Độc đáo quan họ cổ chỉ có ở Châm Khê

Châm Khê (Bắc Ninh) là một trong những làng quan họ có sớm nhất vùng Kinh Bắc. Nơi đây còn lưu giữ những câu quan họ cổ không nơi nào có cùng lối hát riêng, đặc sắc.

Đặc sắc cách hát quan họ cổ

Châm Khê trước đây có tên chữ là Bùi Xá, tên nôm là làng Bùi, là một ngôi làng cổ của Việt Nam nằm bên bờ nam của sông Ngũ Huyện Khê (nay thuộc xã Phong Khê, Yên Phong, Bắc Ninh). Nơi đây còn lưu giữ những làn điệu quan họ cổ với lối hát riêng, đặc sắc.

Hát canh tại Hội chùa Bùi. Ảnh: Mai Loan.

Chúng tôi đến Châm Khê vào đúng ngày diễn ra chính hội chùa Bùi, ngôi chùa cổ của làng (ngày 28 tháng Giêng), được nghe các đôi liền anh, liền chị hát canh – tục hát cổ nhất của làng quan họ. Tiết trời mùa xuân se lạnh, thi thoảng lại có “mưa xuân phơi phới bay”, mái ngói thâm trầm… Khung cảnh đó cùng những lời ca, tiếng hát quan họ với đủ “vang, rền, nền, nảy” đã khiến du khách chìm đắm trong một cảm xúc đặc biệt.

Thời gian dường như quay ngược, không còn những ồn ào, náo nhiệt, chỉ có giếng nước, sân đình… cùng những anh hai, chị hai duyên dáng với những câu quan họ cổ sâu lắng, thiết tha…

Ông Nguyễn Trọng Cau (trái), Chủ tịch Câu lạc bộ Quan họ Châm Khê hát quan họ trong ngày Hội chùa Bùi. Ảnh: Mai Loan.

Trò chuyện với Tri thức và Cuộc sống, ông Nguyễn Trọng Cau, Chủ tịch Câu lạc bộ Quan họ Châm Khê cho hay, tỉnh Hà Bắc cũ có 49 làng quan họ. Trong đó, tỉnh Bắc Ninh có 44 làng, Bắc Giang 5 làng. Làng quan họ Châm Khê là 1 trong 9 làng quan họ có sớm nhất, rất nổi tiếng.

Nơi đây đã sản sinh ra nhiều thế hệ nghệ nhân hát quan họ như cụ Nguyễn Trọng Ngữ, Nguyễn Trọng Cầu, Nguyễn Trọng Ích… Sau này là cụ Nguyễn Thị Khai, Nguyễn Công Dứa, Nguyễn Công Lụt, Nguyễn Thị Bí…

Quan họ Châm Khê có những nét đặc sắc riêng. Trước đây, Châm Khê có 4 bọn quan họ. Các liền anh, liền chị quan họ Châm Khê từ xưa vốn vẫn có tiếng là thuộc nhiều câu, nhiều giọng. Có những câu hát khó mà đã gần ba, bốn thập kỷ nay, không ai còn nhớ nhưng quan họ Châm Khê vẫn nhớ và ca đúng câu, đúng giọng.

Những liền chị làng Châm Khê - những người đã góp phần giữ di sản quan họ cho đời sau. Ảnh: Mai Loan.

“Đặc biệt, có những câu quan họ cổ chỉ ở Châm Khê mới có như “trúc trúc mai mai”, “hòn đá đổ xô”, “nhìn sang chốn bến giang hà”… Các làng đều công nhận, làng quan họ gốc Châm Khê lưu truyền nhiều câu quan họ cổ độc đáo, và họ phải tới Châm Khê để học”, ông Cau cho hay.

Cách hát quan họ Châm Khê, theo ông Cau cũng có nét riêng, nhiều nơi không có được. Chẳng hạn, với câu có bỉ, ở các làng quan họ khác chỉ 2 chữ đã dừng lại, nhưng bỉ của Châm Khê phải đi 4 - 5 chữ, đòi hỏi kỹ thuật hát lấy hơi rất sâu. Ngoài ra, phải hết “trổ” mới được dừng lại, tức là không được dừng lại tự do để lấy hơi. Vì vậy, mới có hai người hát với nhau để đỡ cho nhau, với những câu trổ dài, để đi đúng đến chỗ nghỉ mới được nghỉ.

Những thế hệ gìn giữ quan họ cổ

Người Châm Khê tự hào về truyền thống của mình. Bà Nguyễn Thị Thắm, 65 tuổi, là người gốc Châm Khê chia sẻ, bà biết hát quan họ từ khi còn bé. Mẹ của bà là cụ Nguyễn Thị Tiền vốn cũng là một nghệ nhân quan họ. Từ 7-8 tuổi, bà đã theo mẹ đi hát quan họ ở các nơi. Tình yêu với quan họ cũng ngấm dần vào trong bà một cách tự nhiên.

Bà Nguyễn Thị Thắm (phải) và bà Nguyễn Thị Lập có một tình yêu tha thiết, sâu nặng với quan họ. Ảnh: Mai Loan.

“Những lời ca quan họ với giai điệu thiết tha, sâu lắng đã bồi đắp tâm hồn của biết bao thế hệ người con Châm Khê. Đi bất cứ đâu, chỉ cần nghe thấy tiếng hát quan họ là trong lòng đã thấy xốn xang, chỉ muốn vào nghe và hát cùng”, bà Nguyễn Thị Thắm nói.

Là bạn hát đôi cùng với bà Thắm, bà Nguyễn Thị Lập (58 tuổi) cho hay, bà hát quan họ từ năm 20 tuổi, Với bà Lập, bà yêu quan họ còn là vì quan họ hợp với tính cách của bà. “Cách nói của quan họ rất sâu lắng, tình tứ… bản thân tôi cũng rất thích như vậy”, bà Lập chia sẻ.

Mời quý độc giả xem video: Hát quan họ cổ tại hội Chùa Bùi (làng Châm Khê, xã Phong Khê, Yên Phong, Bắc Ninh). Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/doc-dao-quan-ho-co-chi-co-o-cham-khe-1968819.html