Độc đáo thư viện về Bác Hồ của lão nông ở Sóc Trăng

Gần 50 năm nay, người dân xã Thới An Hội, huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) đều biết ông Nguyễn Văn Nhung, một 'Hai Lúa' có niềm đam mê đặc biệt: sưu tầm tài liệu, hình ảnh về Bác Hồ.

Quê ông Nhung là một xã vùng sâu của huyện Kế Sách, nơi có truyền thống cách mạng lâu đời. Năm 1975, quê hương được giải phóng. Ông Nhung được gần gũi với các chú Bộ đội từ miền Bắc vào, thấy các chú có ảnh của Bác, lại được nghe kể nhiều chuyện về Bác, ông Nhung đã hiểu tại sao Bác lại được nhiều người yêu kính đến thế. Từ đó, hình ảnh Bác Hồ khắc sâu trong tâm trí ông Nhung với lòng ngưỡng mộ đặc biệt.

Ông Nguyễn Văn Nhung bên một tấm hình Bác Hồ thời trẻ.

Năm 1977, khi ông Nhung bắt tay sưu tầm tài liệu, cả thị xã (nay là TP Sóc Trăng) chỉ có một vài sạp báo và 3, 4 nhà sách. Hành trình sưu tầm tài liệu về Bác Hồ của ông Nguyễn Văn Nhung gần 50 năm qua rất kỳ công.

Ông Nhung chia sẻ: “Tôi phải kiên nhẫn, lúc thì đạp xe ra huyện, khi thì lên tỉnh tìm đến ngành văn hóa, thư viện, trường học, báo đài… để xin báo cũ. Nơi nào có báo là tôi đến. Phải nói “rã họng”, người ta biết mục đích của mình, khi đó họ mới cho”. Về nhà, ông Nhung tỉ mẩn phân loại, đọc kỹ từng tờ báo, có tài liệu, hình ảnh liên quan đến Bác Hồ là gom lại, cất cẩn thận. Thỉnh thoảng, dành dụm được chút tiền, ông ra TP Sóc Trăng tìm mua báo cũ, lục tìm tài liệu, hình ảnh về Bác.

“Hễ thấy ai có tờ báo, cuốn sách nào viết về Bác Hồ là tôi tìm cách làm quen xin cho bằng được. Còn nhà ai có ảnh Bác, xin không được thì tôi mướn người đến vẽ lại”, ông Nhung nói. Trong nhà ông Nhung có rất nhiều tranh vẽ về Bác. Cứ mỗi dịp sinh nhật Bác, trong nhà ông lại có thêm một số tài liệu, hình ảnh về Bác. Ông Nhung phân loại theo từng mốc thời gian, như: Bác thuở thiếu thời; Bác khi ra đi tìm đường cứu nước; Bác ở nước ngoài; Bác ở Việt Bắc, Bác về Hà Nội, Bác với các tầng lớp nhân dân… Có tài liệu rồi, ông Nhung bổ sung thêm ảnh để thuyết minh về tài liệu. Có ảnh, ông lại cặm cụi tìm tài liệu phục vụ ảnh. Cứ thế, dần dần ông “Hai Lúa” trở thành người có kiến thức về lịch sử nói chung, về Bác nói riêng. Mỗi khi có cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, các em học sinh của xã lại chạy đến ông Nhung nhờ mượn tài liệu hay giải thích về vấn đề chưa rõ. Vô tình ông Nhung trở thành “giáo viên” dạy lịch sử bất đắc dĩ ở địa phương.

Một lần, nhân kỷ niệm Ngày sinh của Bác, Sở VH-TT&DL tỉnh đưa về xã Thới An Hội một số hình ảnh triển lãm, trong đó có nhiều hình ảnh về Bác. Triển lãm chỉ có treo ảnh chứ không tổ chức thuyết minh nên nhiều người dân đến xem mà không biết nội dung của các tấm ảnh. Ông Nhung tự nguyện làm người thuyết minh cho bà con nghe nội dung của từng tấm ảnh một cách rạch ròi, từ sự kiện, ngày tháng… thậm chí cả tên người chụp ảnh. Một cán bộ của ngành Văn hóa bèn kiểm tra trình độ hiểu biết của ông “Hai Lúa” bằng cách “Nhìn ảnh nói nội dung”. Ông nói một lèo hết sạch tư liệu về những tấm ảnh Bác mà không sai một chữ. Khâm phục, Sở VH-TT&DL tỉnh Sóc Trăng tặng ông Nhung một bộ ảnh về Bác. Ông rất mừng.

Hỏi về ấn tượng của ông về ảnh của Bác Hồ, ông trả lời ngay: “Với tôi, tấm ảnh nào về Bác cũng ấn tượng, mỗi tấm có một vẻ đẹp riêng, tất cả tổng hợp lại thành vẻ đẹp toàn diện ở Bác. Nếu được chọn, tôi chọn 3 tấm. Một là tấm ảnh Bác chụp tại Đại hội Đại biểu Đảng xã hội Pháp ở TP Tours ngày 26/12/1920 bởi tấm ảnh toát lên vẻ đẹp của ý chí, nghị lực, tinh thần con người Việt Nam trên đất nước Pháp lúc đó. Tấm thứ hai là tấm ảnh chụp tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa I (tháng 1/1956), Bác xúc động khi nói đến miền Nam. Tấm thứ 3 là tấm ảnh khi Bác mất (tháng 9/1969), cạnh Bác không có người thân ruột thịt nhưng có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bên ngoài có đông đảo các tầng lớp nhân dân khóc Bác. Người thật là vĩ đại, đúng như nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã viết “Người không con mà có triệu con”.

Ông Nguyễn Văn Nhung với hàng ngàn trang tài liệu, hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh do ông dày công sưu tầm.

Một lần, ông được một đoàn làm phim mời sang thăm Đền thờ Bác Hồ ở xã An Thạnh Đông (huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng). Một cán bộ của ngành văn hóa nhờ ông thuyết minh giúp những tấm ảnh về Bác treo trên tường trong Đền thờ. “Tôi giới thiệu một lèo hết các tấm ảnh một cách rạch ròi, Bác vào thời điểm nào, ở đâu, làm gì…”, ông Nhung nhớ lại.

Ngót nghét 50 năm qua, ông Nguyễn Văn Nhung đã sưu tập được hàng ngàn tài liệu, trên 2.000 tấm ảnh về Bác Hồ. Có thể nói, ông là người có nhiều tài liệu, hình ảnh nhất về Bác Hồ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cũng như cả nước. Kho tài liệu đó đã cung cấp cho bao người ở địa phương, cũng như ở ngoài tỉnh những kiến thức quý giá. Các em học sinh ở xã thường đến nhờ ông cung cấp tài liệu, hình ảnh làm bài dự thi. Có những người ở tận tỉnh xa viết thư cho ông hỏi về những kiến thức lịch sử, kiến thức về Bác Hồ. Nhiều người trước đây thấy ông làm công việc sưu tầm tài liệu, hình ảnh về Bác thì cho là viển vông, giờ đây họ đã nhìn khác. Họ đánh giá rất cao bộ sưu tập của ông. Ông Nhung còn đưa ảnh Bác ra trưng bày ở trung tâm xã cho nhiều người cùng chiêm ngưỡng, tìm hiểu. Ông còn tặng cho một bảo tàng ở TP Cần Thơ hàng trăm tấm ảnh về Bác.

Hồi trước nhà khó khăn, đông con, vợ chồng ông phải mở một quán cháo nhỏ ven đường. Căn nhà ọp ẹp nằm cặp sông Cầu Lộ thì tài sản có giá nhất, chiếm chỗ nhiều nhất chính là kho tài liệu về Bác Hồ - hơn một nửa diện tích căn nhà. Tất cả đều được xếp thành hàng, thành lối, bên trên phủ vải nhựa tránh bụi bặm, mưa dột. Ban đêm, ông cũng ít khi ngủ ngon vì phải dậy đuổi chuột luôn tìm cách xâm nhập vào kho tài liệu đó.

Tiếng lành đồn xa, nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân đã góp tiền tặng gia đình ông một căn nhà cấp 4 rộng 75m2; tặng tủ, bàn ghế, tivi, tủ đựng tài liệu… UBND tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ để ông tu bổ, bảo quản thư viện của mình. Nhiều cựu chiến binh ở TP Hồ Chí Minh, nhiều thầy cô, học sinh ở Nghệ An, Bình Thuận, Thừa Thiên Huế, Bạc Liêu, Cần Thơ… đã gửi thư làm quen, tặng nhiều tài liệu quý về Bác Hồ, góp phần nhỏ bé của mình vào việc xây dựng thư viện Bác Hồ của ông. “Tôi hiểu Bác là người đã đem lại độc lập tự do cho dân tộc, hòa bình cơm áo cho nhân dân. Vì thế, tôi luôn nhớ về Bác. Lập thư viện về Bác, tôi mong muốn lúc nào bên mình cũng có Bác”, ông Nhung tâm sự.

Ông Nhung kể: “Một lần, có 4 người đàn ông đi xe du lịch tìm đến nhà ông giới thiệu là Việt kiều Mỹ. Nghe tin ông có kho tài liệu về Bác Hồ nên tìm đến chiêm ngưỡng. Sau khi xin phép chụp một số tấm ảnh trong kho tài liệu, họ hỏi mua 4 đĩa VCD về bộ sưu tập với giá 12.000 USD. “Nghe họ nói, tôi ngạc nhiên vì số tiền đó quá kinh khủng so với 4 đĩa VCD. Sau khi cân nhắc, tôi từ chối bởi trong đĩa VCD có phát biểu của chính quyền địa phương, có phát biểu của tôi. Nếu họ mua về tuyên truyền cho bà con Việt kiều thì tốt, nhưng biết đâu họ sử dụng kỹ thuật hiện đại để làm thay đổi nội dung các bài phát biểu cũng như thêm hình ảnh phản cảm thì không ổn”, ông Nhung kể lại.

Chia tay, ông Nhung nói: “Năm nay tôi gần 70 tuổi, bị thoát vị đĩa đệm, đi lại khó khăn nhưng tôi vẫn tiếp tục bảo quản và sưu tập, bổ sung tư liệu về Bác cho đến khi nào không còn sức nữa mới thôi. Chỉ mong được chính quyền, các cơ quan, đoàn thể và người dân đồng hành để tôi được toại nguyện”.

Văn Đức – Cao Xuân

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/doc-dao-thu-vien-ve-bac-ho-cua-lao-nong-o-soc-trang-i729675/