Độc đáo trồng cam để cỏ, thành viên HTX 'bỏ túi' hàng tỷ đồng mỗi năm

Với niềm đam mê nông nghiệp, người giám đốc hợp tác xã đã đưa quy trình trồng cam 'kèm' cỏ, đem lại lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm cho thành viên HTX, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương.

Hỏi thăm nhà anh Huân - Giám đốc HTX nông nghiệp và thương mại Mường Động, ở huyện Kim Bôi, Hòa Bình, phóng viên VnBusiness được chỉ đến nhà anh “Huân sắt”. Biệt danh này do người dân ở xã Tú Sơn đặt, bởi anh vốn là một doanh nhân thành đạt với nghề sắt tại Kim Bôi.

Người thanh niên Hà Nội Nguyễn Trung Huân năm xưa từng rời lũy tre làng khi mới 18 tuổi, mưu sinh với đủ thứ nghề, nếm trải biết bao sóng gió. Đức tính kiên cường đã đưa anh vươn lên, mở doanh nghiệp xây dựng. Khi thành đạt, ở tuổi trung niên, anh quay về với niềm đam mê nông nghiệp, cống hiến không ít sáng kiến trong quy trình chăm sóc cây.

Sắp chết tìm ra con đường sống

Chia sẻ về những điều ấp ủ đã lâu, anh Huân cho biết dù tuổi trẻ bôn ba với đủ thứ nghề nhưng sâu thẳm trong anh, quê hương với những cánh đồng, vườn cây xanh mướt vẫn là thứ tình cảm thân thương, gắn bó từ thuở thiếu thời. Anh yêu tất cả những gì liên quan đến nông nghiệp.

Nhân duyên đã cho anh có cơ hội lập nghiệp và thành đạt trên đất Kim Bôi thấm thoắt đã hơn 20 năm. Thời điểm năm 2012, khi công ty của anh đang phát triển mạnh, lúc đó trên địa bàn huyện Cao Phong và huyện Kim Bôi, người dân rầm rộ trồng cam.

Cơ hội tới, anh Huân quyết định chuyển đổi, dồn hết vốn liếng sang trồng cam, bưởi. Anh bước vào nghề đầy bỡ ngỡ, yêu cầu hiểu về cây ăn quả với một giám đốc xây dựng quả là một thách thức lớn.

May thay, anh có những người bạn giỏi chuyên môn, sau này là nhân lực trong Ban quản trị HTX, đã hỗ trợ anh rất nhiều trong giai đoạn đầu khởi nghiệp.

Năm 2012, anh Huân dồn tiền mua 8 ha đất đang trồng keo của bà con và quyết định bỏ cây keo chuyển sang trồng cam, bưởi. Một vài năm sau, anh gom tiền mua thêm đất, đến nay anh đã sở hữu 11.5 ha đất, trong đó gần 5 ha trồng cam giống lòng vàng, V2, đường canh, CT36, 1.5ha trồng bưởi đỏ Tân Lạc, 5ha trồng bưởi da xanh.

Anh ví von, nghề trồng cam, bưởi quá mạo hiểm, “chỉ dành cho người có tiềm lực” bởi chi phí đầu tư ban đầu tương đối lớn. Bình quân mỗi ha, năm đầu tiên phải xuống tiền 200-300 triệu đồng. Các năm sau bình quân mỗi năm bỏ ra 150 triệu, khi cây bói quả, phải tăng cường thêm vài chục triệu tiền phân bón. Chưa kể vườn rộng, một mình không kham nổi việc còn phải thuê nhân công, mức trả trung bình khoảng 250 ngàn đồng/người/ngày.

Bình quân hàng năm, mỗi thành viên có thu nhập khoảng 200-250 triệu đồng.

Năm 2016, anh Huân và một số anh em đứng ra tổ chức thành lập HTX Mường Động, kêu gọi được 26 thành viên, đến nay vẫn gắn bó với HTX. Trong 7 năm qua, có những thời điểm, HTX từng lao đao trước sự “đỏng đảnh” của thị trường. Chăm bón vườn cam, bưởi đến năm 2018, vụ mùa bội thu, những tưởng HTX thắng lớn, nào ngờ giá cam bỗng dưng rớt thê thảm như một đòn giáng mạnh vào HTX còn non trẻ.

“Nếu như năm 2014, bình quân giá cam thu mua tại vườn khoảng 17.000-18.000 đồng/kg thì năm 2018 xuống hơn nửa, chỉ còn 8.000 đồng/kg. Đã rẻ thì chớ, muốn bán cũng chẳng ai mua”, anh Huân kể.

Giá cam tụt đáy không phanh, không ít nhà vườn tại Kim Bôi “khóc ròng”. Nhiều nhà trắng tay, thua lỗ hàng tỷ đồng, không trụ vững, phải chặt bỏ bớt cam, diện tích theo đó sụt giảm mạnh.

Thời điểm đó, HTX có 85ha trồng cam, bưởi. Các thành viên gặp cảnh chao đảo trước cam, nhưng may có bưởi gánh đỡ. Lúc đó, 1 quả bưởi Tân Lạc có giá 10.000 đồng. Mỗi gốc bưởi sai cho tới 400-500 quả, mỗi gốc bưởi cho thu nhập khoảng hơn 5 triệu. Cả HTX thời điểm đó có khoảng hơn 1.500 gốc bưởi, cho nguồn thu khoảng hơn 7.5 tỷ đồng, phần nào tháo gỡ bớt gánh nặng kinh tế do cam rớt giá”, anh Huân cho hay.

“Thiệt hại năm đó khiến tôi lao đao, mất mát lên đến vài tỷ đồng. Tuy nhiên, tôi vẫn có niềm tin sâu sắc về thứ quả có múi trồng trên đất Kim Bôi. Loại quả này phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng, cộng với bàn tay chăm sóc khéo léo của người Kim Bôi đã tạo ra thức quả thơm ngon được người tiêu dùng đón nhận”, anh Huân giãi bày.

Trước vô vàn khó khăn, anh cùng Ban quản trị HTX đã động viên các thành viên bình tĩnh, sáng suốt, bởi anh quan niệm “trong lúc chết sẽ tìm ra con đường sống”.

“Phương châm của HTX là không vì giá rẻ, cứu kinh tế mà thúc cây ra quả nhiều, lấy thu bù chi. Phương án lâu dài là vẫn kiên trì chăm bón, giữ cây cho khỏe tiếp tục cho sản lượng tốt những mùa vụ sau. Họ đã nghe chúng tôi, không ai bỏ cuộc”, anh Huân nói.

Quả thật, trời không phụ lòng người, sau cơn mưa trời lại sáng khi nhiều người đốn hạ cam, nguồn cung giảm, giá thị trường lại dần nhích lên, trả quả cam về đúng với giá trị vốn có ban đầu.

Theo ông Đào Quang Trung, Phó Giám đốc HTX, năm 2021, giá cam, tăng trở lại, cam lòng vàng bán tại vườn là 16.000 đồng/kg, cam đường canh 35.000 đồng/kg, cam V2 3500 đồng/kg và giữ giá tương đối ổn định.

HTX đã đứng ra bao tiêu tới 70% sản phẩm cho các thành viên, ký kết với 3 doanh nghiệp, đưa cam, bưởi vào siêu thị. Năm 2021, sản lượng cam đạt 600 tấn cho doanh thu khoảng trên 12 tỷ đồng, bưởi cũng đạt doanh thu khoảng hơn 6 tỷ đồng.

Thời gian dịch Covid-19 hoành hành, mặt hàng cam, bưởi trở nên có giá, giá bán tăng mạnh, cam bán tại vườn được thu mua tới 45.000 đồng/kg. Hai năm Covid, doanh số của HTX đạt ngót nghét 23 tỷ mỗi năm.

Anh Huân quan niệm, thị trường biến động giá lên xuống thất thường là điều tự nhiên. Quan trọng nhất là người sản xuất phải có tâm, HTX muốn tồn tại phải khẳng định thương hiệu, đưa đến tay người tiêu dùng những sản phẩm đạt chất lượng thì khách hàng không bao giờ quay lưng lại với nhà vườn.

Những sáng kiến tạo đột phá

Để có sản phẩm chất lượng, Giám đốc Nguyễn Trung Huân cũng như Ban quản trị không ngừng trăn trở tìm ra phương thức sản xuất hiệu quả. Một lợi thế lớn của HTX Mường Động là có đội ngũ trí thức hùng mạnh với những nhân tố trong Ban quản trị gồm 1 tiến sỹ, 2 thạc sỹ chuyên ngành nông nghiệp. Tri thức khoa học, cộng với trải nghiệm thực tiễn đã tạo ra phương thức sản xuất mới lạ đang được phần đông các thành viên của HTX ứng dụng.

Quy trình trồng cam “kèm” cỏ đem lại lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm cho thành viên HTX nông nghiệp và thương mại Mường Động.

Từ tình yêu sâu sắc, những trăn trở với nghề, anh Huân đã sáng tạo nhiều phương pháp hữu hiệu trong quy trình chăm bón cho cây cam, bưởi vừa phòng sâu bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm vừa tiết kiệm được rất nhiều chi phí đầu vào.

Khi được “mục sở thị” vườn cam của Giám đốc Huân, không ít người ngạc nhiên thấy bao quanh những thân cây xanh mướt, sai trĩu quả là “hàng rào” cỏ mọc khá dày, cao tới tận đầu gối.

Theo quan điểm của nhiều nhà vườn, diệt cỏ là một trong những thao tác quan trọng trong chăm bón cây, vì cỏ sẽ ăn tranh nguồn dinh dưỡng của cây.

Tuy nhiên, anh Huân hào hứng chia sẻ, anh để cỏ không phải do lười mà cố tình với mục đích: để cỏ có tác dụng giữ độ ẩm rất tốt cho đất, điều mà cây cam rất cần. Đây cũng là môi trường tốt để thiên địch sinh trưởng, từ đó giúp diệt trừ những loại sâu bọ có hại, trong đó có nhện đỏ.

Mặt khác đất ẩm cũng là môi trường để giun (trùn) sinh sôi nảy nở. Đất càng nhiều giun càng được nhiều “thợ cày” ngày đêm đào xới trở nên tơi xốp, lý tưởng cho cây phát triển khỏe mạnh, sai quả.

Chính vì vậy, trong khi các vườn khác diệt cỏ liên tục 5-6 lần/năm thì vườn nhà anh Huân chỉ 2 - 3 lần phạt cỏ. “Nhiều khi giữa trưa náng nóng lên tới 35-38 độ C, tôi đứng giữa vườn, nghiên cứu, ngẫm nghĩ về công việc hàng tiếng mà không thấy oi bức vì trên có bóng mát tán cây, dưới chân là đám cỏ xanh mát”, anh Huân chia sẻ.

Anh Nguyễn Xuân Thắng, một thành viên Ban Quản trị cho biết: “Người đi tiên phong trong vai trò sáng tạo ra những yếu tố mới lạ áp dụng vào quá trình canh tác cây cam, bưởi của HTX chính là anh Huân. Nếu như khởi điểm bắt tay làm nông nghiệp, anh Huân bỡ ngỡ còn tham khảo chúng tôi vì chúng tôi từng hoạt động lâu năm trong nghề. Tuy nhiên, do luôn chịu khó học hỏi, sau này, chính anh Huân đã sáng kiến ra nhiều phương thức trong cách bón phân sao cho hiệu quả, hay cách diệt trừ sâu bọ. Việc ứng dụng tới 70% hàm lượng phân bón hữu cơ, được ủ hoai mục từ phân chuồng xử lý vi sinh, thuốc diệt sâu bọ sinh học… đã tạo lối đi riêng cho HTX”.

Chẳng hạn, cũng làm phân ủ hoai mục, một số nơi có bể ủ riêng nhưng tại HTX Mường Động, anh Huân đã sáng tạo để các bao phân xử lý chế phẩm sinh học quanh mỗi gốc cây, ủ tới 1 năm khi xuất hiện trùn quế (giun quế), phân mới được đem vào sử dụng. Việc sử dụng phân hữu cơ góp phần tiết kiệm nhiều về mặt nhân công trong khâu ủ và bón phân. Đặc biệt tiết kiệm hàng chục triệu tiền phân bón so với dùng phân hóa học cho 1ha diện tích trồng cây ăn quả.

Anh Huân dẫn chứng, với 11.5 ha chuyên trồng cam, bưởi, lượng phân vi sinh chi phí cho vùng trồng của anh chỉ hết vỏn vẹn có 250 triệu đồng. Trong khi đó, nếu dùng phân vô cơ có thể gấp 5 lần, lên tới 1 - 1,2 tỷ một năm.

Tự ủ phân hữu cơ để sử dụng chăm sóc cam và bưởi tiết kiệm hàng chục triệu tiền phân bón so với dùng phân hóa học cho 1ha diện tích trồng cây ăn quả.

Việc sử dụng phân hữu cơ, các chế phẩm sinh học không chỉ tiết kiệm chi phí, dưỡng cây khỏe bền vững, đặc biệt an toàn cho chính người lao động, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng khi thưởng thức trái ngọt.

Nhện đỏ là một trong những kẻ thù của cam, anh Huân đã sáng chế ra cách thức trừ nhện đỏ, vi sinh vật có hại bằng cách phun nước vôi pha với chế phẩm sinh học. Cây sạch, nguồn bệnh, nấm mốc khó phát sinh hơn.

Khi bị nước vôi phun, nhện đỏ rơi xuống cỏ, thiên địch ở cỏ sẽ diệt nhện. Trường hợp cần dùng thuốc diệt trực tiếp, có loại dung dịch được anh Huân sáng chế gồm nước vôi pha với dầu rửa bát, lúc phun lên cây, tạo màng bít ổ lỗ thở, tiêu diệt nhện mà không gây hại đến môi trường.

Ban quản trị HTX luôn sát sao, kiểm tra việc chăm bón cây, phát hiện ra cây nào nhiễm bệnh là tập trung khoanh vùng trị bệnh cho cây đó và một số cây lân cận, tránh lây lan cả vườn.

Yêu nghề sẽ có “trái ngọt”

Thời gian đầu, còn một vài thành viên HTX chưa đón nhận những sáng chế của anh Huân vì thấy khá ngược so với cách làm thông thường. Nhưng sau khi trải nghiệm vườn quả cùa “thuyền trưởng”, hầu hết các thành viên đã học theo.

Anh Bạch Công Biên, một thành viên HTX cho biết: “Thời gian trước, tôi vẫn làm theo thói quen canh tác của mình. Sâu bọ, dịch bệnh trên cây nhiều, năng suất chỉ đạt 10-20 tấn quả trên mỗi ha. Sau làm như cách anh Huân chỉ, năng suất vườn nhà tôi đã lên tới 30 tấn quả/ha.

Đặc biệt, dùng phân hữu cơ, chế phẩm vi sinh trừ sâu bệnh, chi phí đầu vào giảm tới 50%, lợi nhuận theo đó tăng cao. Vườn cam của tôi năm ngoái đạt sản lượng 50 tấn, doanh thu hơn 1 tỷ, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu được hơn 500 triệu. Tham gia HTX, tôi rất vui vì học được phương thức canh tác, làm ăn hiệu quả”.

Theo anh Huân, vụ mùa năm ngoái, HTX thu được 1.100 tấn cam, doanh thu hơn 20 tỷ đồng, bán bưởi đạt hơn 6 tỷ. Lợi nhuận sau khi trừ mọi chi phí, HTX thu gần 10 tỷ. Bình quân hàng năm, mỗi thành viên có thu nhập khoảng 200-250 triệu đồng.

Dự kiến năm nay, sản lượng quả có chút sụt giảm do điều kiện thời tiết không thuận lợi, tuy nhiên giá bán khả năng vẫn ổn định hoặc tăng nhẹ. HTX sẽ cố gắng đảm bảo mức bình quân thu nhập cho người lao động như mọi năm.

Anh Huân cho biết, HTX đang tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà cộng đồng dự kiến cuối năm nay hoặc đầu sang năm sẽ đón khách vào vườn tham quan, trải nghiệm vị ngọt của cam Kim Bôi. Mục tiêu là hướng đến du lịch sinh thái nông nghiệp, góp phần quảng bá du lịch, tăng khả năng tiêu thụ cam cho các thành viên.

Mục tiêu của HTX là hướng đến du lịch sinh thái nông nghiệp, góp phần quảng bá du lịch, tăng khả năng tiêu thụ cam cho các thành viên.

Câu chuyện sáng tạo trong lối làm ăn, những thành công của HTX Mường Động còn rất nhiều. Theo anh Huân, thành công của HTX trước tiên phải kể đến sự quan tâm hỗ trợ của địa phương, các ban ngành, Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình. Đặc biệt, bí quyết thành công mấu chốt chính ở tư duy lãnh đạo, tổ chức HTX. Thành công này không phải của riêng anh. Chính sự yêu nghề ăn sâu vào tâm thức, không ngừng tìm tòi, học hỏi của Ban quản trị đã sáng tạo ra những cách làm thiết thực hiệu quả, dám thử nghiệm, từ đó tuyên truyền cho các thành viên học tập, làm theo…

Có thể nói, câu chuyện về HTX Mường Động chính là nguồn cảm hứng cho nhiều HTX đi sau học hỏi để tạo nên sự khác biệt về chất, sức sống mới cho kinh tế tập thể.

Thu Hường

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/doc-dao-trong-cam-de-co-thanh-vien-htx-bo-tui-hang-ty-dong-moi-nam-1095249.html