Độc lạ chè tím Thái Ninh

PTĐT - Xã Thái Ninh, huyện Thanh Ba không chỉ được biết đến là một trong bốn địa phương đầu tiên của tỉnh thành lập được chi bộ Đảng góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 lịch sử; nơi đây còn nổi tiếng với giống chè tím trung du đậm đà, thơm ngát.

Qua giới thiệu của người dân, chúng tôi tìm địa danh “phát tích” giống chè lạ nằm trên mảnh đất đồi của gia đình ông Bùi Văn Phi tại gò núi Trưởng, khu 4, xã Thái Ninh. Qua lời kể của ông lão hơn 70 tuổi, chúng tôi được biết, không ai xác định được chính xác cây chè tím có mặt trên đồng đất Thái Ninh từ bao giờ, chỉ biết rằng thế hệ của ông Phi lớn lên đã thấy trong vườn nhà có những gốc cổ thụ, thân xù xì to bằng bắp đùi người lớn.
Nằm nép mình dưới tán keo, giống như tên gọi, chúng tôi dễ dàng nhận diện được giống chè độc đáo này bởi búp, lá non, cuống có màu tím vô cùng nổi bật, bắt mắt. Theo những người dân địa phương, chè khi nứt nanh cua hay chính là bật búp sẽ có màu tím ngắt đến lúc thu hái. Có sức sống dẻo dai, mãnh liệt nhưng giống chè tím cũng khá “khó tính” trong quá trình chăm sóc cũng như thu hái, chế biến. Để sản phẩm cuối cùng thực sự đảm bảo tròn vị bắt buộc phải làm hoàn toàn thủ công, hái tay, sao trên bếp lửa vô cùng cầu kỳ, đặc biệt chè tím không nên ướp hương bởi bất kỳ một loại hoa hay hương liệu nào khác, vì như vậy sẽ làm mất mùi vị độc đáo. Cũng chính vì thế nên trà tím có mùi vị đặc trưng riêng. Chè búp tím nước vàng sóng sánh, vị đượm, được nước. Ngon nhất là nước thứ hai, sau 5 - 7 lần châm nước vẫn giữ được vị chè. Chè búp tím mới uống có vị chát, sau thì ngọt và lưu lại vị ngọt đặc trưng sau khi uống từ 20 - 30 phút. Đưa chén chè lên môi, cảm nhận đầu tiên là một mùi thơm ấm nồng, man mát, thanh tao rất khác biệt, vị ngọt dần của chè từ từ tan trong miệng rất thú vị.

Ông Bùi Văn Phi giới thiệu về giống cây chè tím.

Không chỉ độc đáo bởi hình dáng, màu sắc, mùi vị mà chè tím còn được người dân đánh giá cao bởi tính năng chữa bệnh của nó. Theo kinh nghiệm dân gian, búp chè tím là “thần dược” chữa các bệnh tiêu hóa, đường ruột, sử dụng giải nhiệt, chống lão hóa rất tốt. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng cây chè tím có chất ngăn ngừa, đào thải, kìm hãm chất gây ung thư, giảm kích thước khối u, chống phóng xạ. Đặc biệt trong búp và lá chè tím có chất chống oxy hóa cao hơn các giống chè khác nên trên thế giới, người ta đã tách chiết các chất chống oxy hóa trong trà búp tím làm chất bảo quản thực phẩm và thuốc bồi bổ sức khỏe.Bởi vị chát béo đặc trưng nên chè tím khá kén người uống; vì vậy hiện tại thị trường tiêu thụ của giống này khá đơn điệu, chủ yếu làm ra tự sử dụng, biếu anh em bè bạn, hoặc làm theo đơn đặt hàng với giá dao động từ 300 - 500 nghìn đồng/kg. Hiện diện tích chè tím ở Thái Ninh khoảng 4ha theo dự án đầu tư từ những năm 2000. Được biết, UBND huyện Thanh Ba đang xây dựng, triển khai kế hoạch gìn giữ, nhân rộng giống chè độc lạ này lên 20ha đến năm 2025 trên địa bàn một số xã như: Thái Ninh, Hanh Cù, Thanh Vân, Đông Lĩnh.Có dịp về với vùng đất giàu truyền thống anh hùng Thái Ninh, nhâm nhi chén trà nóng có mùi thơm ngát của đồng đất trung du, từ từ cảm nhận vị chan chát lan tỏa trong khoang miệng hứa hẹn sẽ mang đến cảm nhận vô cùng mới lạ, khoan khoái cho du khách.

Lệ Oanh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dat-nguoi-phu-tho/201910/doc-la-che-tim-thai-ninh-167182