Độc đáo nghề điêu khắc trên gốc tre ở phố cổ Hội An

Chúng tôi mục sở thị sự tinh xảo, khéo léo của người nghệ nhân tài hoa, từ những gốc tre mộc mạc đã trở thành các tác phẩm nghệ thuật có giá trị, 'độc' và lạ.

Nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ tạc tượng bằng tượng gốc tre. Ảnh: Trịnh Bang nhiệm - TTXVN

Nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ tạc tượng bằng tượng gốc tre. Ảnh: Trịnh Bang nhiệm - TTXVN

Thời gian gần đây, du khách khi đến tham quan Chùa Cầu, một di tích lịch sử không thể bỏ qua nếu tới phố cổ Hội An ở thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) đều rất thích thú, ngạc nhiên trước sự tài hoa của vợ chồng nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ.

Vợ chồng nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ đã chế tác các gốc tre sần sùi, vô tri, vô giác thành những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo và giá trị ở trên đường Châu Thượng Văn.

Du khách đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi nhìn thấy hàng trăm tác phẩm điêu khắc tinh xảo, các danh nhân lịch sử, tượng thần linh theo tín ngưỡng của các tôn giáo, tượng phong cảnh… có kích thức từ 25-100cm được trưng bày tại cửa hàng trưng bày sản phẩm của Cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ tượng tre và tượng gỗ Huỳnh Phương Đỏ, địa chỉ 26 Bạch Đằng, thành phố Tam Kỳ.

Đến thăm cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ tượng tre và tượng gỗ Huỳnh Phương Đỏ, chúng tôi mục sở thị sự tinh xảo, khéo léo của người nghệ nhân tài hoa, từ những gốc tre mộc mạc đã trở thành các tác phẩm nghệ thuật có giá trị, "độc" và lạ. Từ những gốc tre sần sùi, thô nhám anh đã khéo léo chạm trổ, điêu khắc thành khuôn mặt của các danh nhân, thánh nhân nổi tiếng trong lịch sử, tượng vị thần linh uy nghiêm, đức độ các tôn giáo thờ phụng, 12 con giáp, tượng tam đa Phúc - Lộc - Thọ… với những mái tóc, bộ râu, lông mày, lông mi cách điệu, hài hòa được cắt tỉa từ rễ tre.

Anh Huỳnh Phương Đỏ, sinh năm 1973, xuất thân trong một gia đình làm nông. Năm 1988, khi đang học lớp 10, do hoàn cảnh khó khăn nên anh phải nghỉ học để đi học nghề chạm trổ, điêu khắc tượng gỗ phụ giúp gia đình. Sau 3 năm học, anh bắt đầu đi làm thuê cho các cơ sở chạm trổ, điêu khắc ở thành phố Hội An để lấy tiền công phụ giúp gia đình.

Vợ nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ tạc tượng bằng tượng gốc tre. Ảnh: Trịnh Bang nhiệm - TTXVN

Vợ nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ tạc tượng bằng tượng gốc tre. Ảnh: Trịnh Bang nhiệm - TTXVN

"Cuộc đời tôi sẽ gắn với nghề chạm trổ, điêu khắc tượng gỗ đến tận hôm nay nếu như không có trận lũ lịch sử xảy ra ở miền Trung vào năm 1999. Ngày đó, tôi nhìn thấy từng bụi tre trơ gốc bị lũ cuốn trôi lềnh bềnh trên dòng sông Hoài, chợt nảy ra ý tưởng chạm trổ, điêu khắc gộc tre thành tượng người, tượng danh nhân…", anh Huỳnh Phương Đỏ chia sẻ.

Những tác phẩm đầu tiên của anh được mọi người đánh giá cao, bởi sự mới mẻ về chất liệu, lạ lẫm với kích thước và hình dáng bởi đục tượng bằng gốc tre không theo bất cứ một quy chuẩn, nguyên tắc nào, tất cả dựa vào kích thước, hình dáng của gốc tre để người thợ linh hoạt tạo ra bức tượng có giá trị mỹ thuật nhất. Do được chế tác một cách linh hoạt, không theo khuôn mẫu nào nên tượng gốc tre của cơ sở Huỳnh Phương Đỏ sản xuất được du khách yêu thích, đặc biệt là du khách nước ngoài.

Để phòng, chống mối mọt, giãn nở do thời tiết nóng - lạnh, tất cả nguyên liệu gốc tre sau khi anh mua về đều được ngâm bùn 9 tháng, sau đó phơi khô 10 nắng, trước khi đưa vào chế tác phải qua giai đoạn luộc 3 giờ.

Hiện nay, bình quân mỗi ngày cơ sở của anh sản xuất được 6 sản phẩm (bình quân mỗi tượng làm có thời gian từ 3 giờ trở lên). Với giá từ 400 ngàn đồng - 1 triệu đồng/tác phẩm, cơ sở của anh đạt doanh số khoảng 4,2 triệu đồng/ngày.

"Nếu thành phố quan tâm bố trí mặt bằng mở rộng xưởng sản xuất, kho cất giữ nguyên liệu và thành phẩm, tạo điều kiện để cơ sở tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi, tôi sẽ mở rộng cơ sở theo hướng sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Cơ sở trực tiếp giải quyết được việc làm cho khoảng 8 lao động và gián tiếp nhiều lao động khác, sản xuất được khoảng 50 sản phẩm/ngày, đạt doanh số khoảng 35 triệu đồng/ngày. Sau khi trừ đi các chi phí, cơ sở của tôi sẽ thu lãi được khoảng 29 triệu đồng/ngày", anh Huỳnh Phương Đỏ bày tỏ.

Ông Nguyễn Văn Cường, du khách ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đến tham quan phố cổ Hội An rất tấm tắc khi mục sở thị tài nghệ của 2 vợ chồng nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ. Ông đã mua 3 tượng về làm quà cho người thân và trưng bày trong nhà./.

Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doc-dao-nghe-dieu-khac-tren-goc-tre-o-pho-co-hoi-an/246233.html