Đổi mới phương thức tuyên truyền nhằm ngăn chặn tảo hôn, hôn nhân cận huyết tại huyện vùng cao

Vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn còn diễn ra, ảnh hưởng đến chất lượng dân số của vùng đồng bào DTTS và miền núi của huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Do đời sống vẫn còn khó khăn, trình độ dân trí còn thấp cùng những hủ tục vẫn còn tồn tại đã khiến cho tình trạng tảo hôn trên địa bàn vẫn còn.

Cách làm mới tại huyện Hoàng Su Phì

Hoàng Su Phì là một trong những huyện khó khăn của tỉnh Hà Giang, địa hình chủ yếu là đồi núi với độ dốc lớn bị chia cắt bởi những dòng suối uốn lượn. Huyện có tới 12 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Hiện nay, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở Hoàng Su Phì vẫn còn lưu giữ một số tập tục lạc hậu, trong đó có việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Tuyên truyền phòng chống tảo hôn tại chợ phiên Hoàng Su Phì.

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo tích cực, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền nhằm đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện có có những chuyển biến tích cực.

Theo thống kê, trong năm 2021, huyện Hoàng Su Phì có 39 cặp tảo hôn, đến năm 2022 giảm còn 29 cặp, trong 6 tháng đầu năm 2023 có 12 cặp.

Triển khai Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em và Tiểu dự án 2: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc Dự án 9 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025, huyện Hoàng Su Phì đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ tập tục lạc hậu này.

Trong đó, huyện đã đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền tại chợ phiên là một giải pháp đang được các ngành ở huyện quan tâm, chú trọng thực hiện. Các chợ phiên được lựa chọn truyền thông thường ở những địa phương có tình trạng tảo hôn còn diễn biến phức tạp; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của đồng bào chưa cao.

Với đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội, dân cư nên người dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi không có nhiều điều kiện đi lại, giao thương như dưới đồng bằng. Vì vậy, chợ phiên thường họp tuần một lần. Ngày chợ phiên vừa là dịp để đồng bào mua sắm, trao đổi hàng hóa, vừa là cơ hội gặp gỡ, giao lưu sau khoảng thời gian gián đoạn giữa hai phiên chợ.

Ngoài phát tờ rơi, Hội LHPN huyện Hoàng Su Phì mới đây đã có sáng kiến in trên quạt những nội dung tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và 4 nội dung nhiệm vụ do Hội chủ trì triển khai thực hiện Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em để phát cho đồng bào ở chợ phiên.

Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện tổ chức trình diễn các tiểu phẩm liên quan đến chủ đề phòng ngừa, giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại chợ phiên. Cách làm này cũng mang lại hiệu quả cao, dễ được tiếp nhận vì phù hợp với nhận thức, thị hiếu của đồng bào.

Nỗ lực đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Trong thời gian qua, Phòng Dân tộc huyện Hoàng Su Phì đã nỗ lực, tích cực nhằm tham mưu thực hiện các giải pháp nhằm kéo giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Một buổi tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại thôn Lùng Chin Hạ, xã Thèn Chu Phìn, huyện Hoàng Su Phì

Chia sẻ với chúng tôi, ông Bùi Thanh Hưởng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) cho biết, Phòng Dân tộc được UBND huyện giao là cơ quan chủ trì Đề án giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện.

"Gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, với trách nhiệm của cơ quan chủ trì, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện hằng năm ban hành kế hoạch để thực hiện với nhiều giải pháp, trong đó chủ yếu là công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật" - ông Bùi Thanh Hưởng chia sẻ.

Năm 2023, Phòng Dân tộc đã tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch cụ thể đến các cơ quan, ban, ngành, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Một số cơ quan chủ lực trong đó có Phòng Tư pháp tổ chức tập huấn, hướng dẫn việc xử lí vi phạm hành chính, nếu đủ yếu tố thì chuyển cơ quan chức năng xem xét xử lý hình sự.

Huyện Đoàn cũng đã chủ trì, xây dựng chương trình sân khấu hóa, phiên tòa giả định, tuyên truyền ở trường học, các buổi chợ phiên, tạo được tính tích cực, lan tỏa cao...

Phòng Dân tộc huyện đã phối hợp với các xã tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại các thôn, trường học, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt, họp chợ…cho hơn 4.000 lượt người tham gia tại 17/24 xã thị trấn. Đặc biệt tuyên truyền tại các xã có tỷ lệ tảo hôn hôn nhân cận huyết thống cao với hơn 300 lượt người tham gia.

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023 tỷ lệ tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì giảm dần. Từ đầu năm đến nay cả huyện có 10 trường hợp tảo hôn, nhiều trường hợp có sự tham gia kịp thời của thầy cô giáo, chính quyền xã nên đã không xảy ra trường hợp tảo hôn. Hôn nhân cận huyết thống 6 tháng đầu năm không xảy ra trường hợp nào.

Ông Bùi Thanh Hưởng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) cho biết thêm, trong thời gian tới, Phòng Dân tộc Hoàng Su Phì sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS. Trong đó, tập trung vào công tác tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở, cấp phát tờ rơi, tập huấn cho đội ngũ cán bộ ở thôn bản vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn./.

Bảo Trân

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/doi-moi-phuong-thuc-tuyen-truyen-nham-ngan-chan-tao-hon-hon-nhan-can-huyet-tai-huyen-vung-cao-20231029161146258.htm