'Đòi lại vỉa hè' phải hài hòa, phù hợp thực tế từng địa phương

Cách để tạo chuyển biến trong việc giữ gìn trật tự lòng lề đường là chuyển quân số của lực lượng quản lý đô thị về các phường để phường tự chủ. Địa phương này cũng đã kẻ lại các vạch sơn trên vỉa hè ở những tuyến có vỉa hè rộng nhằm chừa chỗ cho người đi bộ và dành một phần cho người dân kinh doanh để chống tái lấn chiếm khi lực lượng kiểm tra rút đi...

Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban chuyên trách Ban ATGT TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn có trên 50% số tuyến đường không có vỉa hè. Trong số 2.271 tuyến đường có vỉa hè thì cũng chỉ có 772 tuyến có vỉa hè rộng từ 3m trở lên. Do đó, đến thời điểm này việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ đã được các quận, huyện trên địa bàn thành phố đồng loạt triển khai.

Theo đánh giá bước đầu, ngoài sự quyết liệt chung, mỗi quận, huyện đều có những cách làm riêng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương mình.

Là địa bàn tiên phong trong việc lập lại trật tự lòng lề đường ở khu vực trung tâm, hiện quận 1 có chủ trương sắp xếp người bán hàng rong đã hết tuổi lao động vào các khu vực buôn bán tập trung, đưa vào bán buôn ở chợ phiên cuối tuần tại công viên cảng Bạch Đằng hoặc những tuyến đường có vỉa hè rộng trên 3m. Những người bán hàng rong còn trong tuổi lao động muốn đổi nghề sẽ được quận vận động các “Mạnh Thường Quân” hỗ trợ học nghề hoặc giải quyết việc làm.

Chủ tịch UBND quận 5 – ông Phạm Quốc Huy cho biết, việc lắp đặt hàng rào sắt để ngăn chặn xe đẩy bán hàng rong, người chạy xe lên vỉa hè… ở khu vực xung quanh Bệnh viện Chợ Rẫy tỏ ra hiệu quả. Do đó, thời gian tới quận 5 sẽ tiếp tục triển khai ở một số tuyến đường khác. Hiện, quận 5 cũng yêu cầu người dân đã xây bục hoặc xây gờ lên xuống trên vỉa hè phải cam kết tự tháo dỡ trong thời hạn nhất định. Song theo phản ánh của ông Huy, hiện các trạm xe buýt tổ chức ngay sát cổng các bệnh viện, trường học nên cần di dời ra xa hơn để giảm bớt mức độ tập trung người, phương tiện dẫn đến việc tụ tập đông người, chiếm dụng lòng lề đường ở khu vực này.

Chủ tịch huyện Hóc Môn - ông Huỳnh Văn Hồng Ngọc chia sẻ, để chống tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, địa phương đã tổ chức tuyên truyền cho các hộ kinh doanh và yêu cầu ký cam kết không tái phạm. Việc này cũng được đưa vào hương ước cộng đồng dân cư và nội dung sinh hoạt của các chi bộ, tổ chức đoàn thể xã hội. Với những hộ vi phạm, địa phương sẽ vận động hoặc cho thời hạn tháo dỡ, sau đó sẽ tiến hành cưỡng chế. Những hộ dân, cán bộ, đảng viên, đoàn viên… vi phạm sẽ bị nêu tên trên đài truyền thanh của xã, hoặc bị nhắc nhở, phê bình trong các cuộc họp chi bộ, đoàn thể, tổ dân phố.

Từ kinh nghiệm bảo đảm trật tự lòng lề đường vừa qua, ông Ngọc góp ý rằng, giờ tan tầm và giờ phụ huynh đưa đón con em học ngoại ngữ, học nghề ảnh hưởng không ít đến trật tự ATGT trên địa bàn. Do đó Sở KH-ĐT khi cấp phép cần yêu cầu các DN có đông công nhân, nhà hàng, trung tâm ngoại ngữ phải có khuôn viên để đảm bảo giữ xe, không lấn chiếm lòng lề đường.

Với địa bàn quận 7, ông Lê Hòa Bình, Chủ tịch UBND quận cho hay, cách để tạo chuyển biến trong việc giữ gìn trật tự lòng lề đường là chuyển quân số của lực lượng quản lý đô thị về các phường để phường tự chủ. Địa phương này cũng đã kẻ lại các vạch sơn trên vỉa hè ở những tuyến có vỉa hè rộng nhằm chừa chỗ cho người đi bộ và dành một phần cho người dân kinh doanh để chống tái lấn chiếm khi lực lượng kiểm tra rút đi. Quận 7 cũng đã tăng cường chỗ để xe máy, để xe taxi và rà soát quỹ đất công đang còn trống để bố trí chợ tạm theo giờ.

Để đảm bảo nhu cầu ăn uống cho 41 ngàn công nhân ở làm việc ở KCX Tân Thuận, quận 7 đã phối hợp với Co.op Mart bố trí cửa hàng tiện lợi ngay trong KCX. Còn theo lãnh đạo huyện Bình Chánh, giải pháp giữ vỉa hè của địa phương này là tổ chức cho hộ kinh doanh ký cam kết tại 5 tuyến đường và 18 điểm thường xuyên xảy ra lấn chiếm. Những điểm nóng về lấn chiếm lòng lề đường sẽ do các tổ liên ngành của quận chịu trách nhiệm, những tuyến khác do xã, thị trấn đảm trách việc chống chiếm dụng vỉa hè.

Không đủ nơi trông giữ xe, vỉa hè ngay khu vực trung tâm vẫn bị chiếm dụng.

Cũng theo đại diện huyện này, muốn dẹp các chợ tự phát, cần chuyển thành mô hình buôn bán hiện đại như cửa hàng tiện lợi trong các khoảng lùi ở khu dân cư chứ không để bám mặt đường, nơi có mật độ lưu thông cao.

Theo ông Lê Văn Thinh, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, địa phương này đã thống kê được hơn 5 ngàn hộ dân buốn bán lấn chiếm lòng lề đường. Lâu nay quận đã huy động Hội Cựu chiến binh, Phụ nữ, Đoàn thanh niên tham gia vận động các hộ dân buôn bán không lấn chiếm lòng lề đường và việc này đã cho kết quả tốt. Quận Bình Tân cũng huy động 140 cựu chiến binh vào cuộc cùng lực lượng trật tự đô thị, tham gia giải tỏa lòng, lề đường. Để dẹp các chợ tự phát ở khu vực có đông công nhân, quận Bình Tân đã làm việc với Sở Công Thương để đưa hàng bình ổn vào bán tại các KCN.

Ông Thinh cho biết, quận Bình Tân có nhiều địa điểm quy hoạch công viên cây xanh nhưng chưa có kế hoạch làm trong vòng 5 năm tới, do đó quận đề nghị thành phố cho người dân san lấp để trồng cây xanh, vừa kết hợp làm bãi giữ xe, nơi buôn bán hoặc khu vui chơi, thể thao…

Đánh giá cao sự quyết tâm qua các biện pháp, giải pháp trên, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh – ông Nguyễn Thành Phong cho rằng, các địa phương cần vận động hộ vi phạm tự tháo dỡ trong thời hạn nhất định, sau đó mới tiến hành xử phạt hoặc cưỡng chế. Tuy nhiên cần bảo đảm nhu cầu cho người buôn bán trên vỉa hè và khi tiến hành lập lại trật tự lòng lề đường xong phải giữ được lâu dài. Việc giữ gìn trật tự lòng lề đường không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn có vai trò quan trọng của các lực lượng, đoàn thể, tổ chức nên phải huy động các cơ quan này tích cực vào cuộc.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cảm ơn sự đồng thuận của người dân ủng hộ lập lại trật tự vỉa hè

Tại Hội nghị của Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội giao ban trực tuyến quý I-2017 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã và sở, ban, ngành TP ngày 15-3, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã đánh giá cao các bước thực hiện bài bản của UBND TP Hà Nội, của Ban chỉ đạo 197 và các sở, ngành, lãnh đạo quận, huyện, xã, phường trong đợt triển khai ra quân sắp xếp lại trật tự vỉa hè.

Theo đồng chí Hoàng Trung Hải, chính vì sự đồng thuận của người dân nên ở nhiều địa bàn khi ra quân không phải làm nhiều bởi người dân đã tự sắp xếp lại. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, từ thực tiễn triển khai cho thấy, với đặc thù của Thủ đô, đô thị đặc biệt, công tác bảo đảm trật tự, văn minh đô thị ở Hà Nội có phạm vi hết sức rộng lớn, phải tiến hành nhiều nhiệm vụ khó khăn, liên quan tới rất nhiều lĩnh vực cụ thể. TP cần quyết tâm, kiên trì, bền bỉ, tiến hành thường xuyên, kết hợp nhiều hình thức, giải pháp đồng bộ; phải tạo được sự chuyển biến thực sự từ tư tưởng, nhận thức tới hành động của mỗi cá nhân và toàn xã hội.

“Thay mặt Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội, tôi xin cảm ơn người dân của thành phố đã hết sức đồng thuận cùng với các cấp ủy, đảng, chính quyền để sắp xếp vỉa hè, hy sinh những quyền lợi của cá nhân mình vì sự nghiệp chung”, đồng chí Hoàng Trung Hải nói.

Chi Linh

Đ.Thắng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/doi-lai-via-he-phai-hai-hoa-phu-hop-thuc-te-tung-dia-phuong-432642/