Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ mới

ND - Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là yêu cầu cần thiết khách quan và có tính lịch sử, cụ thể. Hoạt động của Mặt trận phải gắn bó mật thiết với nhiệm vụ chính trị từng giai đoạn cách mạng; gắn với quá trình đổi mới hệ thống chính trị của công cuộc đổi mới đất nước.

Với những tên gọi khác nhau gắn liền với những giai đoạn lịch sử của đất nước, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam luôn luôn phát huy tốt vị trí, vai trò, nhiệm vụ của mình. Ngày nay, Mặt trận có sứ mệnh lịch sử không kém phần quan trọng là vận động, vận động tất cả mọi lực lượng xã hội phát huy tài năng, trí tuệ xây dựng một nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc theo đường lối xã hội chủ nghĩa. Để hoàn thành sứ mệnh cao cả, đầy cam go, thử thách, Mặt trận phải tự vươn lên, tự đổi mới một cách mạnh mẽ. Yêu cầu số một trong giai đoạn mới là phải mở rộng và tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mà cốt lõi là phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường sự đồng thuận xã hội. Đồng thuận lòng dân với ý Đảng là điều kiện có ý nghĩa tiên quyết nhằm giải quyết tốt những nhiệm vụ to lớn đang đặt ra. Đổi mới nội dung, phương thức phải phù hợp từng đối tượng vận động, thích hợp từng giai đoạn phát triển; phù hợp sự đòi hỏi khách quan của mọi mặt đời sống xã hội; hoạt động phải mang lại lợi ích thiết thực: hài hòa lợi ích cá nhân, cộng đồng và toàn xã hội. Nội dung gì phải có phương thức ấy, không áp đặt máy móc, giáo điều, tránh bệnh hình thức phô trương, kém hiệu quả. Trong quá trình thực hiện có thể sử dụng kết hợp nhuần nhuyễn nhiều phương thức, thực hiện "dân vận khéo" theo tư tưởng Bác Hồ. Bởi vậy, cần xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm huyết, có năng lực, chú trọng cả đội ngũ cán bộ chuyên trách, không chuyên trách lẫn lực lượng cộng tác viên, tình nguyện viên và mạnh thường quân đầy nhiệt huyết. Những yêu cầu này mang tính nguyên tắc trong quá trình vận dụng thực hiện đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Xác định những nội dung cần đổi mới Mặt trận là tổ chức liên minh chính trị của tổ chức chính trị, các đoàn thể nhân dân và cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài. Là liên minh chính trị - tự nó đã mang nội dung chính trị. Mặt trận chấp nhận những chính kiến khác nhau, kể cả việc trình bày quan điểm, tư tưởng khác nhau, nhưng không làm phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Trước yêu cầu phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, Mặt trận chủ động đưa ra các nội dung, chủ đề trao đổi, thảo luận, tranh luận với phương châm tự do tư tưởng, chân thành, cởi mở, tin tưởng và xây dựng. Phát huy vai trò nhân dân làm chủ là nội dung cốt lõi, thể hiện bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Dân là chủ, dân là gốc. Người dân làm chủ toàn diện: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Mặt trận tuyên truyền vận động mọi người không ngừng nâng cao năng lực làm chủ, xây dựng bản lĩnh làm chủ trong điều kiện chuyển đổi cơ chế, diễn biến xã hội có những yêu cầu cao và không ít điều phức tạp. Dân chủ gắn liền với trách nhiệm công dân, kỷ luật, kỷ cương xã hội. Hiện nay, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế nhân dân làm chủ, nhưng khâu tuyên truyền giáo dục pháp luật còn yếu. Nên chăng, đổi mới - chính là Mặt trận phải có trách nhiệm cao hơn nữa trong việc đưa đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về với cộng đồng, đến với từng người dân. Cán bộ từ cơ sở lên tới Trung ương đều do dân cử ra, dân có quyền tham gia việc quan trọng của đất nước. Về Giám sát xã hội và phản biện xã hội là việc nhân dân tham gia trực tiếp, hoặc thông qua đại diện là Mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Nghị quyết Đại hội X của Đảng ghi rõ: "Hoạt động của Đảng và Nhà nước phải chịu sự giám sát của nhân dân". Hơn 50 văn bản của Nhà nước chứa đựng các quy phạm pháp luật về vai trò Mặt trận tham gia giám sát. Mặt trận cần hướng dẫn để làm tốt hơn những cơ chế đã được Nhà nước quy định, như giám sát cán bộ, đảng viên, công chức ở địa bàn dân cư; giám sát đầu tư của cộng đồng; các nội dung giám sát của Ban Thanh tra nhân dân; nhân dân giám sát theo quy định của Luật Bầu cử; giám sát cán bộ chủ chốt ở cơ sở xã, phường bằng việc bỏ phiếu tín nhiệm. Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã nêu: "Xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ". Đây là vấn đề có ý nghĩa chính trị và xã hội sâu sắc, Mặt trận cần tích cực tham gia, cùng các bên hữu quan tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền sớm cụ thể hóa, ban hành những văn bản mang tính pháp lý để tổ chức thực hiện. Mặt trận nâng cao trách nhiệm trong việc tuyên truyền, thực hiện Luật Bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, tham gia tuyển chọn thẩm phán, kiểm sát viên; tham gia ý kiến xây dựng tổ chức đảng, đảng viên, giám sát cán bộ, công chức, bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn. Mặt trận khêu gợi sáng kiến, tập hợp kiến nghị của nhân dân để phản ánh với Đảng, Nhà nước; cùng Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đại đoàn kết toàn dân tộc là đoàn kết mọi người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, bao gồm các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo, người trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài;... Mặt trận cần được củng cố và mở rộng về tổ chức và hoạt động để thật sự là một tổ chức tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, nơi thể hiện nguyện vọng và ý chí của các tầng lớp nhân dân; nơi thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên, tham gia với chính quyền trong việc giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, trong việc thực hiện dân chủ và đổi mới xã hội, chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Mặt trận cần cụ thể hóa nội dung nhiệm vụ, sao cho mọi người Việt Nam dù ở đâu hay làm gì, cũng thấy được sự cần thiết là tập hợp nhau lại, đoàn kết nhau lại, tạo thành sức mạnh của cả dân tộc đi vào thời kỳ lịch sử mới - xây dựng đất nước ta to đẹp hơn, đàng hoàng hơn. Tiêu chí của tập hợp, đoàn kết là giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Cần thông qua việc mở rộng, đa dạng hóa loại hình tổ chức, thông qua các phong trào và cuộc vận động, chăm lo đời sống và lợi ích thiết thực, tạo dựng được niềm tin Mặt trận trong lòng nhân dân. Thi đua yêu nước chứa đựng nhiều nội dung mang tính cách mạng. Mặt trận từng là nơi phát tích những cuộc vận động có ý nghĩa xã hội và đổi mới sâu sắc. Đơn cử là cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và Ngày vì người nghèo. Mặt trận cần thực hiện tốt hơn nữa chủ trương của Đảng và Nhà nước, tích cực vận động nhân dân hưởng ứng các vấn đề: như thi đua làm kinh tế giỏi, làm giàu hợp pháp; vận động xây dựng đời sống văn hóa, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội; tôn vinh người tốt, biểu dương việc tốt, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, đấu tranh chống tệ quan liêu, lợi dụng dân chủ vi phạm pháp luật... Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; cùng với công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước, Mặt trận cần làm tốt vai trò đối ngoại nhân dân, theo phương châm "chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả". Tăng cường vận động viện trợ và nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để phát triển kinh tế - xã hội. Kiên quyết làm thất bại các âm mưu, hành động của các thế lực thù địch xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta, lợi dụng các vấn đề "dân chủ", "nhân quyền", "dân tộc", "tôn giáo" để can thiệp công việc nội bộ, phá hoại sự ổn định chính trị - xã hội. Cần đổi mới, sáng tạo những phương thức nào? Trên tinh thần tự nguyện tham gia vào tổ chức Mặt trận, các thành viên là tổ chức hay cá nhân tiêu biểu, là pháp nhân hay thể nhân đều có quyền làm chủ và phát huy dân chủ, tôn trọng, chia sẻ ý kiến của nhau, hiệp thông và thống nhất hành động theo phương thức hiệp thương dân chủ, phối hợp thống nhất hành động. Đây là văn hóa ứng xử, là phong cách, phương pháp công tác; và đây cũng chính là nguyên tắc hoạt động của tổ chức Mặt trận. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận là điều quan trọng và cấp thiết. Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên vừa là người lãnh đạo Mặt trận. Mặt trận vừa tiếp nhận ở Đảng sự lãnh đạo, chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết Đảng, vừa tiếp nhận những gợi ý để Mặt trận thảo luận theo tinh thần phản biện và giám sát. Mặt trận trình bày những sáng kiến, nguyện vọng của nhân dân. Đảng tôn trọng tính tự nguyện xã hội, tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tích cực, sáng tạo và lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận. Mặt trận luôn bảo đảm các yêu cầu về sự quản lý nhà nước, thông qua cơ chế, chính sách, pháp luật. Nhà nước có cơ chế, chính sách, pháp luật tạo điều kiện Mặt trận hoạt động có hiệu quả. Mặt trận và chính quyền các cấp thực hiện quan hệ phối hợp bằng các quy chế, quy định theo chương trình công tác. Chính quyền các cấp, dựa vào Mặt trận là cơ sở chính trị để xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Phương thức về mối quan hệ phối hợp với các tổ chức thành viên, phát huy vai trò cá nhân tiêu biểu là thế mạnh của Mặt trận. Mối quan hệ hỗ trợ qua lại, diễn ra qua nhiều nội dung phong phú, linh hoạt khiến cho sức mạnh khối đại đoàn kết được nâng lên không ngừng, hướng vào mục tiêu chung và góp sức xây dựng từng thành viên vững mạnh. Về mối quan hệ dọc theo hệ thống, Mặt trận có tổ chức bộ máy bốn cấp hoàn chỉnh, dưới cấp xã phường có các Ban công tác Mặt trận tại các thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố (gọi chung là khu dân cư). Đó là hệ thống liên kết hành động, thống nhất cả nước, nhịp nhàng giữa các địa phương, giữa các vùng, miền, giữa các tầng lớp nhân dân. Phương thức quan hệ công chúng là phương thức ứng xử rộng rãi trong quảng đại quần chúng nhân dân. Mặt trận phải biết hướng về từng đối tượng cụ thể, có nội dung phương thức vận động phù hợp hoàn cảnh, điều kiện cụ thể. Cán bộ Mặt trận ở cấp nào cũng phải tránh xa quan liêu, hách dịch, luôn quán triệt và thể hiện phong cách trọng dân, gần dân và có trách nhiệm với dân. Cán bộ phải sâu sát, lắng nghe, thấu hiểu những điều mà người dân đang băn khoăn, bức xúc; có bản lĩnh nói lên tiếng nói trung thực của nhân dân. Phát huy tính tự quản của cộng đồng dân cư, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động là những cách làm năng động, hiệu quả. Nhờ đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung trong chế độ tự quản sẽ làm giảm bớt các công cụ quản lý hành chính, đem lại nhiều lợi ích cho xã hội. Mặt trận giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ, điều gì là nhiệm vụ, là lợi ích, thì cần phải hăng hái làm cho kỳ được. Khi ý thức làm chủ được nâng cao thì tính tự quản sẽ được phát huy. Thực tế đã tổng kết: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều hướng về cơ sở, thực hiện ở cơ sở. Vì vậy, cơ sở chính là địa bàn hoạt động, Mặt trận phải luôn hướng về cơ sở, phục vụ cơ sở; đó vừa là chủ trương vừa là phương thức hoạt động. Vận động quần chúng nhân dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Bản thân công tác Mặt trận là xã hội hóa, nhưng không có cách làm phù hợp sẽ rơi vào quan liêu, hình thức chủ nghĩa, kém hiệu quả. Thực tiễn đã chỉ ra năm bước công tác dân vận, cần phải học tập và phát huy: đó là - Nắm chắc tình hình - gần gũi giác ngộ - tổ chức lực lượng - triển khai nhiệm vụ - đánh giá hiệu quả. Trong điều kiện mới, có thuận lợi nhưng không ít khó khăn; vì theo đuổi lợi ích kinh tế và lợi nhuận, có không ít người chẳng quan tâm đến tổ chức và công tác Mặt trận. Mặt trận cần phải phát huy vị trí, vai trò của mình thông qua các hoạt động thực tiễn, phải đổi mới mạnh mẽ về nội dung và phương thức hoạt động, để thu hút ngày càng nhiều lực lượng xã hội tham gia công tác Mặt trận. Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, sáng tạo xã hội mới là công lao của toàn dân tộc. Mặt trận nhận rõ trách nhiệm của mình, đóng góp tích cực vào quá trình đó. Vũ Trọng Kim Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=157316&sub=130&top=37