Đọc sách Sột soạt: Nơi bố mẹ cùng con khởi đầu xây dựng văn hóa đọc trong gia đình

'Những buổi đọc sách không thể biến một đứa trẻ từ không thích đọc sách thành ham mê đọc sách. Đó là trách nhiệm của bố mẹ. Chúng tôi sẵn sàng giúp bố mẹ hiểu gốc rễ của vấn đề, hướng dẫn bố mẹ đọc sách cùng con', chị Hoàng Hạnh - đại diện Ban Tổ chức chương trình đọc sách Sột soạt chia sẻ.

Chương trình đọc sách Sột soạt được tổ chức vào sáng chủ nhật và thứ 3 hằng tháng. Ảnh: Bookidoo

Bố mẹ đồng hành cùng con, từng ngày nhân lên tình yêu với sách

Tại tòa nhà Vosa trên phố Điện Biên Phủ (quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng), vào sáng chủ nhật và thứ 3 hằng tháng, nhóm Bookidoo tổ chức chương trình đọc sách có tên gọi "Sột soạt", mang đến cho các bạn nhỏ và bố mẹ những trải nghiệm ý nghĩa, vui vẻ qua việc đọc sách và hoạt động với sách.

Chị Đinh Vũ Hoàng Hạnh – đại diện nhóm Bookidoo chia sẻ: Tên gọi chương trình lấy ý tưởng từ âm thanh phát ra khi lật giở từng trang sách, tạo ấn tượng và lan tỏa sự ham thích đọc sách, thói quen đọc sách tới cộng đồng, nhất là trẻ nhỏ.

Chị Hoàng Hạnh cho biết thêm: "Trong quá trình thực hiện các chương trình đọc sách, chúng tôi phát hiện nhiều em nhỏ 3-4 tuổi chưa từng được bố mẹ, người lớn đọc sách giấy cho nghe. Đây là điều thiệt thòi với các bạn đó trong quá trình hình thành và phát triển tư duy, nhân cách.

Chương trình đọc sách Sột soạt ra đời với 2 mục tiêu lớn. Thứ nhất, đưa sách đến với trẻ, thông qua hoạt động đọc cùng bé. Thứ hai, nhắc nhở bố mẹ về vai trò "người chỉ dẫn", đồng hành quan trọng của con để từng ngày nhân lên tình yêu sách giấy trong con trẻ và hình thành văn hóa đọc trong gia đình".

Anh Đinh Quang Hà (Quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng) cùng hai con (6 tuổi và 11 tuổi) tham dự chương trình đọc sách Sột soạt vào tháng 11/2023. Anh chia sẻ: "Những hoạt động tương tác, tìm hiểu sách cùng diễn giả giúp trẻ thêm hào hứng đọc sách. Cả gia đình tôi đã có khoảng thời gian thú vị cùng đọc sách và học thêm nhiều kiến thức quý".

"Sột soạt" không chỉ là nơi đọc sách

Mỗi buổi đọc sách Sột soạt có 2 phần chính. Phần 1, thành viên của Ban Tổ chức đọc sách cho các bé cùng bố mẹ nghe về một chủ đề, gắn với thông điệp nhất định. Phần 2 sẽ linh hoạt các hoạt động phù hợp với chủ đề ngày hôm đó, có thể chủ yếu hướng đến phụ huynh hoặc hướng đến các bé.

Điều đặc biệt tại Sột soạt là bắt buộc phụ huynh phải tham gia cùng con, hỗ trợ con thực hiện các hoạt động. Ảnh: Bookidoo

Chị Hạnh kể: "Tháng 11 vừa qua, chúng tôi đọc cuốn "Một ngôi trường to nhất" cho các bạn nhỏ nghe, gửi đến thông điệp rằng: ngôi trường của các con không chỉ bó hẹp ở ngôi trường thực tế mà các con thấy, đó còn là cả thế giới này, và sự học của các con sẽ không bao giờ dừng lại.

Sau đó chúng tôi chia các bé theo nhóm để vẽ về ngôi trường mơ ước của mình. Vẽ xong, sẽ để các bé thuyết trình về ngôi trường đó. Hôm khác, chúng tôi lại chia sẻ về kỹ năng viết thư mà các con có thể thực hành ngay.

Như vậy, trong một buổi, Bookidoo sẽ kích thích nhu cầu khám phá, tìm hiểu của các con, bồi đắp tình yêu thương, rèn luyện kỹ năng mềm cho các con".

Không chỉ là điểm hẹn vui chơi tích cực, lành mạnh cho các bạn nhỏ, Sột soạt còn là nơi các phụ huynh chia sẻ hành trình làm bố mẹ của bản thân và học hỏi lẫn nhau kinh nghiệm dạy con.

"Mới đây, ở phần 2 của chương trình, chúng tôi đã mời tác giả của cuốn sách được đọc hôm đó đến chia sẻ với các phụ huynh về cách phát triển ngôn từ cho con trong từng giai đoạn, cách đồng hành, làm bạn cùng con trong gia đình, vai trò của bố trong gia đình…

Sau đó các phụ huynh khác chia sẻ câu chuyện của mình. Mọi người học hỏi kinh nghiệm của nhau. Đây cũng là điều mà nhóm muốn hướng đến", đại diện nhóm Bookidoo nhấn mạnh.

"Ngay cả khi có 1 gia đình đến với Sột soạt, chúng tôi vẫn sẽ tổ chức"

Cái khó khi thực hiện chương trình đọc sách Sột soạt nói riêng và chương trình phát triển văn hóa đọc nói chung, theo chị Hạnh, là ở nhận thức của nhiều phụ huynh về tầm quan trọng của sự đọc và vai trò của bản thân trong hình thành thói quen đọc sách cho con.

Mỗi chương trình đọc sách Sột soạt chỉ giới hạn 20 gia đình tham gia. Ảnh: Bookidoo

"Nguyên lý giáo dục đứa trẻ có sự phối hợp giữa gia đình – nhà trường – xã hội. Trong đó, gia đình là nòng cốt, là môi trường giáo dục đầu tiên của con. Khi hiểu được như vậy, phụ huynh mới có đủ sự kiên nhẫn, tâm thế và sự bình tĩnh để đồng hành cùng con", chị Hạnh chia sẻ: "Con cái, ở một góc độ nào đó, là "bản sao" của bố mẹ. Nếu muốn dạy con tốt, có thói quen đọc sách chẳng hạn, mà chỉ "trăm sự nhờ thầy cô" thì sẽ rất khó. Bố mẹ cần làm gương và đồng hành".

Đại diện nhóm Bookidoo nhấn mạnh: "Những buổi đọc sách không thể biến một đứa trẻ từ không thích đọc sách thành ham mê đọc sách. Đó là trách nhiệm của bố mẹ.

Bố mẹ phải hiểu gốc rễ của vấn đề là sự làm gương của mình với con cái. Chúng tôi sẵn sàng giúp bố mẹ hiểu được gốc rễ đó, hướng dẫn bố mẹ đọc sách cùng con, chỉ cần bố mẹ quyết tâm và kiên trì".

Nguồn kinh phí là một khó khăn khác khi tổ chức chương trình Sột soạt. Chị Hạnh bộc bạch: "Dù chương trình không lớn nhưng được sự ủng hộ, hỗ trợ của một số nhà xuất bản như Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam. Giá như có nhà tài trợ thì Bookidoo sẽ tổ chức được nhiều hoạt động khác thiết thực và ý nghĩa hơn, gắn với việc đọc cho các bạn nhỏ và phụ huynh".

Để đảm bảo khả năng tương tác, trao đổi tốt nhất với các bé và chia sẻ với các bậc phụ huynh, mỗi chương trình đọc sách này chỉ giới hạn 20 gia đình.

"Ngay cả khi có một gia đình đến với Sột soạt, chúng tôi vẫn sẽ tổ chức để lan tỏa và chia sẻ", chị Hoàng Hạnh khẳng định.

Đắc Quang

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/doc-sach-sot-soat-noi-bo-me-cung-con-khoi-dau-xay-dung-van-hoa-doc-trong-gia-dinh-179240207095408915.htm