Độc đáo Tết 'năm cùng' của người Dao quần chẹt ở Thanh Hóa

Người Dao quần chẹt ở Thanh Hóa có rất nhiều phong tục độc đáo, trong đó Tết 'năm cùng' là một trong những ngày Tết quan trọng, thể hiện tinh thần đoàn kết dòng tộc và cộng đồng

Người Dao ở Thanh Hóa có hai nhóm chính là người Dao tiền cư trú ở vùng núi cao, tập trung chủ yếu ở huyện Mường Lát (bản Suối Tút, Con Dao, xã Quang Chiểu; Pù Quăn, xã Pù Nhi), và Dao quần chẹt sống tập trung tại huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy. Dân số hiện nay khoảng 7.400 người.

Tết "năm cùng" là một nét phong tục độc đáo và quan trọng nhất trong năm của đồng bào dân tộc Dao quần chẹt ở Thanh Hóa

Một trong 3 ngày Tết quan trọng của người Dao quần chẹt

Đối với người Dao, trong một năm họ có 3 cái Tết quan trọng là Tết Thanh minh, rằm tháng Bảy và Tết "năm cùng". Trong đó, quan trọng nhất vẫn là Tết "năm cùng", vì đây là dịp để con cháu báo cáo với tổ tiên về một năm lao động của gia đình, dòng họ, bản làng.

Tại huyện Ngọc Lặc và Cẩm Thủy (nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào Dao quần chẹt), vào thời điểm cuối tháng Chạp, khi mùa màng bội thu, phấn khởi với những thành quả lao động, người Dao sẽ tổ chức Tết "năm cùng" để báo cáo và tạ ơn ông bà tổ tiên về một năm lao động đã đạt được, đồng thời cầu mong ông bà, tổ tiên phù hộ, giúp đỡ cho gia đình, dòng họ và bản làng bước sang năm mới làm ăn "mưa thuận, gió hòa".

Người Dao làm bánh dày, một trong những lễ vật không thể thiếu trong ngày Tết "năm cùng"

Tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, dòng họ để tổ chức một cái Tết thật chu đáo, ấm cúng. Đây là dịp để anh em họ hàng tập trung nhau lại để góp cỗ làm Tết cho thật to, nhà ai có gì góp nấy, nhưng quan trọng nhất là trưởng họ.

Để tổ chức Tết, từ đầu tháng 9 Âm lịch, trưởng họ đã phải chuẩn bị gạo nếp ngon, nuôi lợn, nuôi gà để cuối năm khao cả họ. Nếu năm nào họ hàng và bạn bè đến đông thì Tết được xem là no ấm, thành công. Khi con cháu, người trong họ tộc đầy đủ nhất thì tổ chức Tết. Tất cả người trong dòng tộc tập trung về nhà trưởng họ để cùng ăn Tết.

Các thanh niên khỏe mạnh sẽ được giao nhiệm vụ giã nhuyễn cơm nếp để làm bánh

Bánh dày được dùng để ăn trong ngày Tết "năm cùng"

Ông Triệu Hùng Cường (thôn Thạch An, xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy) cho biết Tết "năm cùng" là phong tục rất quan trọng đối với người Dao nên cứ cuối tháng 11, đầu tháng 12 Âm lịch hàng năm, hầu hết các gia đình trong thôn sẽ lần lượt chuẩn bị cỗ, mời thầy cúng về làm lễ và mời anh em, họ hàng, bạn bè đến ăn Tết.

Trong ngày Tết "năm cùng", có 3 món ăn không thể thiếu trong mâm cơm cúng là thịt lợn (thịt heo), gà và bánh dày. Heo được lựa chọn giống heo ngon, nuôi từ đầu năm. Khi làm thịt, heo phải mổ nguyên con, thủ heo được dùng để làm lễ cúng, phần còn lại được chế biến thành các món ăn.

Thầy cúng thực hiện các nghi lễ cúng tổ tiên

Để làm thịt heo, ngay từ sáng sớm, những thanh niên khỏe mạnh, nhiệt tình trong dòng họ đều được trưởng họ huy động đến để đi bắt heo, mổ heo và tham gia vào việc làm thịt gà, giã bánh dày. Bánh dày được làm từ gạo nếp đồ thành xôi chín, sau đó cho vào cối đá giã nhuyễn, trộn cùng với vừng rang rồi nặn thành từng chiếc bánh tròn vừa ăn.

Ba thứ lễ vật không thể thiếu

Đối với người Dao, nghi lễ cúng là quan trọng nhất, thường sẽ có 3 thầy cúng thông thạo tiếng Dao cổ hành lễ. Họ là những người có mặt sớm nhất để lo lễ vật, bàn thờ giúp cho buổi lễ khỏi thiếu sót. Người Dao trong không quan trọng vật lễ, gia đình có gì thì cúng cái đó, tùy vào điều kiện kinh tế từng gia đình, nhà ai có điều kiện làm càng to càng tốt nhưng đầu heo và gà trống, bánh dầy là những thứ không thể thiếu.

Lễ cúng tổ tiên thường sẽ có 3 thầy cúng thực hiện các nghi lễ

Trong tín ngưỡng thờ cúng, đồng bào Dao chịu ảnh hưởng sâu sắc của Khổng giáo, Phật giáo và nhất là Đạo giáo. Ba mâm lễ lần lượt được bày biện thành kính để cúng hương hỏa tổ tiên, cúng Bàn vương (thủy tổ của người Dao) và cúng quần chúng gia tiên (những người nhỏ hơn trong gia đình như vợ, con...).

Trong lễ cúng tổ tiên, người Dao không dùng hương mua ở chợ để đốt mà dùng loại hương làm bằng thứ vỏ cây được lấy ở trên rừng rất thơm mua về bỏ vào một cái chén nhỏ. Mỗi lần đốt một cái vỏ cây lại phải dùng một viên than hồng để đốt cùng, cho đến khi nào cái chén đầy than và vỏ hương mới thôi.

Sau khi dùng đầu để cúng tổ tiên, thịt heo sẽ được chế biến thành các món ăn

Các thầy cúng sẽ thay mặt gia chủ kính cáo với tổ tiên, Bàn vương, gia tiên những công việc đã làm được và những công việc còn chưa làm được trong năm, đồng thời cầu mong những điều may mắn, thuận lợi sẽ đến trong năm mới.

Gắn kết tinh thần đoàn kết dòng họ, cộng đồng

Theo phong tục, nghi lễ cúng Tết "năm cùng" sẽ được các thầy cúng thực hiện trong khoảng thời gian hơn 1 tiếng. Sau nghi lễ cúng, tất cả lễ vật được hạ xuống dọn ra cho con cháu cùng ăn Tết.

Các món ăn được bày chung hết vào mâm đã lót sẵn lá chuối

Theo tục của người Dao, tất cả thức ăn đều phải để trên lá chuối tươi. Trước khi cùng ăn bữa cơm thể hiện tình đoàn kết, ông trưởng họ đi một vòng mời rượu bà con họ hàng, chúc cho mọi người sức khỏe, cùng nhau phấn đấu để Tết năm sau sung túc và đông vui hơn. Đặc biệt hơn nữa, thầy cúng và các vị chức sắc trong làng, các con trai trong họ ngồi mâm riêng trong nhà lớn. Còn thanh niên, phụ nữ trong gia đình thì ăn ở ngoài sân hoặc nhà dưới.

Người Dao quần chẹt quan niệm gia đình nào có nhiều khách thăm nhà, ăn Tết "năm cùng" sẽ càng may mắn trong năm mới, vì thế trong những ngày Tết "năm cùng", cộng đồng người Dao luôn sống trong không khí tràn đầy niềm vui.

Khi lễ cúng xong, cỗ được bày ra để tất cả dòng họ, người thân, làng xóm cùng ăn Tết. Đối với người Dao, Tết "năm cùng" càng đông khách tới dự, chung vui thì năm đó Tết càng có nhiều may mắn

"Chúng tôi rất háo hức mong đến ngày Tết của dân tộc mình, tục lệ đã ăn sâu vào mỗi thế hệ nơi đây nên cứ đến ngày này ai cũng thấy phấn khởi nô nức để về dự tết với gia đình"- ông Dương Kim Khoa, thôn Bình Sơn, xã Cẩm Bình, chia sẻ.

Theo UBND huyện Cẩm Thủy, trên địa bàn hiện có gần 4.000 đồng bào dân tộc Dao quần chẹt sinh sống tại các xã Cẩm Bình, Cẩm Liên, Cẩm Châu và thị trấn Phong Sơn. Mỗi năm đồng bào dân tộc Dao đón 3 cái Tết là rằm tháng Bảy, Tết "năm cùng" và Tết thanh minh. Đây là nét văn hóa độc đáo của đồng bào Dao, vì thế những năm qua huyện Cẩm Thủy luôn quan tâm, khuyến khích đồng bào Dao gìn giữ, bảo tồn và phát huy các nghi lễ, các nét đẹp văn hóa độc đáo này.

Tết "năm cùng" là nét văn hóa độc đáo, thể hiện tinh thần đoàn kết dòng tộc và cộng đồng

Những ngày cận kề Tết cổ truyền, nếu có dịp về các huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa), nơi có đồng bào dân tộc Dao sinh sống, chúng ta sẽ được sống trong không khí ngập tràn sắc Xuân, cùng thưởng thức Tết "năm cùng" với đồng bào người Dao quần chẹt nơi đây.

Bài-ảnh: Tuấn Minh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/doc-dao-tet-nam-cung-cua-nguoi-dao-quan-chet-o-thanh-hoa-196240217231525175.htm