Đòi lại quà đã tặng cho, có được không?

Chủ sở hữu tài sản có quyền định đoạt tài sản bằng cách tặng, cho người khác. Việc tặng, cho hoàn thành thì không được đòi lại khi tài sản được chuyển giao hợp pháp cho bên nhận.

Các luật sư Đoàn Luật sư tỉnh (thứ 2 và 3 bên trái) tư vấn pháp luật về tặng cho tài sản cho người dân xã Núi Tượng (H.Tân Phú). Ảnh: Đ.Phú

Các luật sư Đoàn Luật sư tỉnh (thứ 2 và 3 bên trái) tư vấn pháp luật về tặng cho tài sản cho người dân xã Núi Tượng (H.Tân Phú). Ảnh: Đ.Phú

Tuy vậy, trong thực tế vẫn có người tặng, cho người khác tài sản, sau đó đòi lại với lý do: tài sản không thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình, nó chưa hoàn thành thủ tục chuyển giao quyền hoặc người nhận tặng, cho vi phạm điều kiện tặng, cho.

* Muôn kiểu đòi quà

Trong quá trình theo đuổi chị B.A. (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa), anh L.N.T. (ngụ TP.HCM) có tặng cho chị xe máy hiệu Vision mới để đi làm. Chị B.A. từ chối nhận vì chị chưa thật sự cảm mến và tính tới chuyện hôn nhân với anh T. Tuy nhiên, do anh T. quá tha thiết muốn tặng quà nên để xe máy đó lại phòng trọ cho chị, buộc chị miễn cưỡng nhận.

Theo đuổi chị B.A. được 9 tháng thì anh T. bị thất nghiệp nên ít ghé thăm và mỗi lần ghé thăm thì say xỉn và ngỏ ý mượn tiền bạn gái. Chị T.A. đòi chia tay thì anh T. đòi lại chiếc xe máy Vision với lý do xe vẫn còn mang tên anh, chưa được sang tên cho chị B.A. Việc anh để xe ở phòng trọ chị B.A. chỉ là cho bạn gái mượn đi làm chứ không phải tặng như chị nghĩ.

Luật sư LÊ ĐÌNH LÝ (Đoàn Luật sư tỉnh) lưu ý, để tránh việc đòi lại quà, tài sản khi được tặng cho, tốt nhất người nhận quà nên hỏi rõ quà đó có thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người cho hay không. Nếu đúng rồi thì yêu cầu người tặng quà làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng cho mình.

Hay như trường hợp của bà M.L. (ngụ P.Tân Hạnh, TP.Biên Hòa), trong quá trình quen biết với ông D.G. (ngụ tỉnh Bình Dương) đã nhiều lần đòi bạn trai tặng dây chuyền, nhẫn, bông tai vàng nhằm thể hiện sự quan tâm, yêu thương. Do công việc của ông D.G. chỉ là thợ hồ nên không thể đáp ứng cho bạn gái những món quà đắt giá này. Tuy vậy, mỗi lần ghé thăm, ông luôn được bà M.L. thủ thỉ khát khao được nhận những món quà trên nên ông đã tìm kiếm quà tặng bằng cách cách mượn của người thân. Đầu tiên, ông D.G. mượn của người em gái mình đôi bông tai 2 chỉ vàng, chiếc nhẫn 1 chỉ vàng đem tặng. Riêng sợi dây chuyền vàng 2,5 chỉ vàng thì ông mượn của vợ chồng một người bạn thân đem tặng. Đến khi biết bà M.L. có người yêu mới, lợi dụng tình cảm của ông để vòi vĩnh chứ không yêu thương, ông D.G. càng muốn đòi lại các món quà trên. Nhưng ông không tự ý đòi mà nhờ người em gái và vợ chồng người bạn tới gặp bà M.L. đòi lại quà.

Trong khi đó, chuyện ông T.V.N. (ngụ xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu) đòi lại đất đai khi đã cho vợ chồng người con gái H.T.M. cũng khá gay cấn. Mặc dù khi cho vợ chồng con gái út phần đất này, ông M. đã hoàn tất thủ tục tặng cho theo đúng quy định pháp luật, nhưng do vợ chồng người con gái út không bỏ tiền ra xây nhà cho ông ở như đã giao kết nên nay ông đòi lại.

* Đòi được hay không?

Việc cho, tặng rồi đòi lại những tài sản đã cho, tặng là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống, nhất là trong mối quan hệ tình cảm yêu đương. Người trong cuộc lẫn ngoài cuộc cho rằng, việc cho rồi đòi lại là chuyện trẻ con, nhỏ nhen, ích kỷ, vậy việc cho rồi muốn nhờ pháp luật can thiệp liệu có được không?

Luật sư Vũ Văn Tăng, Đoàn Luật sư tỉnh cho biết, việc người cho có đòi lại được quà và người nhận có trách nhiệm trả lại những món quà đã nhận hay không phụ thuộc vào quà đó thuộc quyền sở hữu của ai, quá trình cho nhận đó có tự nguyện, hợp pháp, có điều kiện gì không. Vấn đề giải quyết sự tranh chấp này được căn cứ vào các điều tại Mục 3, Hợp đồng tặng cho tài sản của Bộ luật Dân sự năm 2015 để giải quyết.

Theo đó, trường hợp anh L.N.T. đòi lại chiếc xe máy hiệu Vision đã tặng cho chị B.A.; ông D.G. đòi lại nhẫn, bông tai, dây chuyền vàng đã tặng cho bà M.L.; ông T.V.N. đòi lại đất đai khi đã cho vợ chồng người con gái H.T.M., nếu những người nhận đồng ý trả lại thì không có gì phải bàn cãi. Còn một khi họ không muốn trả thì người cho phải có chứng cứ, giấy tờ chứng minh việc cho tài sản đó là không đúng pháp luật dẫn tới giao dịch tặng, cho đó vô hiệu thì mới đòi lại được.

Chẳng hạn, căn cứ vào lý do, anh L.N.T. chỉ gửi và cho chị B.A. mượn xe máy để đi làm nên đòi lại. Anh T. chứng minh xe máy đó anh mua tại đại lý với giấy tờ mua, đăng ký xe mang tên anh và xe hiện chưa chuyển tên cho chị B.A. thì pháp luật bắt buộc chị B.A. phải có trách nhiệm trả lại xe cho anh.

Còn trường hợp ông D.G., do ông không tự mình đi đòi lại những món quà đã cho bà M.L. mà nhờ em gái, vợ chồng người bạn thân đem giấy tờ đến đòi và họ chứng minh được đôi bông tai, nhẫn, dây chuyền vàng không thuộc quyền sở hữu của ông D.G. mà là của họ nên bà M.L. phải có trách nhiệm trả lại tài sản này cho họ. Căn cứ để họ đòi lại tài sản là dựa vào quy định tại Điều 460 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Riêng với trường hợp ông T.V.N., việc ông đòi lại đất khi đã cho vợ chồng người con gái H.T.M. chỉ thực hiện được khi trong hợp đồng tặng, cho đó có ghi rõ điều kiện vợ chồng người con gái phải thực hiện nghĩa vụ xây nhà cho ông ở.

“Bởi vì, tại Khoản 3, Điều 462 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định, trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng, cho mà bên được tặng, cho không thực hiện thì bên tặng, cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại” - luật sư Vũ Văn Tăng hướng dẫn.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202212/doi-lai-qua-da-tang-cho-co-duoc-khong-3150225/