Đọc Hà Thành liệt sĩ truyện của Phan Bội Châu

Chí sĩ Phan Bội Châu là một nhà yêu nước vĩ đại. Cụ từng đặt chân lên tận căn cứ kháng chiến Yên Thế để tìm hiểu và gặp 'hùm thiêng' Hoàng Hoa Thám để trao đổi việc đánh Pháp. Hà Thành liệt sĩ truyện được cụ viết bằng chữ Hán ngay sau vụ 'Hà Thành đầu độc' nổ ra vào năm 1908, gây rúng động cả nước. Tuy nhiên, cụ chưa kịp in ra sách để phát hành rộng rãi trong công chúng cả nước nhằm tuyên truyền, cổ động phong trào chống thực dân Pháp thì tập bản thảo ấy đã lọt vào Trung tâm lưu trữ hải ngoại của Pháp ở Hồng Kông và chuyển thành tiếng Pháp. Ngày 10/01/1913, Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut đã gửi công văn kèm bản thảo Hà Thành liệt sĩ truyện (bản tiếng Pháp) cho Khâm sứ Trung Kỳ, nói rằng: 'Tập sách mỏng này được Tòa lãnh sự Pháp ở Hồng Kông gửi đến cho những người 'quấy rối' Việt Nam đang dự định in ra nhiều bản để gửi về nước'.

Phiếu theo dõi cụ Phan Bội Châu trong hồ sơ mật thám Pháp (Ảnh tư liệu)

Hà Thành liệt sĩ truyện đã được Đào Hùng chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp và đăng trên Tạp chí Xưa & Nay số ra tháng 7/2000. Đầu chuyện, cụ Phan nói lên sự đau lòng, thương tiếc những liệt sĩ đã ngã xuống vì nghĩa nước; “tên tuổi của họ đáng được khắc ghi bằng chữ vàng lên bia ngọc để cho thế hệ chúng ta và đời đời về sau cùng chiêm ngưỡng”.

Vụ “Hà Thành đầu độc”nổ ra vào ngày 29/5 năm Mậu Thân (tháng 6/1908), do những người dân Nam bị thực dân Pháp đưa vào guồng máy cai trị của chúng với quân số trên 100.000 lính tập (tirailleurs) đi chém giết dân và những người Nam vì miếng cơm manh áo phải vào làm tôi tớ cho Tây, “phó thác cho số phận vô định”,... Dù vậy, dòng máu Lạc Hồng vẫn nung nấu ý chí đấu tranh giành lại cuộc sống tốt đẹp cho mình và cho đồng bào, chỉ chờ thời cơ là hành động. Và, cơ hội đã đến khi thực dân Pháp tăng thuế khiến dân chúng 12 tỉnh Bắc Kỳ bất bình, nổi lên chống lại chế độ thực dân.

Từ núi thẳm rừng sâu Yên Thế, thủ lĩnh Đề Thám đã tung người đi vận động quần chúng nổi dậy, nhưng cũng bị bọn chó săn Pháp đánh hơi rà theo. Biết ý đồ của ta, chúng liền áp dụng biện pháp cho lính tập ở thành Hà Nội ban ngày được phép mang súng nhưng không có đạn, ban đêm phải cất hết súng vào kho.

Đội trưởng nghĩa binh Hoàng Hoa Thám là Nguyễn Chí Bình len lỏi vào vận động lính tập và cả đầu bếp, bồi, cu li,... đang phục dịch cho Pháp hưởng ứng cuộc nổi dậy lớn với sự tham gia tích cực của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám từ căn cứ Yên Thế kéo về. Tất cả đều đồng lòng chờ “giờ G” điểm. Nguyễn Chí Bình mở cuộc diễn thuyết: “Tất cả người Nam làm ở bếp ăn cho quân Pháp lén bỏ thuốc độc vào thức ăn để đầu độc quan binh Pháp”.

Đội trưởng Bình tự tay rót rượu mời từng người rồi cùng “uống máu ăn thề”, đồng lòng hành động với tinh thần yêu nước dâng cao hơn bao giờ hết. Mọi người cử Nguyễn Chí Bình làm chỉ huy trưởng và Nguyễn Văn Ngô phụ tá chỉ huy cánh quân tấn công vào Bộ chỉ huy Pháp; cử Đặng Đình Thanh chỉ huy tấn công Toàn quyền Đông Dương; cử Nguyễn Văn Cốc chỉ huy tấn công dinh Thống sứ Bắc Kỳ.

Tương kế tựu kế xong, lấy ngày 29/5 làm ngày hành động theo kế hoạch. Số làm “hỏa đầu quân” thì đưa thuốc độc vào thức ăn. Số lính tập thì tấn công vào kho vũ khí, đoạt lấy súng, đạn đưa ra phân phối cho các nghĩa sĩ để cùng chiến đấu một mất một còn với kẻ thù.

Ngày 29/5, vào lúc 9 giờ, bữa ăn cho binh lính Pháp được dọn ra như thường ngày. Nhưng trước đó, có mấy tên người Nam làm nội gián đã báo cho Bộ tham mưu Pháp, nên địch kịp đưa số quân đông đảo ra ứng phó, bắt giữ số nghĩa sĩ tay không chưa kịp xông vào kho vũ khí đoạt lấy súng, đạn để đánh chiếm thành Hà Nội như đã trù tính.

Một cuộc tra tấn rất dã man của người Pháp khi hỏi cung 5 người chỉ huy nghĩa sĩ bị bắt. Lần lượt cả 5 đều hiên ngang biến cuộc hỏi cung, cũng là pháp trường, thành cuộc đấu tranh lên án thực dân Pháp đi cướp nước Nam, đặt ách thống trị vô cùng hà khắc lên đầu lên cổ dân Nam... Và, họ thách thức những tên thực dân sừng sỏ muốn chặt đầu họ thì cứ chặt, chớ đừng hỏi mất thời giờ. Họ còn hô khẩu hiệu thét vang tinh thần yêu nước, bất khuất trước giặc Pháp hung bạo ngay cả lúc lưỡi dao máy chém đang kề cổ.

Vụ “Hà Thành đầu độc” có 21 anh hùng liệt sĩ bị chém ngay sau cuộc hỏi cung, trong đó, có một phụ nữ Hà Nội mở quán cơm để quy tụ anh em hội kín chống Pháp. 60 người còn lại bị kết án khổ sai hay án tù. Người cuối cùng bị hỏi cung là Nguyễn Văn Ngô mà mỗi câu trả lời của Ngô đều buộc tội, tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với người nước Nam. “Nếu tôi không giết người Pháp thì người Pháp sẽ tiêu diệt giống nòi Nam; tôi thà chịu bị chặt đầu ngay còn hơn là nhìn thấy giống nòi Nam bị người Pháp tiêu diệt”.

Sau câu nói cuối cùng đó là lưỡi máy chém sắp rơi xuống, Ngô hô to: “Đồng bào vạn tuế!”. Con người thống khổ đó đã mất đầu trong hoàn cảnh như vậy! - cụ Phan tường thuật.

Cụ kết truyện: “Sau sự kiện bi thảm đó, người ta phê phán sự bất cẩn của các nghĩa sĩ đã để tuột mất một cơ hội tốt để hoàn thành sự nghiệp yêu nước. Chúng tôi muốn thừa nhận rằng những người đó đã chết cho đất nước và đối với chúng ta, họ là những người anh hùng thật sự. Chúng ta không được nản lòng để theo đuổi con đường do những đồng bào đi trước đã vạch ra và đã hy sinh trong vinh quang. Nếu chúng ta tập hợp được 100.000 người, chúng ta có thể tiêu diệt toàn thể bọn Tây, chúng ta phải tiến hành ngay từ bây giờ, để đến ngày giải phóng, mỗi người đều đáp lời kêu gọi nổi dậy:

Hỡi đồng bào, hãy dũng cảm và kiên trì! Chúng ta chiến đấu vì hạnh phúc của đồng bào nước Nam ta".

Vỹ Thanh - Cùng số Tạp chí Xưa & Nay này có đăng 2 bài thơ của chí sĩ Nguyễn Thượng Hiền (1868- 1925) là người đồng chí thân thiết của chí sĩ Phan Bội Châu. 2 bài thơ được tìm thấy trong hồ sơ mật thám Pháp tại Trung tâm lưu trữ hải ngoại ở Aix-en-Provence (Pháp). Toàn văn bằng chữ Nôm và chữ Quốc ngữ nhan đề Vịnh cái việc anh Phạm liệt sĩ tên là Hồng Thái (vụ Tiếng bom Sa Điện của liệt sĩ Phạm Hồng Thái ném tạc đạn mưu sát Toàn quyền Đông Dương Merlin tại khách sạn Victoria, Sa Điện, Quảng Đông, Trung Quốc). “Anh ấy ném tạc đạn rồi bị quân cảnh đuổi theo, anh nhảy xuống sông chết. Các nước nghe tiếng ai cũng khen rằng giỏi” (Chú thích của Nguyễn Thượng Hiền). Đây là toàn văn 2 bài thơ.

Bài thứ nhất: “Muôn dặm đi ra mới nghỉ chân/ Đã lo xung đột đám phong trần/ Vô hang muốn chụp con hùm nạ/ Đón lối nào e lũ chó săn/ Cũng cho chúng nó phen này biết/ Ngói vỡ bèo tan chắc có lần”.

Bài thứ nhì: Lên mặt Toàn quyền dạo khắp nơi/ Mà cơ báo phục nấp bên người/ Lửa phun đến mặt đâu còn vía/ Sét đánh qua đầu bỗng phái vai/ Sắt đá thi gan đà có kẻ/ Non sông nối bước há không ai/ Mai sau đuổi giặc về Tây hết/ Chín suối anh linh cũng ngậm cười.

Đình Nam Nguyễn Thượng Hiền

Lời chú của Phan Bội Châu: Hai bài thơ này rất là mạnh mẽ, rất là chểnh chện. Đồng bào ta xem rồi, nghĩ đến người chết đi, nghĩ đến việc nước mình, thời phải thế nào chớ?/.

Quang Hảo (giới thiệu)

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/doc-ha-thanh-liet-si-truyen-cua-phan-boi-chau-a160687.html