Đọc sách là một hành vi văn hóa cao đẹp

Ai cũng biết, trước khi có các phương tiện nghe nhìn, sách là con đường lớn nhất để con người tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức. Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Cha ông ta đã coi việc đọc sách là một hành vi văn hóa cao đẹp.

Học sinh tiểu học hình thành thói quen đọc sách ở phòng đọc Thư viện tỉnh.

Người xưa nói: “Thư trung hữu kim” - có nghĩa là “Trong sách có vàng”. Nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới đều cổ vũ cho việc đọc sách. Cựu Tổng thống Hoa Kỳ, ông Barack Obama từng nói: “Việc đọc rất quan trọng. Nếu bạn biết cách đọc, cả thế giới sẽ mở ra cho bạn”. Trong phiên tọa đàm của hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” diễn ra ngày 27/2, TS Đặng Xuân Thanh- Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cháu nội của cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã có những chia sẻ về người ông của mình. Tổng Bí thư Trường Chinh với tư cách là người cha, người ông luôn khuyến khích, động viên con cháu trong nhà đọc sách. Tất cả mọi người trong gia đình đều có tủ sách riêng. “Đây là một đặc trưng của gia đình chúng tôi. Khi tôi chỉ mới 6 tuổi mới biết đọc, biết viết thì đã được ông nội đóng cho một tủ sách cao khoảng một mét bằng gỗ sần sùi. Ông đã trích tiền lương mua cho tôi những cuốn sách mà tôi nhớ rất rõ như: “Không gia đình”, “Túp lều bác Tôm”, “Những tấm lòng cao cả”… Thời điểm đó, nếu tôi muốn đọc nhiều hơn thì lại tìm tới tủ sách của bố, của ông, của chú”. -TS Đặng Xuân Thanh nhớ lại. TS Thanh nói thêm, tủ sách gia đình là một nét truyền thống riêng, có từ thời ông nội của Tổng Bí thư Trường Chinh- TS Đặng Xuân Bảng. Sau khi từ quan, ông Bảng đã thành lập thư viện tư nhân đầu tiên ở miền Bắc, người ta đồn rằng, sách nhiều tới mức trải rộng sáu gian nhà tranh. TS Đặng Xuân Thanh nhấn mạnh, với một truyền thống như vậy thì gia đình luôn lấy làm tự hào và cố gắng truyền lại cho các thế hệ sau.

Đông đảo người dân Đất Tổ đến xem và mua sách tại Hội sách 2023 do phường Gia Cẩm (thành phố Việt Trì), Thư viện tỉnh phối hợp với Công ty TNHH Văn hóa và Truyền thông AZ Việt Nam tổ chức.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc đã có một lần nêu câu hỏi: “Thế kỷ XXI liệu có cần đến thơ nữa không? Đến văn hóa đọc nữa không?” Và ông tự trả lời rằng: “Có, dù cho ca nhạc trữ tình có làm được ít phần việc của thơ ca thì thơ ca vẫn sẽ mãi mãi được người đời ưa chuộng”. Còn đối với văn hóa đọc thì ông khẳng định: “Hình ảnh thì thoảng qua, từ ngữ mới đọng lại lâu bền”.

Trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách đóng vai trò rất quan trọng. Sách được coi là chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người; là người thầy thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô biên, dạy chúng ta biết sống và biết hy sinh. Có thể nói, sách chính là người bạn tâm giao chia sẻ mọi nỗi vui, buồn sâu kín của mỗi con người. Đọc sách từ lâu đã trở thành một nhu cầu cần thiết của xã hội loài người trên thế giới. Có thể thấy ở thời đại nào, con người cũng lấy việc học, và đọc sách là một trong những phương cách để hoàn thiện nhân cách con người, để tiến bộ trong cuộc sống cá nhân và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Từ đọc sách, sưu tầm sách, xây dựng tủ sách, thư viện là một phần của việc hình thành văn hóa đọc. Văn hóa đọc là một trong những nguồn năng lượng quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Thế nhưng hiện nay, việc đọc sách đang có nguy cơ bị sao nhãng, nhất là trong giới trẻ. Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc sách. Trung bình một người Việt Nam chỉ đọc 4 cuốn sách/năm và điều đáng tiếc nhất đó chính là trong số 4 cuốn sách được đọc thì có đến 2,8 cuốn là sách giáo khoa, 1,2 cuốn còn lại là thể loại sách khác. So sánh với đất nước Singapore, trung bình người dân nước này đọc 14 cuốn sách mỗi năm, người Nhật là 20 cuốn. Như vậy, rõ ràng việc đọc sách của người Việt Nam thấp hơn những nước khác rất nhiều.

Một nguyên nhân khiến nhiều người, nhất là giới trẻ lười đọc sách chính là công nghệ thông tin bùng nổ mạnh mẽ các kênh để giải trí, mạng internet được phủ rộng đã thu hút sự tham gia của đông đảo người dân. Một bộ phận học sinh, sinh viên, thanh niên quen dần với thói quen tìm kiếm những thông tin ở trên mạng, mà quên đi cách tìm kiếm kiến thức ở các cuốn sách. Ngoài ra đối với người dân, đặc biệt là trẻ em tại các vùng nông thôn, miền núi cũng không có nhiều điều kiện để tiếp cận với những cuốn sách hay… Một nguyên nhân nữa được nhiều người đánh giá chính là sức hấp dẫn của nội dung sách. Sách do tác giả Việt kém hấp dẫn đọc giả. Thực tế đã có nhiều tác phẩm không có giá trị, không có chân lý “nối đuôi” nhau ra đời. Điều này dẫn tới thực trạng lạm phát sách, sách nhiều mà không thu hút người đọc.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong toàn dân; xem việc phát triển văn hóa đọc chính là động lực, là công cụ quan trọng để thực hiện mục tiêu phấn đấu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc. Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Để đưa văn hóa đọc phát triển lên một tầm cao mới, ngày 4/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Theo đó, quyết định tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam vào ngày 21/4 hàng năm trên toàn quốc, tiếp tục khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập. Đồng thời tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam. Qua đó làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân, từ đó nâng cao kiến thức và làm chủ cuộc sống của chính mình, góp phần xây dựng và phát triển xã hội.

Phạm Kim

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//van-hoa/doc-sach-la-mot-hanh-vi-van-hoa-cao-dep/191218.htm