“Đói dài” vốn tái canh cà phê

Lãi suất cao, khó tiếp cận nguồn vốn và cơ chế, chính sách chưa rõ ràng là nhiều nguyên nhân khiến việc tái canh cây cà phê vẫn gặp nhiều khó khăn. Đây là phản ánh chung của nhiều cơ quan quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, người nông dân tại Hội nghị Sơ kết tái canh cà phê tổ chức ở 3 tỉnh Tây Nguyên mới đây.

Chính phủ cần có chính sách riêng cho vay tái canh cây cà phê

CôngThương - Bất cập vì cơ chế

Ông Lương Văn Tự- Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam- cho biết, tổng diện tích cà phê già cỗi của Việt Nam cần phải trồng thay thế và chuyển đổi trong 5- 10 năm tới là khoảng 140- 160 nghìn ha. Do đó, tái canh cây cà phê là một trong những đòi hỏi cấp bách hiện nay, nếu không sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và sản lượng xuất khẩu cà phê cùng nhiều hệ lụy khác.

Đứng trước thực trạng này, Chính phủ đã có chỉ đạo về việc tái canh cây cà phê, trong đó có nguồn vốn cho vay dựa trên quy hoạch cụ thể do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) thực hiện. Theo đó, người trồng cà phê được vay tới 70% trên tổng mức đầu tư với lãi suất thấp hơn cho vay thông thường 2%, không phải trả nợ gốc trong quá trình cây cà phê kiến thiết cơ bản 3 năm (thời gian làm đất, trồng cây), thời gian hoàn vốn 7 năm. Tuy nhiên sau khoảng 2 năm triển khai, việc tái canh gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân cơ bản được chỉ ra là do cơ chế chưa phù hợp, đặc biệt về nguồn vốn.

Ông Võ Thanh Phong- Phó giám đốc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Đăk Lăk - cho hay, việc cho vay gặp khó vì theo quy định, vườn cà phê tái canh phải nằm trong quy hoạch. Thêm nữa, người vay phải có thế chấp, trong khi tài sản duy nhất có thể thế chấp là sổ đỏ thì nhiều hộ gia đình chưa có hoặc có nhưng giá trị xác định cho vay không cao do công trình trên đất không được chứng nhận.

Cũng theo ông Phong, đa số vườn cà phê thuộc hộ gia đình nghèo nên không có tài sản, trong khi việc tái canh rất tốn kém và nguồn thu nhập bị gián đoạn từ 5-6 năm. Giả sử có vay được với mức lãi suất như hiện nay thì doanh nghiệp, người nông dân vẫn khó “trụ” được.

Gói tín dụng cho tái canh cây cà phê đã được thông qua với khoảng 12.000 tỷ đồng do Ngân hàng NN&PTNT làm đầu mối, nhưng sau hơn 2 năm thực hiện, nguồn vốn này mới chỉ giải ngân được 252 tỷ đồng (tương đương hơn 2%), diện tích tái canh đạt 2.675 ha.

Xây dựng chính sách riêng

Ông Nguyễn Đức Luyện- Phó Chủ tịch tỉnh Đăk Nông- bày tỏ, một ngành chủ lực như cà phê mà lại không có chính sách hỗ trợ chủ lực, nhất là về vốn. Nếu không có cơ chế lãi suất ưu đãi, thì có đem tiền đến tận nhà, người dân cũng không dám nhận. Vì vậy, nhà nước cần có chiến lược, chính sách đồng bộ cho tái canh cây cà phê, đặc biệt là tháo gỡ nút thắt về cơ chế vốn.

Nhiều ý kiến khác cho rằng, cần tăng thời gian cho vay lên tới 10 năm, giảm lãi suất xuống dưới 6%, thậm chí thấp hơn nữa, đặc biệt không tính lãi trong thời gian kiến thiết khoảng 3 năm.

Ông Võ Thanh Phong đề nghị: Chính phủ có chính sách riêng cho vay tái canh cây cà phê như nguồn vốn, lãi suất, bảo đảm tiền vay. Đơn cử như tăng tỷ lệ cho vay trung, dài hạn và giảm tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro đối với dư nợ không có tài sản bảo đảm; nâng mức cho vay không phải bảo đảm bằng tài sản đối với hộ gia đình thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân lên mức 100 triệu đồng, hộ kinh doanh 500 triệu đồng, hợp tác xã 3 tỷ đồng; mặt khác, cho phép Ngân hàng NN&PTNT không phải chuyển 2% nguồn vốn huy động sang Ngân hàng Chính sách xã hội mà giữ lại để cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn; Ngân hàng Nhà nước sớm phê duyệt nguồn tái cấp vốn. Hơn nữa, để người dân tiếp cận vốn dễ dàng, các cơ quan chức năng cần sớm phê duyệt và công bố quy hoạch chi tiết diện tích, lộ trình thực hiện tái canh cây cà phê theo từng năm và từng địa bàn.

Vũ Sơn

Chính phủ cần có chính sách riêng cho vay tái canh cây cà phê

PHẢN HỒI

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/tai-chinh/57356/doi-dai-von-tai-canh-ca-phe.htm