mình bị chết, không biết có được như con chim non này không... Tủi thân, nó òa lên khóc nức nở. Đêm hôm ấy, nó mơ thấy cây cầu Ô Thước do lũ quạ kết thành. Thấy cha dắt tay nó đi. Bên kia cầu, mẹ đang ngơ ngác nhìn tứ phía tìm cha con nó. Nó hét to: Mẹ ơi! Con ở hướng này cơ mà! Nhưng mẹ chẳng nghe thấy gì cả. Nó cuống cuồng giãy đạp, gào lên khi thấy bóng mẹ cứ xa dần, xa dần: Mẹ ơi! Mẹ! Mẹ ơi! Mẹ! Con đang ở hướng những con chim đang kết thành cầu ấy!... Nó tiếc hùi hụi khi bà lay nó thức dậy bởi nó la hét, khóc lóc dữ quá. Từ ấy, niềm tin về lũ quạ sẽ bắc cây cầu Ô Thước để đón cha mẹ về đoàn tụ ngày càng bắt rễ sâu trong tâm hồn nó. Đến nỗi, nhiều lúc nó giật mình tưởng đã nhìn thấy cây cầu kia. Nó bắt đầu vẽ. Nó sẽ vẽ một đàn quạ thật đông, chín mươi chín con. Để khi mùa ngâu đến, chúng sẽ bay lên kết cầu Ô Thước... Lũ quạ bay qua giấc mơ của nó ngày càng nhiều. Bà bảo: Đêm qua mày mơ thấy cái gì mà cứ đập chân, đập tay rồi cười khành khạch thế? Nó tủm tỉm không trả lời. Niềm tin choán hết tâm trí nó. Trăng đêm hè bao giờ cũng đẹp. Trăng trải vàng trên con đường vốn gồ ghề, bụi bặm trước cổng, trên ngọn cây cau cao tít, dưới những bụi luầng quầng đầy gai bên bờ tường. Trăng dắt tay bọn trẻ con tụ tập trước sân nhà nô đùa ầm ĩ. Càng về đêm trăng càng sáng, những cơn gió nồm hây hẩy mơn man mềm như bánh sôcôla. Khi ấy, người ta sẽ chẳng bao giờ cúi đầu xuống nhìn cái bóng của mình, thậm chí người ta còn chẳng bao giờ để ý nó có tồn tại hay không, đó là thứ hết sức vô nghĩa. Vậy nhưng, nó không nghĩ thế. Với nó, cái bóng bao giờ cũng là người bạn thân thiết: Này! Cậu không được ăn gian đâu nhé! Đã bắt được rồi sao cậu lại còn cứ chạy? Nó ngồi xuống, ngửa cổ ngắm trăng giả bộ dằn dỗi rồi bật dậy reo lên: A, phải rồi! Bây giờ mình nắm tay lộn tùng phèo cô mười bảy chị mười ba nhé! Nó cứ mê mải chơi như thế quên hết cả chị Hằng đang xịu mặt vì không được đoái hoài, quên cả sương đêm đã bắt đầu xuống lành lạnh trên vai. Quên cả một người lưng còng rạp xuống đứng ngắm cái bóng đổ dài đang nhảy nhót trên sân và đứa bé gầy gò, mỏng manh sáng trong như một thiên thần. Mấy lần người ấy dợm chân định bước ra, nhưng lại sợ phá vỡ mất giây phút hạnh phúc hiếm hoi của nó, sợ hình ảnh đẹp đẽ kia sẽ tan biến mất... Cuối cùng, không nén được nữa, bà rón rén bước đến phía sau khẽ đặt bàn tay lên vai nó: - Cho bà chơi với nào! Nó quay lại: - Ô kìa bà! Nhưng đây là trò chơi trẻ con cơ mà! Bà già thế này rồi thì còn chơi làm sao được? Bà cười giọng nghèn nghẹn: - Già cũng vẫn chơi được cháu ạ! Nào, bà cháu mình cùng chơi nhé! Nó cười ngượng nghịu rồi hát “Thả đỉa ba ba, chớ bắt liền bà....” Ấy! Sao không rủ hai cái bóng cùng chơi cho vui hả bà? Cháu vẫn chơi với nó suốt đấy! Tiếng cười lảnh lót của đứa trẻ lên mười xoắn quyện cùng tiếng cười trầm sâu của bà cụ già đồng vọng dưới ánh trăng trong đêm tĩnh lặng. Đứa bé ngước nhìn bà nó rồi buột miệng khẽ gọi: Mẹ ơi! Đã giữa tháng bảy. Trời vẫn xanh ngăn ngắt. Nó ngồi nhìn trời, thở dài. Ngày mẹ nó đi, nó nằm ba ngày ba đêm trong xó tối. Trong đầu lúc nào cũng rần rật lửa. Nó hận mẹ. Nó là đứa không cha chưa đủ bất hạnh hay sao mà mẹ nó lại nỡ bỏ luôn cả nó? Những con kiến lửa nhay thịt nó nhoi nhói. Muỗi tu ừng ực máu trong người đến đỏ vầng da. Kệ. Trong nó, chỉ có một suy nghĩ duy nhất: Bây giờ không còn ai thương yêu nó hết. Nó là kẻ khốn khổ, bất hạnh nhất trên thế gian này... Khi bà tìm thấy, người nó vầng như phát ban bởi những vết kiến và muỗi cắn. Lử lả. Hai ngày liền, nó chẳng nói chẳng rằng, chẳng ăn chẳng uống. Bà rất yêu nó. Nhưng tình thương của bà không lấp được khoảng rỗng tình mẫu tử. Chỉ có nó với thế giới riêng của nó... Thả đỉa ba ba. Chớ bắt liền bà. Phải tội liền ông. Tay nó thõng rơi trong không khí. Nó thừ người. Bà ơi, bà đừng bỏ cháu đi nữa nhé! Ý nghĩ trong đầu buột thành lời. Ý nghĩ vẫn hay như thế. Cứ tuồn tuột trôi ra miệng. Nước mắt nó nhòa lặng trên má. Đã gần hết tháng bảy. Trời vẫn trong văn vắt. Nó đã hoàn thành bức vẽ cuối cùng. Chả nhẽ hai ông bà Ngâu đã không còn thèm nhìn mặt nhau nữa sao? Nếu đúng như vậy, đứa con của ông bà ấy có ở với ngoại như nó không nhỉ? Ý nghĩ ấy dằn vặt nó cả buổi. Tối. Được lưng bát, nó quăng đũa đứng dậy leo lên giường nằm vật xuống. Hôm nay mày ăn uống làm sao thế hả? Bà lo lắng nhìn, rồi đưa tay lên trán nó sờ thử. Nó quay lại, mắt mơ màng: Cháu không sao cả. Đêm nay bà kể lại câu chuyện ông Ngâu bà Ngâu nhé! ... “Đến lưng chừng trời, hai cha con giở cơm đặt lên mặt trống để ăn. Lúc ấy, có một đàn quạ bay qua...”. Câu chuyện cổ tích của bà chìm nghỉm vào đêm. Nó cố chống hai mi mắt. Đêm trôi tuồn tuột. “Đêm nay trời sẽ mưa”. Nó tự nhủ. Có tiếng rì rào. Trời bắt đầu dở, bầu trời trong xanh cao vút biến thành màu chì sà thấp hẳn xuống tưởng giơ tay lên là có thể với tới được. Gió lành lạnh. Những con chuồn chuồn ớt lượn vòng lưng lửng ngay trên đầu. Bà nó thở dài lẩm nhẩm: Dở rồi. Mọi năm giờ thì ngâu đã thối đường, thối đất. Lại mất cả tháng ăn không ngồi rồi đây. Nó quớ lên, nhảy tâng tâng. Mưa rồi! Trong lòng nó bật lên tiếng reo vui khôn xiết. Đúng là trời bắt đầu mưa. Những hạt mưa trắng nhẹ man mát trên mặt. Nước mắt sung sướng của nó hòa với dòng nước mắt đoàn tụ của gia đình ông bà Ngâu! Nó chạy vào cầm tập tranh ra ngoài. Cũng như những bức vẽ của anh Mã Lương, những con quạ của nó đều chưa vẽ mắt. Nó ngửa cổ lên trời chờ đợi. Phép màu của giấc mơ hình như không hiệu nghiệm. Mắt nó ầng ậc nước. Mưa bắt đầu nặng hạt. Bong bóng vỡ tóe trên mặt sân. Nó run run trải những bức tranh quạ ra đầu hè. Mắt quạ rỗng thô lố. Nước mưa nhỏ từ trời xuống trần gian màu trắng. Đức tin nó chắt từ người đọng trên mắt quạ màu đỏ. Không có cây bút của anh Mã Lương. Nó dùng chính máu từ trong tim của mình để nhỏ vào mắt quạ. Từng giọt. Từng giọt. Lũ quạ bắt đầu hồng lên...Rừng rực. Chúng càng đỏ rực lên bao nhiêu, người nó càng nhợt nhạt bấy nhiêu. Từng con, từng con. Cựa quậy, vỗ vỗ đôi cánh. Chúng lượn vòng. Lượn vòng và bay vào không trung. Trên bầu trời, trong màn mưa giăng trắng bỗng xuất hiện chiếc cầu Ô Thước. Bên này, nó nhìn thấy cha trở về dắt tay nó bước lên cầu... Phía bên kia là mẹ nó. Nhưng không hiểu sao, mẹ dẫm tới đâu, lũ quạ bỗng rơi lả tả như những chiếc lá úa cuối đông bị đập. Chiếc cầu cứ cụt dần, cụt dần... Nó mở choàng mắt. Trời đã sáng bạch. Hóa ra vừa rồi chỉ là một giấc mơ. Nó chạy ra ngoài ngước đôi mắt trong veo khát khao nhìn lên bầu trời. Truyện ngắn của Nguyễn Mạnh Hùng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=18652&menu=1372&style=1