Dời đường sắt khỏi nội đô: Không khả thi?

Xung quanh đề xuất di dời đường sắt ra khỏi nội đô Hà Nội nhiều chuyên gia cho rằng việc này không khả thi và chưa phù hợp trong điều kiện hiện tại.

Theo nhiều chuyên gia đề xuất di dời Ga Hà Nội ra khỏi nội đô là không phù hợp. Ảnh: Nguyễn Khánh

Trái quy hoạch của Thủ tướng

Theo ý kiến của Thiếu tướng Phạm Xuân Bình, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội tại Hội nghị về trật tự an toàn giao thông ngày 8/8, hiện tình hình tai nạn đường sắt đang diễn biến phức tạp. Theo Phó giám đốc Công an TP. Hà Nội, đường sắt nội đô có rất nhiều đường ngang đi qua nên công tác bảo đảm an toàn đường sắt hết sức khó khăn. Do vậy lãnh đạo Công an Hà Nội đề xuất UBND TP. Hà Nội kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải di dời tuyến đường sắt ra khỏi nội đô.

Liên quan đến đề xuất này, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho rằng, theo quy hoạch phát triển tổng thể phát triển đường sắt giai đoạn 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành không có nội dung điều chuyển đường sắt ra khỏi khu vực nội đô, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam chỉ thực hiện theo quy hoạch đã được ban hành còn về ý kiến đề xuất của một cá nhân ai đó về di dời đường sắt ra khỏi nội đô về phía Tổng Công ty không bình luận gì thêm. “Nếu giả sử có chuyển ga trung tâm ra khỏi nội thành thì buộc phải thay đổi lại quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt mà việc này không thuộc phạm vi thẩm quyền của Tổng công ty đường sắt Việt Nam”, ông Hoạch nói.

Về phía Bộ Giao thông vận tải, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà nội đến năm 2030 do Thủ tướng phê duyệt thì đường sắt quốc gia vẫn có ga trung tâm là ga Hà Nội hiện nay và chưa có gì thay đổi. Hơn nữa, quy hoạch đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên- Ngọc Hồi) và số 3 (Nhổn - Ga Hà Nội) đều có kết nối với đường sắt quốc gia tại ga Hà Nội chứ chưa có quy hoạch khác. "Đây mới chỉ là ý kiến đề xuất. Nếu có kiến nghị chính thức thì các cơ quan liên quan mới có xem xét. Mô hình tổ chức giao thông ở mỗi quốc gia có sự khác nhau, phù hợp với điều kiện cụ thể và đã được nghiên cứu", ông Đông cho biết.

Còn quan điểm ông Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch giao thông của Hà Nội trong đó có ga Hà Nội và đường sắt hướng tâm. "Hà Nội muốn làm gì thì cũng phải tuân thủ chặt chẽ quyết định của Thủ tướng. Đây là vấn đề về pháp lý, ngoài ra, ga Hà Nội có vai trò hết sức quan trọng, là nơi trung tâm tổng điều hòa các tuyến đường sắt. Giao thông đô thị cũng như hệ thống thoát nước, phải có điểm chung đấu nối. Nếu đường sắt gây xung đột giao thông thì cần nghiên cứu đưa lên cao hoặc hạ ngầm chứ không phải cứ thích là di chuyển", ông Khuê cho biết.

Cũng theo nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải hiện không có ngành nào vận chuyển được số lượng hành khách cùng một thời điểm lớn như ngành đường sắt. Mà muốn vận chuyển được phải đón được khách, không lẽ cứ mỗi khi có nhu cầu vận chuyển người dân nội đô phải di chuyển một quãng đường khá xa mới được lên tàu, như vậy vừa mất công sức của người dân vừa tốn kém kinh phí đi lại. Còn vấn đề mất an toàn giao thông tại các khu vực đường ngang dân sinh, không còn cách nào khác bản thân các cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề này phải quyết liệt hơn nữa”, ông Khuê nhấn mạnh.

Lãng phí, tốn kém

Theo chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên, đề xuất chuyển ga Hà Nội ở thời điểm hiện tại là không phù hợp với quy hoạch đường sắt được Thủ tướng chính phủ ban hành, chưa kể, để thực hiệc việc di dời này có khi mất cả vài chục năm. Trong khi đó trước mắt chúng ta có thể làm tốt những việc nằm trong khả năng như đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt trên cao, tăng cường đảm bảo an toàn tại các khu đường ngang dân sinh, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách tại các tuyến đường sắt... “ Nếu như di chuyển cả hệ thống ra thì các hệ thống đường ray cho đến hệ thống nhà ga phải được di dời hết, như vậy thì vô cùng tốn kém, thậm chí phải thuê chuyên gia nước ngoài càng lãng phí hơn. Trong khi giao thông đường sắt Hà Nội đang có nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết trước tiên mà lại đi chú trọng đến một việc quá khó thì không khác gì rước thêm việc khiến đã bế tắc lại càng bế tắc hơn", chuyên gia Bùi Danh Liên nói.

Ngoài ra theo ông Liên đường sắt nội đô không phải chỉ có ở Việt Nam mà hiện nay đó là xu thế của nhiều nước trên thế giới như Paris (Pháp), Frankfurt (Đức), Tokyo (Nhật Bản)… đường sắt quốc gia đều được bố trí ở trung tâm đô thị và được kết nối với đường sắt nội đô. Do vậy việc di dời đường sắt ra khỏi nội đô là đề xuất chưa phù hợp trong thời điểm hiện tại đến khoảng vài chục năm tiếp theo.

Đề cập thông tin đường sắt ở Hà Nội hiện nay gây ách tắc, tai nạn giao thông, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, đường sắt trên toàn thế giới đều thể hiện 2 ưu điểm là an toàn và nằm trong nội đô để đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân. Theo ông Minh, nếu đường sắt không ở trung tâm thì phương tiện từ trung tâm vận chuyển hành khách ra ngoại thành sẽ tăng lên đáng kể. “Một đoàn tàu thường xuyên vận chuyển hàng nghìn khách tại các nhà ga nội đô, nếu không có đường sắt số lượng này sẽ di chuyển bằng phương tiện khác, càng gây ra áp lực giao thông lớn với nội đô. Bên cạnh đó nếu đường sắt không ở trung tâm, thì phương tiện cũng sẽ phải vận chuyển hành khách từ trung tâm ra ngoại thành, số lượng phương tiện sẽ tăng lên đáng kể”, ông Minh phân tích thêm.

Ngoài việc tuân thủ quy hoạch mà Thủ tướng Chính phủ ban hành, thời điểm chưa phù hợp, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân theo chuyên gia Bùi Danh Liên còn có yếu tố quan trọng để không nên di dời đường sắt ra khỏi nội đô bởi biểu tượng Ga Hà Nội gắn với hình ảnh một Hà Nội xưa, với nét văn hóa, với truyền thống lịch sử của người Hà Nội. “Đề xuất di chuyển ga Hà Nội là không hợp lý về quy hoạch, chưa phù hợp về thời điểm và về bảo tồn giá trị di sản", ông Liên khẳng định.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/doi-duong-sat-khoi-noi-do-khong-kha-thi.aspx