Dồi dào nguồn hàng cuối năm

Còn khoảng hai tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, trên thị trường thành phố (TP) Hồ Chí Minh, nguồn hàng dự trữ đã khá dồi dào. Từ nhà sản xuất đến phân phối đều khẳng định, nguồn cung hàng hóa Tết tăng từ 20 đến 30%, có nơi tăng 60% so với dịp Tết năm trước cho nên không lo thiếu hàng hóa, biến động giá...

Thành phố Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ lớn với hơn 12 triệu dân. Chỉ tính riêng về lượng thịt heo, ước tính mỗi ngày thị trường thành phố tiêu thụ khoảng 10 nghìn con heo, trong đó, hơn 85% số lượng thịt heo được các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bến Tre,Vĩnh Long, Bình Phước cung cấp. Riêng tỉnh Đồng Nai cung cấp khoảng 60% lượng thịt heo cho TP Hồ Chí Minh.

Tại thời điểm này, ở Đồng Nai, nguồn cung gà ta, heo và gà công nghiệp cho thị trường Tết khá dồi dào, không lo biến động về giá. Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán cho biết: Vài năm trở lại đây, người nuôi heo ở Đồng Nai không còn tăng đàn ồ ạt vào dịp Tết như trước nhưng nguồn cung cho thị trường dịp này vẫn rất dồi dào do tổng đàn heo của tỉnh luôn tăng “nóng”. Nhiều chuyên gia nhận định, giá heo có thể rơi vào giai đoạn thấp điểm từ năm 2017 sau chu kỳ tăng trưởng nóng, nhưng thực tế giá heo đang rơi vào chu kỳ “hạ nhiệt” sớm hơn so với dự đoán.

Tỉnh Đồng Nai đang có tổng đàn heo lên đến hơn 1,7 triệu con, tăng 100 nghìn con so với cùng thời điểm ở năm ngoái. Hiện, giá heo hơi bán tại trại chỉ còn 37 nghìn đồng/kg. Từ hộ nuôi nhỏ lẻ đến các chủ trang trại đều lo lắng vì giá heo hơi đang “rớt” khá sâu, chưa có dấu hiệu phục hồi. Ông Bùi Ngọc Tú, chủ trại heo tại xã Bình Minh, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) cho biết: “Thời điểm này năm ngoái, heo hơi có giá hơn 48 nghìn đồng/kg và liên tục ổn định ở mức cao cho nên người nuôi có lời. Nhưng với giá heo hơi bán ra lỗ vốn như hiện nay, hầu như không có mấy trại nghĩ đến việc tăng đàn”.

Cũng Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán, nhu cầu trong tỉnh và cung ứng cho TP Hồ Chí Minh từ 5.000 đến 6.000 con heo thịt/ngày, song hiện tại, người chăn nuôi ở Đồng Nai có thể cung cấp cho thị trường khoảng tám nghìn con heo thịt/ngày. Vì thế, lượng heo thịt phục vụ nhu cầu dịp Tết chỉ lo thừa, không lo thiếu.

Còn Giám đốc Công ty TNHH MTV chăn nuôi Bình Minh (Đồng Nai) Dương Anh Tuấn cho biết: Vào dịp Tết Nguyên đán 2017, công ty sẽ tăng sản lượng gà thịt thêm 20 đến 30%, tương đương 1,2-1,3 nghìn tấn/ngày để cung ứng cho thị trường phía nam. Nhu cầu tiêu thụ gà thịt của Đồng Nai vào dịp Tết Nguyên đán dự tính chỉ vài chục tấn/ngày, cho nên nếu xảy ra tình trạng hút hàng, giá tăng cao, công ty cam kết tăng nguồn cung cho tỉnh để cân đối thị trường.

Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân Phạm Thị Huân cho biết: Ngoài trứng sạch, doanh nghiệp (DN) còn đầu tư sản xuất thêm thịt gia cầm và sản phẩm chế biến. "Chúng tôi đã chuẩn bị lượng hàng hóa Tết tăng hơn 20% so với năm ngoái. Không những không tăng giá mà trong hai ngày giáp Tết, Công ty Ba Huân sẽ giảm thêm 2.000 đồng/chục trứng. Bên cạnh việc cung ứng hàng hóa qua các kênh phân phối hiện đại, chúng tôi còn tổ chức thêm 80 xe bán hàng lưu động cho vùng sâu, vùng xa", bà Huân cho biết thêm.

Nhiều DN khác cũng đã chuẩn bị sẵn sàng hàng hóa phục vụ Tết với số lượng tăng từ 10 đến 20% so với năm trước, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và giá cả hợp túi tiền người tiêu dùng. Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hòa, đến nay, các DN đã chuẩn bị đầy đủ, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của thị trường Tết. Do đây là mùa mua sắm lớn trong năm cho nên nhiều DN còn tung ra các sản phẩm mới, tích cực tham gia chương trình bình ổn giá của thành phố với cam kết không tăng giá trong suốt một tháng trước và một tháng sau Tết Nguyên đán.

Vấn đề người tiêu dùng quan tâm hiện nay là chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Để góp phần định hướng và dẫn dắt thị trường, Sở Công thương thành phố đã phối hợp các địa phương thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt heo. Ngày 16-12 vừa qua, hệ thống truy xuất này đã chính thức đi vào hoạt động với 351 điểm bán thuộc kênh phân phối hiện đại, sau đó sẽ triển khai trên kênh truyền thống và mở rộng ra các loại sản phẩm khác.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Nhã Trúc cho biết: “Bên cạnh sản phẩm thịt, chúng tôi đang triển khai truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm rau ở hai hợp tác xã Phước An và Phú Lộc. 100% số hộ trồng rau trên địa bàn thành phố đã ký cam kết sản xuất rau an toàn. Tuy nhiên, sản lượng rau của thành phố sản xuất chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu cho nên chúng tôi đã tích cực phối hợp các tỉnh bạn trong việc quản lý chất lượng sản phẩm. Hiện tại, chúng tôi đã triển khai xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn từ trang trại đến bàn ăn với 47 cơ sở tham gia, số lượng sản phẩm tương đương 132 nghìn tấn/năm; có 401 điểm kinh doanh sản phẩm an toàn”.

Chi Cục trưởng Thú y TP Hồ Chí Minh Phan Xuân Thảo cho biết, trong năm 2016, chi cục đã kiểm tra ba đợt với 102 trang trại trên địa bàn thành phố và không phát hiện sử dụng chất cấm. Tuy nhiên, tại các lò giết mổ, heo từ các tỉnh nhập về vẫn còn phát hiện chất cấm, bơm nước, thuốc an thần, đáng chú ý là lượng tồn dư chất cấm vượt tiêu chuẩn gấp nhiều lần…

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tphcm/thong-tin-kinh-te/item/31819402-doi-dao-nguon-hang-cuoi-nam.html