Đội máy bay EC-225 và Super Pumar L2 lại tung cánh trên bầu trời

Trong bối cảnh nhu cầu bay dầu khí suy giảm do ảnh hưởng của giá dầu thô, thời gian qua, đội máy bay EC-225 và Super Puma L2 của Công ty Trực thăng miền Nam (VNH South) cũng phải dừng bay thương mại từ ngày 3-6-2016, theo yêu cầu của Ủy ban An toàn hàng không châu Âu (EASA) và Cục Hàng không Việt Nam (CAAV), sau vụ tai nạn máy bay EC-225 ngày 29-4-2016 tại Na Uy, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Đội máy bay EC-225 và Super Pumar L2 lại tung cánh trên bầu trời

Đội máy bay gồm 5 chiếc EC-225 và 4 chiếc Super Puma L2 là những máy bay chủ lực của VNH South, chiếm hơn 60% số giờ bay của toàn đội máy bay 20 chiếc của công ty.

Việc dừng bay hai loại máy bay này đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt đầu máy bay cung cấp cho hoạt động bay khai thác của khách hàng.

Trước tình hình đó, để bảo đảm hoạt động bay, VNH South đã nhanh chóng tìm kiếm nguồn lực thay thế bằng việc gấp rút thuê khô 1 chiếc máy bay AW-189 từ Ma-lai-xi-a, đồng thời đẩy nhanh việc tiếp nhận chiếc AW-189 thứ hai đã ký hợp đồng mua trước đó với nhà máy Leonardo Helicopters (Ý).

Mới đây, theo kết quả điều tra nguyên nhân vụ tai nạn của Ủy ban Điều tra tai nạn Na Uy, nhà máy sản xuất Airbus Helicopters (AH) đã tiến hành cải tiến, đưa ra các biện pháp, nội dung bảo dưỡng bảo đảm hoạt động bay được an toàn.

Ngày 7-10 vừa qua, EASA đã dỡ bỏ lệnh dừng bay đối với đội máy bay EC-225 và Super Puma L2 trên toàn cầu.

Đội máy bay của VNH South.

VNH South đã tuân thủ đúng theo các yêu cầu, chỉ dẫn kỹ thuật của AH và các nhà chức trách, nhanh chóng làm việc về công tác huấn luyện, chuẩn bị vật tư, khí tài nhằm bảo đảm hoạt động bay thương mại trở lại được an toàn, thông suốt của đội máy bay này.

Là đội máy bay chủ lực của VNH South, tính đến nay, đội máy bay Super Puma L2 và EC-225 đã hoạt động bay được gần 60 nghìn giờ bay an toàn.

Đội ngũ phi công EC-225 và Super Puma L2 là những phi công giàu kinh nghiệm với 13 phi công có hơn 5 nghìn giờ bay tích lũy, 9 phi công bay hơn 10 nghìn giờ trong tổng số 33 phi công của công ty bay hai loại máy bay này.

Cho đến nay, EC-225 vẫn là dòng máy bay tầm xa hiện đại, đáp ứng nhu cầu khoan thăm dò, khai thác ở các lô dầu khí xa bờ hoặc các yêu cầu hoạt động bay tầm xa khác.

Song song với các hoạt động bay hiện có, VNH South đã và đang tích cực đa dạng hóa dịch vụ sang hoạt động bay đất liền như chữa cháy, tìm kiếm cấp cứu, vận chuyển người, hàng hóa… đồng thời mở rộng hoạt động sang thị trường nước ngoài (Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, các tổ chức quốc tế...).

Với đội máy bay 20 chiếc thuộc nhiều chủng loại hiện đại, đáp ứng tốt các yêu cầu của khách hàng cùng với cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh đồng bộ, hơn 31 năm qua, VNH South có tổng tích lũy hơn 270 nghìn giờ bay an toàn trong các lĩnh vực phục vụ thăm dò và khai thác dầu khí, du lịch dịch vụ, cho thuê máy bay và nhân công, được các khách hàng, đối tác tin cậy và đánh giá cao.

theo Quân đội nhân dân

Nguồn Soha: http://soha.vn/doi-may-bay-ec-225-va-super-pumar-l2-lai-tung-canh-tren-bau-troi-20161016093906819.htm