Đối diện với thách thức trong kiểm soát tiền chất sản xuất ma túy

Cùng với buôn bán, vận chuyển trái phép, tội phạm ma túy gần đây chuyển dịch sang xu hướng nhập trái phép các hóa chất là tiền chất, sau đó mang vào nội địa sản xuất ma túy để buôn bán. Điều này mang lại những thách thức mới cho cơ quan chức năng.

Tang vật trong một số vụ án buôn lậu tiền chất ma túy. Ảnh: C04.

Nhiều vụ việc quy mô lớn

Thực tế đấu tranh của lực lượng chức năng những năm gần đây cho thấy, nguồn ma túy tổng hợp liên quan đến các đường dây tội phạm xuyên quốc gia ngày càng trở nên phổ biến. Ma túy tổng hợp không chỉ đưa về từ châu Âu, châu Mỹ như trước, mà còn đến từ “Tam giác vàng”, từ Lào, Campuchia về Việt Nam tiêu thụ hoặc vận chuyển tiếp đi nước thức ba. Số lượng ma túy bắt giữ ngày càng lớn, đặc biệt là ma túy tổng hợp.

Khi việc vận chuyển trái phép qua biên giới bị hạn chế do sự kiểm soát chặt chẽ của các lực lượng chức năng, các đối tượng chuyển sang nhập lậu nguyên liệu, bao bì từ nước ngoài về để pha chế, sản xuất ma túy trong nước sau đó pha trộn, tẩm ướp vào đồ uống, thuốc lá điện tử...

Đơn cử như 2 vụ việc được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) thông tin mới đây.

Đầu tiên là vụ tẩm chất ma túy vào thuốc lá điện tử do đối tượng Lê Anh Thơ (trú quận Hoàng Mai, Hà Nội) cầm đầu. Khi phá án, tại kho xưởng của các đối tượng, công an thu giữ hơn 3.500 điếu thuốc lá điện tử thành phẩm đã được bơm tinh dầu có chứa ma túy; 5 can nhựa chứa 84 lít dung dịch ma túy; 1 máy bơm tinh dầu có pha trộn ma túy tổng hợp; gần 300 thùng carton chứa thiết bị lắp ráp thành hơn 10.000 điếu thuốc lá điện tử, 1 triệu vỏ điếu thuốc lá sợi…

Trước đó, C04 (Bộ Công an) cũng chủ trì triệt phá đường dây sản xuất ma túy dạng “nước vui” do Nguyễn Thị Hoài, 31 tuổi (trú tại quận 1, TP. Hồ Chí Minh) cầm đầu. Vụ án này sau đó đã khởi tố 10 bị can trong đường dây. Bước đầu, cơ quan điều tra làm rõ, trong nửa năm, các đối tượng đã pha chế, đóng gói và xuất ra thị trường khoảng 750 kg ma túy “nước vui”.

Điểm chung trong 2 vụ bắt giữ quy mô lớn kể trên là việc các đối tượng ra nước ngoài hoặc lên mạng học cách thức sản xuất ma túy tổng hợp. Sau đó, tiếp tục liên hệ với các đối tượng ở nước ngoài đặt mua cần sa tổng hợp, tinh dầu vị, hóa chất, các thiết bị của thuốc lá điện tử, sợi thuốc lá, phụ gia, bao bì… rồi nhập lậu về nước phục vụ sản xuất ma túy tổng hợp.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để đấu tranh

Lực lượng hải quan phát hiện nhiều thủ đoạn cất giấu ma túy tinh vi. Ảnh: TL

Những năm gần đây, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất phục vụ phát triển kinh tế, xã hội diễn ra sôi động, nhu cầu sử dụng tiền chất trong sản xuất, kinh doanh, trong lĩnh vực thú y và và y tế có chiều hướng gia tăng. Đây là “môi trường” để tội phạm nhập lậu tiền chất.

Theo Tổng cục Hải quan, qua việc tham gia đoàn kiểm tra liên ngành kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy do Bộ Công an chủ trì và công tác tổng hợp, báo cáo từ các cục hải quan địa phương, có thể điểm qua một số hành vi điển hình từ những vụ xử lý vi phạm về xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất để sản xuất ma túy.

Đó là gian lận khi khai báo hải quan trong quá trình xuất nhập khẩu hóa chất là tiền chất ma túy như: không khai hoặc khai sai về tên hàng, số lượng, chủng loại của hàng hóa; sử dụng tên, địa chỉ, nhân thân giả để gửi và nhận hàng hóa; sử dụng mạng xã hội, công nghệ trong việc trao đổi mua bán, vận chuyển trái phép tiền chất ma túy.

Doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; hàng gửi kho ngoại quan không thực hiện đúng, đầy đủ quy định liên quan đến quản lý, sử dụng tiền chất, dẫn đến thất thoát tiền chất, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng mua bán, trao đổi tiền chất.

Ngoài ra, có cả hành vi gian lận trong sử dụng giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất; gian lận trong sang chiết, vận chuyển trái phép tiền chất. Có cả việc vận chuyển hàng hóa là tiền chất khi tạm nhập tái xuất, quá cảnh và gửi kho ngoại quan không đúng tuyến đường, địa điểm, cửa khẩu, thời gian quy định.

Để đấu tranh hiệu quả hơn với loại tội phạm này, theo Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Hùng Anh, ngành Hải quan đã và đang chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa, nhận diện, ngăn chặn kịp thời hành vi lợi dụng tiền chất, hóa chất xuất nhập khẩu hợp pháp để sản xuất ma túy bất hợp pháp.

Đáng chú ý, ngành Hải quan tăng cường nhiều kế hoạch, hoạt động, dự án hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy với sự phát triển cả về quy mô và chiều sâu, trên cả bình diện song và đa phương. Về khuôn khổ song phương, đẩy mạnh với hải quan các nước thông qua trao đổi, hỗ trợ xác minh thông tin; phân tích rủi ro, xác định trọng điểm; cung cấp thông tin về đối tượng, lô hàng nghi vấn phục vụ công tác đấu tranh ngăn chặn, bắt giữ các vụ việc lớn liên quan đến hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; phối hợp triển khai các chương trình, dự án tăng cường kiểm soát chung về ma túy, tiền chất; cập nhật thông tin cảnh báo, xu hướng hoạt động của tội phạm ma túy...

Ở khuôn khổ đa phương, Hải quan Việt Nam đã ghi dấu ấn với thành công của Chiến dịch Con rồng Mê Kông. Đây là hoạt động chung chống buôn bán ma túy, tiền chất và các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp trong danh mục Công ước CITES.

60 loại tiền chất phải quản lý kiểm soát

Theo danh mục tiền chất được Chính phủ ban hành, có 60 loại tiền chất phải quản lý kiểm soát. Trong đó có 13 loại tiền chất do Bộ Công an quản lý, 39 loại tiền chất do Bộ Công thương quản lý và 8 loại tiền chất do Bộ Y tế quản lý. Các loại tiền chất này khi làm thủ tục hải quan phải được cơ quan quản lý chuyên ngành cấp giấy phép xuất, nhập khẩu.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/doi-dien-voi-thach-thuc-trong-kiem-soat-tien-chat-san-xuat-ma-tuy-145584.html