Đổi mới để hội nhập, phát triển

40 năm qua, Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh đã đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ thành danh, cống hiến tích cực cho nền nghệ thuật sân khấu - điện ảnh nước nhà. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập, Trường không thể “dậm chân tại chỗ” mà phải năng động, kịp thời đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của hoạt động văn hóa nghệ thuật hiện nay.

Là trường đào tạo những tài năng về sân khấu, điện ảnh lớn nhất phía nam, nhưng trên thực tế, công tác đào tạo của Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, lạc hậu so với yêu cầu phát triển hiện nay. Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), đạo diễn Đoàn Dũng, nguyên Hiệu trưởng nhà trường cho biết, phương pháp giảng dạy hiện nay đối với một số giảng viên của trường vẫn chưa cập nhật với xu hướng của thế giới, không có nhiều sáng tạo. Ở các trường đào tạo tài năng nghệ thuật trên thế giới, giáo viên có nhiều thay đổi về phương pháp giảng dạy, họ chấp nhận các khuynh hướng phương đông, phương tây, tận dụng nhiều con đường để đi đến đích là đào tạo ra những nghệ sĩ giỏi trong tương lai.

Một điểm còn hạn chế trong công tác giảng dạy tại Trường đại học Sân khấu- Điện ảnh mà đạo diễn Đoàn Dũng cho rằng, cần sớm khắc phục đó là giáo trình, chương trình đào tạo có dấu hiệu tụt hậu. “Chúng ta vẫn sử dụng những giáo trình, chương trình của mấy chục năm trước mà ít chịu đổi mới cho phù hợp với xu hướng thế giới thì khó đạt chất lượng đào tạo”, NSND, đạo diễn Đoàn Dũng nhấn mạnh.

Cũng đề cập về chương trình giảng dạy, NSND, đạo diễn Đào Bá Sơn cho rằng, nhà trường còn thiếu những môn học để giúp cho sinh viên hiểu và nhận ra được cái đẹp và tính văn học; sinh viên của trường vẫn chưa chịu đọc sách, tiếp cận kiến thức xã hội, vì thế vốn sống không nhiều. Điều này sẽ khiến sinh viên không cảm nhận được hết nhân vật mà mình thể hiện. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất cũng là cái khó trong công tác giảng dạy của Trường. Nhà trường vẫn chưa có thư viện phim, chưa thể trang bị những phương tiện hiện đại để sinh viên thực hành trong quá trình học tập. Điều này khiến sinh viên khó làm chủ được nghề khi ra trường…

Để đáp ứng được nhu cầu của xã hội hiện nay, trường cần tự thân vận động và có những đổi mới thật mạnh mẽ. Theo Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT), đạo diễn Trần Minh Ngọc, nguyên Phó Hiệu trưởng nhà trường, điều đầu tiên là trường phải đổi mới về giáo trình và phương pháp giảng dạy. Không nên duy trì mãi cách “đọc chép” đối với sinh viên trường nghệ thuật mà giảng viên phải biến sinh viên là trung tâm, truyền đạt những kiến thức mới để sinh viên bắt kịp với trình độ thế giới. NSƯT, đạo diễn Trần Minh Ngọc cũng cho rằng, cần xác định hướng đào tạo đối với sân khấu truyền thống, cho các em tiếp cận với nhiều ngôn ngữ nghệ thuật để có thể chủ động sáng tạo khi ra trường.

NSND, đạo diễn Đào Bá Sơn mong muốn nhà trường đưa môn văn học vào chương trình giảng dạy sâu hơn nữa để sinh viên biết cảm nhận được cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần phải có kế hoạch cụ thể, hợp lý và luôn cập nhật để đào tạo ra đội ngũ biên kịch giỏi nghề vì trên thực tế, ở mọi lĩnh vực đều thiếu những biên kịch giỏi, những kịch bản hay.

Cùng với việc nhiều sân khấu ra đời hiện nay, nên chăng Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh cần phối hợp với các sân khấu trong việc đào tạo của mình. Vừa học, sinh viên vừa tiếp cận đến thị trường, tham gia những vở diễn ở các sân khấu như là cách giới thiệu mình với các ông, bà “bầu” khi ra trường. Theo PGS, TS Trần Luân Kim, trường cần xác định chiến lược, sứ mệnh để đào tạo, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Nhà trường cần mở rộng quan hệ quốc tế nhằm giúp giảng viên, sinh viên tiếp cận điểm mới của nghệ thuật thế giới. Bên cạnh đó, việc tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội thảo, chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học tại trường cũng là cách để nhà trường tìm ra hướng mới cho việc đào tạo của mình. Đó cũng là cách để nâng vị thế của Trường trong bối cảnh hội nhập.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tphcm/tin-chung/item/31299702-doi-moi-de-hoi-nhap-phat-trien.html