Đối mặt nhiều thách thức

Trong Báo cáo cập nhật kinh tế Đông Á Thái Bình Dương mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) bất ngờ giảm dự báo tăng trưởng Việt Nam năm 2016 xuống 6,2%, từ mức 6,6% trước đó vài tháng.

Nhiều lý do được đưa ra, trong đó hạn hán ở Tây nguyên, xâm nhập mặn ở ĐBSCL... đã được nhấn mạnh là một nhân tố tác động bất lợi cho tăng trưởng Việt Nam trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, nhu cầu của các nước đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm. Trong quý I, tăng trưởng xuất khẩu nước ta giảm mạnh. WB cũng cảnh báo nợ công Việt Nam từ mức khoảng 50% GDP hồi 2011-2012, kết thúc 2015 đã lên tới 62,2% GDP, dự báo 2016 sẽ ở mức 63,8% GDP và 64,7% vào năm 2018, tiến sát trần 65% Quốc hội cho phép. Trong đó, nợ Chính phủ đã vượt ngưỡng cho phép 50% GDP; nợ nước ngoài trên 43%. Tại kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIII, Chính phủ xác nhận nợ Chính phủ đã vượt mức 50%, đồng thời nêu rõ nợ công đang tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn.

Đó là việc ngân sách 2016 vẫn phải dành khoảng 24-25% để trả nợ đến hạn. Cùng lúc, đại diện Cục Quản lý nợ và tài chính quốc tế thuộc Bộ Tài chính, cho biết nợ công sẽ phải trả sớm hơn với lãi suất cao hơn. Vào năm 2017, Việt Nam không còn được vay theo điều kiện ODA từ WB và năm 2019, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng sẽ chấm dứt ODA ưu đãi với Việt Nam giống như WB.

Thực tế, không có một ngưỡng an toàn chung về nợ công cho mọi quốc gia. Nhật Bản nợ công 200% GDP (cao nhất thế giới) nhưng chưa đáng lo, trong khi Việt Nam tỷ lệ 62% đã được cảnh báo nguy cơ. Điều quan trọng là hiệu quả sử dụng đồng tiền đi vay. Bởi lẽ, rủi ro không hẳn là mức trả lãi bao nhiêu phần trăm tổng thu ngân sách, bao nhiêu phần trăm GDP. Rủi ro của Việt Nam sẽ tăng lên ở tầm nhìn trung hạn. Nó liên quan tới sự suy giảm các khoản chi tạo ra năng suất hoặc đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng như giáo dục và y tế. Nợ nhiều khiến khả năng chi tiêu cho các lĩnh vực này thấp. Dư địa không có nhiều để chi đầu tư thúc đẩy tăng trưởng.

Cảnh báo này rất sát với thực tế Việt Nam. Cụ thể, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư, nghĩa vụ trả nợ năm 2014 trên tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) của Chính phủ vào khoảng 26% và năm 2015 khoảng 32%, đã vượt ngưỡng 25% theo quy định. Điều này cho thấy chi trả nợ đang ở mức cao và có xu hướng tăng nhanh. Trong khi đó, chi cho đầu tư phát triển từ NSNN năm 2014-2015 chỉ ở mức 17-18%/năm. Cho dù trên thực tế điều hành, có bổ sung thêm từ nguồn dự phòng NSNN, cao nhất cũng chỉ đạt 20%/năm.

Thực trạng này được thể hiện rõ qua số liệu của Tổng cục Thống kê khi tăng trưởng GDP quý I-2016 chỉ đạt 5,46%, thấp hơn nhiều so với mức 6,12% của quý I-2015. Nhiều chuyên gia cho rằng con số dự báo tăng trưởng 6,2% mới nhất cũng không hẳn là quá tệ, vì đây vẫn là mức sáng sủa so với nhiều nền kinh tế khác trong khu vực. Song điều WB thực sự lo ngại đối với Việt Nam nói riêng và các nước đang phát triển trong khu vực là không gian hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô còn quá ít. Vì thế, dù nhận xét lạc quan "Việt Nam có khả năng 100% trả hết nợ công", WB đã thẳng thắn cho rằng nhu cầu cho đầu tư phát triển của Việt Nam nhằm duy trì tăng trưởng để tránh tụt hậu là khá lớn, trong khi dư địa cho đầu tư phát triển hạn hẹp.

Nguồn lực tài chính quốc gia hạn chế là thách thức lớn cho Việt Nam không chỉ trong năm 2016 mà cả giai đoạn tới. “Chúng ta tiếp cận các nguồn vốn như thế nào, rồi kỳ hạn trong danh mục như thế nào. Trong trường hợp Việt Nam, kỳ hạn là vấn đề. Nợ trong nước có kỳ hạn ngày càng ngắn lại. Nó đang tạo ra áp lực lớn. Việt Nam cần phải đưa ra biện pháp thích hợp để củng cố tài khóa trung hạn cả thu và chi. Bởi nếu không có kế hoạch tài chính thận trọng hơn, bức tranh tài chính của Việt Nam có thể phải chịu nhiều rủi ro” - một chuyên gia WB nhận định.

Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn chỉ rõ hàng loạt khó khăn thách thức cần giải quyết ngay. Đó là nợ công ở mức cao, hạn hán xâm nhập mặn ở nhiều nơi, tốc độ tăng trưởng GDP lần đầu tiên sụt giảm ngay trong quý I, xuất khẩu và giá dầu giảm tác động mạnh đến nền kinh tế… Đặc biệt, tình hình nợ công sẽ nguy hiểm hơn nếu ngân sách đi vay để tiêu dùng. Đó là chính sách vay nợ không bền vững. “Nếu vay cho mục đích đầu tư sẽ sản sinh ra sản phẩm mới, đóng góp vào GDP, từ đây có tiền thuế để trả nợ. Nhưng nếu vay tiêu dùng các khoản vay đó sẽ mất đi” - Thủ tướng nhấn mạnh.

ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20160413/doi-mat-nhieu-thach-thuc.aspx