Đổi mới sáng tạo trong dạy - học bắt đầu từ nền nếp

Đó là chia sẻ của thầy giáo Hồ Việt Anh – Phó hiệu Trưởng Trường THPT Thành Sen (Hà Tĩnh) thực hiện 'Đổi mới sáng tạo trong dạy – học' từ đơn vị mình.

Thầy Hồ Việt Anh

Bắt đầu từ nền nếp

Trường THPT Thành Sen là trường có điểm xét tuyển học sinh đầu vào thấp của tỉnh, lại nằm trên địa bàn thành phố. Vì thế, công tác dạy – học có nhiều điểm đặc biệt và khó khăn so với các trường THPT trên địa bàn.

Cái khó trong việc xây dựng “nền nếp” là phải làm theo cách “mưa dầm thấm lâu” không thể nóng nảy với học trò, vì học trò bây giờ là những “cậu ấm, cô chiêu” nên phải có cách giáo dục phù hợp.

Vất vả nhất là những khi học trò “cố tình chọc tức giáo viên” – nếu giáo viên không bình tỉnh, kiên nhẫn thì sẽ nổi nóng vượt quá mức ứng xử như “véo tai học trò” dễ dàng có học sinh điện thoại quay đem lên mạng xã hội thì bị dư luận đổ xô ném đá. Đó chính là áp lực với giáo viên dạy trường THPT có điểm số đầu vào thấp như ở đây.

Từ đầu năm học, trường thường tổ chức dạy lấp khoảng trống cho học sinh khối 10 bằng cách dạy lại kiến thức lớp 9 và được phụ huynh nhất trí cao về phương pháp dạy của nhà trường qua cuộc họp phụ huynh.

Những lớp học này cơ bản là miễn học phí cho học sinh. Qua quá trình học và làm các bài kiểm tra, giáo viên phân loại học sinh rồi mới xếp vào lớp 10.

Đối với lớp 12 thì từ đầu năm học trường đã tập trung cao việc ôn tập để có kết quả đầu ra như mong muốn. Trường bố trí giáo viên dạy phù hợp cho các học sinh theo 3 khối đã phân loại học lực: xã hội 1, xã hội , xã hội 3 theo phân nhóm của giáo viên và tự nguyện của học sinh.

“Đổi mới dạy học – từ nền nếp” cho học sinh còn phải áp dụng “cách xử lí nghiêm” học sinh vi phạm. Trường luôn chỉ đạo tổ trưởng tổ chuyên môn đề cao thực hiện nền nếp dạy và học để nâng cao chất lượng dạy học đại trà.

Ngoài những cố gắng mà thầy cô – phụ huynh – học sinh đã làm được vẫn còn những tồn tại như một bộ phận học sinh đã qua tuyên truyền ATGT nhưng số lượng vi phạm giao thông còn nhiều.

Tuy nhiên, Đoàn trường đã phối hợp với công an hướng dẫn, răn đe; giáo viên kiên trì dạy dỗ nên tỷ lệ chấp hành giao thông cuối năm so với đầu năm học có sự chuyển biến rõ rệt..

Học sinh vi phạm về ATGT được xử lý bằng cách phối hợp giữa “nhà trường – gia đình – chính quyền”: Nếu học sinh nào vi phạm ATGT -lớp sẽ tổ chức họp kiểm điểm.

Sau đó cho học sinh đó viết bản tự kiểm điểm có chữ ký của: bố mẹ, công an địa phương, giáo viên chủ nhiệm và chữ ký của chính quyền nơi cư trú khi đó nhà trường mới đồng ý xác nhận cho học sinh đó được nhận lại xe.

Bằng cách phối hợp này, tình trạng không đội mũ bảo hiểm, không cài quai mũ, lạng lách, đánh võng… khi điều khiển xe đạp điện tới trường hiện nay của trường không còn.

Hiện nay, đa số các em đã sử dụng xe đạp điện đến trường nên Ban ATGT của nhà trường cũng xử lý nếu xe đạp điện chưa có biển số mà vẫn dùng đến lớp.

Đoàn trường sẽ tổng hợp số lần vi phạm để xét hạnh kiểm vào cuối năm. Đây cũng là tiêu chí bình chọn trong việc thực hiện “nền nếp” của lớp học giữa các khối và cuối năm học.

Những kết quả đáng mừng

Vào đầu năm học Ban Giám hiệu thường tổ chức cuộc họp phụ huynh sớm để trao đổi vấn đề học và rèn luyện cho những học sinh đầu vào thấp này.

Những năm trước đây, cuộc họp phụ huynh thường không đầy đủ nhưng trong vài năm lại đây 100% phụ huynh đến dự đầy đủ để cùng nhà trường phối hợp giáo dục các em. Đó là một trong những thành công mới của nhà trường trong giai đoạn hiện nay nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với phụ huynh.

Các tổ chuyên môn trong 1 tháng có tuần làm đánh giá trong thao giảng của đồng nghiệp về các chuyên đề dạy học, chuyên môn, chuyên sâu, phương pháp giáo dục học sinh.

Một năm tổ làm 1 chuyên đề: có thể là hình thức sân khấu hóa hoặc là vấn đề chuyên sâu. Đối với môn Văn, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh đến khu mộ, khu tưởng niệm Đại thi hào Nguyễn Du để hiểu hơn về Truyện Kiều. Môn Lịch sử thì học sinh đến các nghĩa trang ở Quảng Trị tìm hiểu và tự viết bài luận, giáo viên chỉ là người hỗ trợ học sinh.

Phong trào thi đua dạy giỏi luôn được Ban Giám hiệu khuyến khích, đề cao. Năm học 2016 - 2017, trường có 2 giáo viên đạt giải giáo viên dạy giỏi tỉnh. Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, học sinh của trường đạt 1 giải 3 môn Văn lớp 10, 2 giải khuyến kích môn Văn 11 và 1 giải khuyến kích môn Lịch sử lớp 11.

Tại Hội khỏe Phù Đổng toàn tỉnh học sinh của trường đoạt: 1 huy chương Vàng môn Bóng đá, 1 huy chương Bạc môn cầu lông. Em Nguyễn Sĩ Nhân đoạt Huy chương vàng môn chạy 1500 m và 1000 m; Môn điền kinh em Lê Đình Tiến đoạt 1 huy chương Bạc, các em Nguyễn Văn Trọng, Dương Thị Mỳ Linh đạt huy chương Đồng.

Trong kỳ thi thử THPT do trường tổ chức tỷ lệ đậu 45%. Sau khi thi thử có kết quả, trường lại phân lớp, phân nhóm học và ôn thi theo năng lực. Vì vậ,y trong đợt thi THPT do tỉnh mới tổ chức số lượng học sinh thi đâu đạt 76,5%.

Để tạo sự sáng tạo trong dạy và học, nhà trường đã tổ chức các chương trình trải nghiệm sáng tạo cho học sinh về địa chỉ đỏ ở địa bàn tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh; thường xuyên tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ cho học sinh tham gia.

Thầy Hồ Việt Anh cũng cho hay: Với những thành tích nhỏ bé, khiêm tốn, nhưng bằng sự nỗ lực của tập thể giáo viên, học sinh, phụ huynh, chính quyền, trường hy vọng kết quả ngày càng được nâng lên so với các trường có điểm đầu vào thấp trong tỉnh Hà Tĩnh.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/doi-moi-sang-tao-trong-day-hoc-bat-dau-tu-nen-nep-3294134-c.html