Đọc truyện ký 'Huyền thoại Hoa cỏ may' của nhà thơ Nguyễn Văn Tám

Những ký ức vỡ vụn theo thời gian, những sự kiện bị lãng quên, những hình ảnh phai mờ ít nhiều trong trí nhớ... dưới ngòi bút của nhà thơ Nguyễn Văn Tám bỗng hiện ra sống động lạ thường... Là học sinh miền Nam sống trên đất Bắc xa nhà, sống nhiều nơi từ vùng đồng bằng đến trung du và "quậy tưng" cũng nhiều nơi...vậy mà vẫn được hưởng sự đùm bọc yêu thương và độ lượng của người dân miền Bắc. Vì thế suốt một thời tuổi thơ trai trẻ để đến giờ đầu bạc, vẫn khắc khoải điều nhớ thương. Nguyễn Văn Tám là nhà thơ, Hoa cỏ may, câu chuyện mở đầu cho tập truyện ký này như một bài thơ tình đầu đời tự nhiên và trong sáng, và cũng một cách tự nhiên, tình cảm đó dẫn dắt đến một tình yêu quê hương đất nước, con người qua các truyện ký (Tản mạn sông, Núi thiêng, Về lại mái trường sơ tán, Ký ức một dòng sông, Hải phòng nuôi lớn những giấc mơ...).

Gồm 35 truyện, ký và ghi chép, tập truyện ký Huyền thoại Hoa cỏ may tập hợp những cảm xúc chợt đến và những chuyện từ thời xa lắc, từ một không gian sống quanh mình đến những vùng đất thân quen, xa lạ nơi cùng trời cuối đất, cho thấy tác giả đi nhiều, viết nhiều, viết "không đầu không cuối" nhưng ở mỗi câu chuyện đều chứa đựng những điều đau đáu...Không phải ngẫu nhiên chỉ là tả cảnh, tả tình những ngọn núi hùng vĩ linh thiêng của đất nước như Ba Vì, Tam Đảo, Tây Thiên, Yên Tử, Nghĩa Lĩnh, Ngũ Hành Sơn, núi Vàng, Bà Đen..., những di sản gắn liền với tầng sâu văn hóa dân tộc, nhà thơ còn đặt vấn đề cần xem xét của các cấp chính quyền, rằng bây giờ "... Con người có xu hướng can thiệp chạm đến thiên nhiều quá. Giữa cổ kim âm dương, tục lệ lẫn lộn với bụi trần..." (Núi thiêng).

Bên cạnh tình yêu quê hương đất nước thì tình cảm, trách nhiệm cá nhân đối với gia đình, đồng đội luôn ấp ủ trong lòng "... Nơi ấy bên con sông Đáy huyền bí vật vờ ẩn hiện sau những bờ tre không chịu chảy. Dòng sông cứ bàng bạc trong tôi suốt những năm sống trên đất Bắc và nhất là những năm ở Trường Sơn, nhớ miền Bắc là nhớ đến Văn La...", nơi mà "... bao năm xa cách, kẻ Nam người Bắc, đất nước thống nhất rồi mà Thái vẫn còn nằm lại nơi đất khách quê người xa lơ xa lắc..." (Miền quê xa lắc), hoặc những ký ức đầy xót xa".... những thằng bạn bặm trợn, nghịch ngợm là thế, nhưng lớn lên thành người tâm huyết viết tâm thư bằng máu xin trở về miền Nam chiến đấu. Có nhiều đứa thành anh hùng, liệt sĩ, có đứa vào Trường Sơn chưa đi hết con đường đã nằm lại một góc rừng hoang vắng xa lạ..." (Kỷ niệm bài thơ Ký ức một dòng sông)

Từ con mắt nhìn của một nhạc sĩ, Nguyễn Văn Tám còn khắc họa trong tập truyện ký chân dung những nhạc sĩ thuộc bậc đại thụ trong làng âm nhạc Việt Nam mà anh đã từng có dịp gặp gỡ, trò chuyện với một giọng kể chân thành, không e dè khi ngợi ca, không sợ thất thố khi phê phán... hệt như tính cách bộc trực của anh. Về nhạc sĩ Phạm Duy, anh viết "Ông tự đánh ông, điều đó ông biết. Cái thế mạnh của ông tự ông tước bỏ, còn những việc đâu đâu ông lại è lưng vác cây "Thập tự chinh" nghiệt oan đời nghệ sĩ..." (Một vài suy nghĩ về hồn Việt trong ca khúc Phạm Duy), hay về Văn Cao, anh nhận xét "Khúc thức của bài hát vừa dồn nén vừa bay bổng, ca từ vừa trần trụi vừa cao sang..." (Nhạc sĩ Văn Cao và ca khúc Dưới ngọn cờ giải phóng)... Có rất ít cuốn sách nói về những ký ức, tình cảm sâu đậm của những học sinh miền Nam sống trên đất Bắc. Hàng chục nghìn học sinh từ năm 1954 đến 1975 dòng người đi suốt hơn 20 năm như thế, được đồng bào miền Bắc dạy dỗ, nuôi nấng, chở che từ nhỏ cho đến lúc trưởng thành, đã hình thành nhân cách của một thế hệ "ngày Bắc đêm Nam", thì đây, những cảm xúc được nhà thơ Nguyễn Văn Tám thể hiện trong cuốn truyện ký này cũng đã đóng góp một phần nhỏ vào dòng tư liệu lịch sử đào tạo của ngành Giáo dục nước nhà về tình yêu quê hương đất nước, về nhận thức đấu tranh, về nhân cách, trách nhiệm của con người trong xã hội...

Một nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ và một thời còn là cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, Nguyễn Văn Tám hào hoa, sôi nổi tưng bừng trên mọi lĩnh vực của cuộc sống với một niềm đam mê mãnh liệt. Anh thấy rõ có những điều sẽ trở nên phi thường nhưng chính lại phát nguồn từ những sự việc rất bình thường:

... Những rễ cây âm thầm

Lẫn trong tàn lá mục

Bỗng ngày kia bất chợt

Làm khối đá vỡ tung!...

(Rễ cây - NVT)

Cứ âm thầm lặng lẽ giữa xô bồ cuộc sống, một ngày kia, từ đáy lòng mình Nguyễn Văn Tám đã cho ra mắt bạn đọc Huyền thoại Hoa cỏ may, một tác phẩm rất đáng trân trọng! Truyện ký Huyền thoại Hoa cỏ may 340 trang do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành tháng 10-2016, số lượng 500 cuốn, giá 80.000 đồng. Phát hành không theo bài bản mà theo phong cách lãng tử Nguyễn Văn Tám...

Bùi Công Dụng

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_158369_do-c-truye-n-ky-huye-n-thoa-i-hoa-co-may-cu-a-nha-.aspx