Đọc sách: 'Công tử' xưa - hình bóng của 'thiếu gia' nay

Câu chuyện về 'công tử Bạc Liêu' đã thành truyền thuyết dân gian; phổ biến nhất là những giai thoại như công tử đã tiêu xài hoang phí theo kiểu không thèm nghĩ: từng đốt những tờ giấy bạc để tìm guốc cho người tình dưới gầm giường…

Thời Pháp “khai hóa văn minh” ở xứ Nam kỳ, họ khuyến khích dân nhà giàu đưa con em sang Pháp học. Những sinh viên này về sau chia làm hai loại: một loại trở thành trí thức danh tiếng như kỹ sư Lưu Văn Lang, trong lễ tốt nghiệp trở về vinh quy bái tổ ở Sa Đéc đã được toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đến dự. Một loại khác trở thành những công tử ăn chơi trác táng và hưởng thụ tài sản thừa kế như “công tử Bạc Liêu”.

Đầu thế kỷ XX, ông Hội đồng Trạch là người giàu bậc nhất ở đồng bằng sông Cửu Long với 100.000 hécta ruộng lúa và 50.000 hécta ruộng muối. Ông gửi con trai thứ hai là Trần Trinh Huy (cậu Ba Quy) sang Pháp, hy vọng con học đòi được chút văn minh phương Tây.

Trần Trinh Huy sang Pháp học ba năm, không lấy được bằng cấp gì, chủ yếu ăn chơi. Rồi mang về xứ miệt vườn những hiểu biết đơn giản về văn minh phương Tây. Anh ta thường xuyên chơi ngông, như mua máy bay chở cha đi thăm mấy trăm nghìn mẫu ruộng thẳng cánh cò bay. Công tử cũng sớm mua xe hơi đắt tiền vi vu hai chiều, liên tục giữa Sài Gòn và Bạc Liêu qua hai chặng phà. Là người ham sắc dục, công tử đứng ra tổ chức một cuộc thi sắc đẹp đầu tiên ở xứ ruộng vườn rồi cưới luôn hoa khôi và á hậu. Để khuếch trương sản phẩm miền quê mình, anh ta tổ chức hội chợ đấu xảo nông nghiệp khá rùm beng. Công tử cũng từng khuyên cha mình làm phúc cho người nghèo, đốt văn tự nợ của tá điền vào những dịp lễ lạt… Thời kỳ bắt đầu kháng chiến, có lúc công tử thuê hai trung đội Pháp vào bảo vệ đồng ruộng cho mình, nhưng sau đã hối cải, tình nguyện giảm tô cho đồng bào 50%, trong khi chính quyền cách mạng chỉ đòi hỏi 25%... Cuối đời, ông sống ở Sài Gòn, giữ đúng cam kết không hợp tác với Pháp, sau đó là chính quyền thân Mỹ.

Công tử Bạc Liêu là hình ảnh sớm của những “thiếu gia” con nhà giàu thời nay, trong nước học hành không được thì “du học tự túc” ra nước ngoài. Rốt cuộc phần lớn những vị này chỉ ăn chơi tàn phá, mang những kiến thức văn minh ít ỏi và phiến diện về khoác lác ở trong nước.

Số liệu thống kê được là cả đời công tử Bạc Liêu đã tiêu xài hết khoảng năm tấn vàng. Đã nghe loáng thoáng từ lâu đôi ba “giai thoại” về anh chàng nhà giàu miền Tây Nam bộ, nhưng phải đến tháng 4.2023 tôi mới có dịp đến thăm nhà lưu niệm công tử Bạc Liêu. Một căn nhà kiến trúc kiểu Pháp đầu thế kỷ XX, trong một khuôn viên đẹp, có nhà hàng và quầy lưu niệm. Ở đây, được nghe thêm phần hậu về gia đình công tử; con cháu ông về sau có người sang Pháp sinh sống và có người làm ăn nhiều nơi trong nước. Ông có bốn người vợ chính thức và một cô vợ không chính thức người Pháp. Đặc biệt có một người con trai làm ăn ở Sài Gòn không thành công, có thời phải chạy xe ôm. Biết chuyện, tỉnh đưa ông về làm bảo vệ cho nhà lưu niệm này như một nhân chứng sống và cấp cho một căn nhà trong thành phố.

Ở quầy lưu niệm, tôi mua quyển truyện của Nguyên Hùng, rồi đọc về công tử Bạc Liêu ngay giữa chuyến đi miền Tây Nam bộ, những sự kiện xưa cũ càng trở nên sống động.

Tác phẩm có giọng văn hoạt, đậm ngôn ngữ Nam bộ, tiết tấu nhanh, hấp dẫn. Người viết sưu tầm tư liệu rất công phu, từ thực địa Nam bộ, kết hợp với kiến thức lịch sử về chế độ cai trị của thực dân và hoạt động chống Pháp do Việt Minh lãnh đạo đầu thế kỷ XX. Trong khi tái hiện hiện thực một cách sống động, tác giả đồng thời lý giải một số đồn đại về nhân vật, chẳng hạn trong rạp hát đốt tiền để tìm đồng bạc đánh rơi cho người đẹp hoặc đốt tiền để nấu nồi chè đậu xanh…

Hồ Anh Thái

------

* Công tử Bạc Liêu, truyện tư liệu của Nguyên Hùng, NXB Công an nhân dân tái bản 2022.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/doc-sach-cong-tu-xua-hinh-bong-cua-thieu-gia-nay-i341105/