Độc đáo nghệ thuật múa rom vong của đồng bào Khmer

Rom vong là điệu múa dân gian được đồng bào Khmer vô cùng yêu thích và đã trở thành nghệ thuật không thể thiếu tại các buổi sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống của dân tộc Khmer như: Tết Chôl Chnăm Thmây, Lễ Sene Đôn Ta, Oóc om bóc - Đua ghe ngo, lễ cầu an hay trong đám cưới, mừng nhà mới... Năm 2019, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian 'Múa rom vong của người Khmer tỉnh Sóc Trăng' đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Múa rom vong là món ăn tinh thần

Ở Sóc Trăng, từ lâu nghệ thuật múa rom vong được đồng bào Khmer gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Vào các dịp lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer, chúng ta thường bắt gặp những hình ảnh từ người trẻ đến người lớn tuổi tham gia múa - hát rom vong thật vui nhộn, được thể hiện qua sự phối hợp nhịp nhàng, sinh động của các động tác tay chân theo từng điệu nhạc. Các điệu múa có thể múa thành vòng tròn và không giới hạn số người tham gia.

Là một thợ chụp ảnh dịch vụ được đi nhiều nơi trong tỉnh, bạn Trương Minh Quang, ở Phường 10, TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng) chia sẻ: “Mỗi lần đi chụp hình đám cưới, sinh nhật hoặc lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer, ngoài chụp hình cho khách, tôi còn kiêm thêm ca sĩ không chuyên tham gia múa - hát các bài rom vong truyền thống để tạo cho không khí sinh hoạt sôi nổi hơn. Nghệ thuật múa - hát rom vong từ lâu đã trở thành một nét văn hóa gắn bó mật thiết và in dấu sâu đậm trong tâm thức, đời sống sinh hoạt của mỗi người Khmer, trong đó có tôi”.

Các điệu múa - hát rom vong do các diễn viên, ca sĩ của Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng biểu diễn (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: THẠCH PÍCH

Các điệu múa - hát rom vong do các diễn viên, ca sĩ của Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng biểu diễn (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: THẠCH PÍCH

Còn bạn Lâm Thị Hel, quê ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) bộc bạch: “Hát - múa rom vong hầu hết đều có tính vui nhộn. Khi nhịp trống và giọng hát say sưa vang lên theo điệu rom vong thì từng người một hoặc từng đôi trai gái, già trẻ cùng uyển chuyển hòa mình vào điệu múa tập thể rất mềm mại và duyên dáng”.

Những động tác chứa nhiều ý nghĩa

Theo một số nghệ sĩ Khmer, múa rom vong có nghĩa là múa vòng tròn, từng đôi trai gái vừa múa, vừa quay lại nhìn nhau thật tình tứ, thể hiện sự quấn quýt. Các động tác nữ thường dịu dàng, nhẹ nhàng, kín đáo, khi múa lượn hai cánh tay đưa ra trước ngực. Còn các chàng trai với động tác múa khỏe, hai tay luôn luôn dang rộng hơn để vừa múa vừa che chắn, âu yếm, bảo vệ người nữ; kết hợp với chân, chân nào phía trước thì tay đó ở dưới thấp và ngược lại; lòng bàn tay trái ngửa thì lòng bàn tay phải úp và ngược lại. Vì thế, múa rom vong đã được sử dụng như phương tiện thể hiện sắc thái văn hóa trong giao tiếp, giao lưu và phát triển văn hóa - nghệ thuật với các dân tộc anh em trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam, thân thiết, hòa quyện, đoàn kết, ấm áp nghĩa tình.

Theo Thạc sĩ Sơn Lương, múa rom vong phải tuân theo một số quy tắc nhất định như: người ít tuổi, địa vị thấp hơn sẽ ra múa trước, sau đó mới tiến đến mời các vị quan khách, người cao tuổi ra múa giao lưu. Đội hình múa di chuyển càng nhiều vòng càng vui. Rồi cả người Khmer và các vị khách mời người Kinh, người Hoa... cùng nhau vui vẻ, động tác múa càng nhanh hơn theo nhịp trống. Khi trống ngừng, mọi người cùng dừng lại chắp tay chào nhau rồi trở về vị trí cũ. Các động tác múa Khmer rất mềm mại, mỗi động tác hình thành nên từng điệu múa với những cái tên cụ thể, mang đặc trưng riêng, như: động tác tay “Chip”, động tác tay “Khuôn”, phong cách tay “Rôn” (còn gọi là che), phong cách tay chon-ol (còn gọi là động tác chỉ), phong cách tay Tua-tuôl (còn gọi là nhận hay đón lấy), phong cách tay bông hoa…

Công nhận để tôn vinh giá trị văn hóa

Múa rom vong có vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng người Khmer, từ trong lao động tới lễ hội, văn hóa tâm linh. Vào những dịp diễn ra lễ hội, không chỉ đồng bào Khmer múa mà bà con người Kinh, người Hoa cùng hòa mình vào điệu múa vui nhộn này, thể hiện sự lan tỏa văn hóa, thu hút của điệu múa với tất cả mọi người. Thông qua điệu múa, tình cảm giữa người với người trong cộng đồng của người Khmer càng thêm tốt đẹp. Về giá trị lịch sử, đây là điệu múa đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào Khmer qua nhiều thế hệ. Về giá trị văn hóa, rom vong thể hiện khát vọng vươn tới các giá trị chân - thiện - mỹ của đồng bào Khmer. Do hình thành trong lao động, sản xuất nông nghiệp và gần gũi với tất cả giai tầng trong xã hội nên rom vong gần gũi với đồng bào Khmer, kể cả người Kinh và người Hoa cùng cộng cư với người Khmer cũng biết múa rom vong.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Sóc Trăng Sơn Thanh Liêm, nghệ thuật múa rom vong là sản phẩm tinh thần độc đáo không thể thiếu trong các dịp lễ, tết, đám tiệc của đồng bào Khmer. Nó không chỉ mang tính thiêng liêng, mà còn là nhu cầu tinh thần sau những giờ lao động mệt nhọc nơi đồng áng, góp thêm vào vườn hoa nghệ thuật đầy màu sắc của dân tộc Việt Nam. Với giá trị tiêu biểu, múa rom vong của người Khmer đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4601/QĐ-BVHTTDL, ngày 20-12-2019.

THẠCH PÍCH

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/doc-dao-nghe-thuat-mua-rom-vong-cua-dong-bao-khmer-53862.html