Đọc thơ haiku của Nguyễn Cảnh Ân

Đến giờ, nhà thơ Nguyễn Cảnh Ân vẫn tỏ ra sung sức. Bằng chứng là ông lại vừa cho ra đời một cuốn sách mới mang tên 'Mẹ' (NXB Hội Nhà văn) sau 15 tập sách đã xuất bản từ nhiều năm trước.

“Mẹ” được tác giả coi là “thơ đôi”, có ba phần: “Người mẹ huyền thoại”, “Cuộc đời con” và “Em”, gồm 140 bài thơ viết cùng lúc theo hai thể haiku và lục bát. Chủ đích viết như thế, là nét sáng tạo và cũng là đóng góp ít nhiều của Nguyễn Cảnh Ân trong làng thơ Việt. Haiku và lục bát là hai thể thơ truyền thống, một của Nhật Bản và một của Việt Nam, ra đời và có sức sống từ bao đời nay.

Thơ lục bát viết cho hay, đã khó. Thơ haiku, cũng vậy. Nếu viết không cẩn thận thì sẽ chỉ còn tồn tại dưới dạng hình thức hoặc chỉ giống ở phần hình thức. Riêng với thơ haiku, đối với người viết là một thử thách rất lớn, không dễ vượt qua. Bởi vì từ xa xưa, người ở xứ Mặt trời mọc đã đòi hỏi thể thơ này phải kiệm lời, phải gói tròn lời trong ba câu, phải viết sao cho có ý, có nghĩa và lời dừng nhưng ý không dừng. Trong những cái “phải”, khó nhất là “lời dừng nhưng ý không dừng”, phải hàm chứa một cách gợi mở và gợi mở một cách hàm chứa. Chưa kể vẫn phải “ý tại ngôn ngoại” theo đòi hỏi nói chung của thơ.

Vậy mà khi đọc “Mẹ”, ta bắt gặp nhiều bài thơ rất đáng được đánh những dấu khuyên vào đó. Phải chăng vì chịu ơn mẹ, coi “nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” và coi “em” như người bạn đời không thể thiếu từ trong tâm khảm mà Nguyễn Cảnh Ân viết được như thế? Có thể kể tên: “Bài 11”, “Bài 12”, “Bài 21”, “Bài 34”, “Bài 74”, “Bài 103”, “Bài 127”, “Bài 135”.

“Bàu Kĩnh, nước rất su
Mẹ cấy mạ dài vẫn ngập
Cố ngoi lên mà sống!”

Đây là nguyên văn “Bài 11”. “Bàu Kĩnh” là tên một địa danh. "Su" là sâu, theo cách nói của người Lạc Sơn, Đô Lương, Nghệ An. Bài thơ nói lên ý chí vượt khó của mẹ. Dù ở Bàu Kĩnh nước sâu, khi cấy đã phải dùng “mạ dài” mà nước “vẫn ngập”. Và cây lúa cũng như mẹ vậy, phải “cố ngoi lên mà sống”.

Vẫn cái mạch của “Bài 11”, nhưng đến “Bài 12”, tác giả triển khai theo ý khác:

“Rét tháng giêng căm căm
Nước ngang bụng, lội bàu mẹ cấy
Nỗi khổ đã nẩy mầm!”

Nếu “Rét tháng giêng căm căm/ Nước ngang bụng, lội bàu mẹ cấy” mới dừng ở mức kể tả, dẫn dắt... thì đến “Nỗi khổ đã nẩy mầm” đã góp phần nâng vực tứ thơ. Đến nỗi khổ cũng nẩy mầm thì xem ra đời người gian nan, vất vả đến thế là cùng!

Ở “Bài 21”, xuất phát từ cảm xúc “Trái tim mẹ rộng bao la/ Tấm lòng mẹ cứ như là Phật Tiên”, tác giả đã làm mới những gì đã cũ khi nói về tấm lòng và công ơn của mẹ:

“Vũ trụ... bao công trình
Cuộc đời có bấy nhiêu đổi mới
Và mẹ là tất cả!”

Ở “Bài 127” và “Bài 135”, tác giả viết ra như để dành cho tình yêu ở tuổi đã về già - chặng hành trình mà có nhà thơ đã từng thốt lên: “Ôi còn đường tình yêu/ Cả đời đi không hết”. Một lần nữa, bản chất “là một” của tình yêu lại trở về. Bên cạnh đó, tác giả cũng muốn khẳng định thêm: Tình yêu luôn luôn không có tuổi.

Đây là những câu thơ nhằm thực chứng điều đó: “Mỗi vần thơ có em/ Riêng riêng, đằm thắm, luôn mới mẻ/ Hạnh phúc phải như thế!”; “Tóc bạc màu năm, tháng/ Đẹp duyên tình ở cuối đường xuân/ Tri kỷ và tri âm”. Như vậy là hạnh phúc tức là luôn luôn có nhau mọi nơi, mọi lúc, vừa “riêng riêng”, vừa “đằm thắm”, vừa “luôn mới mẻ”. Hạnh phúc đích thực là hạnh phúc bền lâu “đến cuối đường xuân” và dứt khoát phải “tri kỷ và tri âm”. Nói không quá thì bằng thơ haiku, Nguyễn Cảnh Ân đã bổ sung thêm nghĩa của hạnh phúc và tình yêu theo quan niệm và cách thức biểu hiện của ông.

Đọc những câu thơ này, tự dưng tôi lại nhớ đến mấy câu thơ thật hay của nhà thơ người Pháp Louis Aragon: “Em thân yêu, chỉ có em còn lại/ Trong hoàng hôn buồn bã của cuộc đời/ Khi mắt em có chiều đổi khác/ Tay anh dừng trên sợi tóc điểm mây”“Nhắc đến mình ai cũng bảo lứa đôi!”.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/doc-tho-haiku-cua-nguyen-canh-an-645609.html