Đổi mới, cải cách để nâng cao chất lượng công tác xét xử

Trên tinh thần cải cách tư pháp, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng từ công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành đến chuyên môn, nghiệp vụ xét xử. Tất cả được tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện, thống nhất và hiệu quả.

Những năm qua, TAND hai cấp đã triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh có nhiều khó khăn, bởi tình hình tội phạm tuy được kiềm chế nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp; các tranh chấp dân sự có xu hướng gia tăng; thiên tai, dịch bệnh; thẩm quyền của tòa án tiếp tục được mở rộng nhưng biên chế lại giảm, thiếu. Trước thực trạng này, đòi hỏi lãnh đạo TAND hai cấp phải kịp thời đề ra nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế. Khi đó, các đơn vị tòa án đã xác định nhiệm vụ xuyên suốt là phải xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xét xử và giải quyết các loại vụ án trên cơ sở đổi mới tranh tụng tại phiên tòa, không để xảy ra việc kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân và kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót.

Mỗi thẩm phán tổ chức ít nhất 1 phiên tòa rút kinh nghiệm/năm để nâng cao chất lượng xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp. Ảnh: C.H

Trong 5 năm qua (2016 - 2021), TAND hai cấp đã thụ lý 31.296 vụ, việc các loại và đã giải quyết đạt tỷ lệ 95,21% (giải quyết tăng 7.939 vụ, việc so với cùng kỳ), trong đó, toàn tỉnh thụ lý 2.455 vụ án hình sự và đã giải quyết 2.342 vụ án, đạt tỷ lệ 95,40% (vượt 7,4% chỉ tiêu Quốc hội giao). Các vụ án hình sự đều được giải quyết trong thời hạn luật định và việc xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh. Những vụ án nghiêm trọng, trọng điểm được dư luận xã hội quan tâm đã có sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết và được tòa án đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh.

Đối với án dân sự, hai cấp đã thụ lý 27.204 vụ, việc và giải quyết đạt 94,95% (vượt 76,95% chỉ tiêu Quốc hội giao). Án dân sự thường liên quan đến việc tranh chấp quyền sử dụng đất đai khá phức tạp, có nhiều khó khăn trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ. Thế nhưng TAND hai cấp đã kiên trì động viên hòa giải để các đương sự tự thỏa thuận với nhau và có 11.759 vụ việc hòa giải thành. Còn án hành chính, hai cấp giải quyết 244 vụ án, đạt tỷ lệ 96,06% (vượt 36,06% chỉ tiêu Quốc hội giao)... Nhìn chung, chất lượng giải quyết án không ngừng được nâng lên, có trên 92% án tuyên được đồng tình, không có kháng cáo, kháng nghị, nhất là không xảy ra trường hợp kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm và án bị hủy, sửa thấp hơn so với quy định.

Quan trọng, việc tổ chức các phiên tòa xét xử được cải tiến và bảo đảm tính tranh tụng. Các thẩm phán hai cấp đã nắm vững pháp luật để vận dụng giải quyết các vụ án; có lập kế hoạch xét xử khoa học, toàn diện, nhất là đánh giá chứng cứ, xác định các vấn đề trọng tâm để làm rõ. Công tác tổ chức rút kinh nghiệm qua các phiên tòa theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh cũng như phiên tòa rút kinh nghiệm nội bộ theo chủ trương của TAND Tối cao. Qua đó, phần nào đã khắc phục những hạn chế và phát huy ưu điểm trong việc điều khiển phiên tòa.

Còn đối với mỗi thẩm phán đã tự rèn luyện, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, tự học hỏi với nhiều hình thức đa dạng, phong phú nên chất lượng giải quyết án từng bước được nâng lên. Ngoài ra, TAND tỉnh còn tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, thực hiện nghiêm nội quy, quy chế cơ quan; kiểm tra, đôn đốc và cùng tháo gỡ các khó khăn ở từng đơn vị tòa án. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác quản lý, lãnh đạo và trách nhiệm tập thể của Ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh trong việc đảm bảo áp dụng pháp luật thống nhất; khen thưởng kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm.

Theo đồng chí Thái Rết - Chánh án TAND tỉnh, đơn vị sẽ tiếp tục quan tâm đến công tác chính trị tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp về nhận thức, trách nhiệm đối với việc thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp. Thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng tòa án trong sạch, vững mạnh với chủ đề hành động “Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý”. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả 14 giải pháp của TAND Tối cao và 3 giải pháp của TAND tỉnh nhằm nâng cao chất lượng xét xử. Không để án quá thời hạn chuẩn bị xét xử, hạn chế đến mức thấp nhất án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của tòa án.

Tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp, phiên tòa rút kinh nghiệm nội bộ có chất lượng; công khai kịp thời và đầy đủ các bản án, quyết định đủ điều kiện. TAND tỉnh sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, kiểm tra chuyên đề đối với TAND cấp huyện, kịp thời phát hiện, khắc phục, rút kinh nghiệm về những sai sót trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác; xác định trách nhiệm người đứng đầu. Hàng năm, chú trọng tổng kết, rút kinh nghiệm công tác xét xử; nâng cao chất lượng các hội nghị chuyên đề nhằm rèn luyện kỹ năng nghề của thẩm phán, hội thẩm nhân dân.

S.M

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/doi-moi-cai-cach-de-nang-cao-chat-luong-cong-tac-xet-xu-48147.html