Độc đáo nấm trồng bằng bông

Không trồng nấm bằng rơm như thông thường, trang trại nấm sò của Hợp tác xã Nấm sạch My Anh, xã Đông Lợi (Sơn Dương) được trồng từ... bông hạt. Đây cũng là sản phẩm đầu tiên đến thời điểm này được chứng nhận là sản phẩm OCOP của địa phương này.

Sinh ra từ làng

Nhìn vẻ bề ngoài, Nguyễn Văn Anh, Giám đốc Hợp tác xã Nấm sạch My Anh hiền lành và... nhu mì như chính sản phẩm của mình làm ra.

Không bằng cấp, không việc làm, khi lập gia đình, anh Anh cũng chỉ tính bám lấy ruộng vườn để có kế sinh nhai. Nhưng người làm nông, mỗi năm mỗi vất vả, con cái cũng ngày càng lớn khôn khiến chuyện “đủ ăn đủ mặc” ngày càng nặng gánh.

Anh Nguyễn Văn Anh kiểm tra nấm sò tại trang trại.

Những năm 2015 - 2016, qua truyền thông, anh Anh bắt đầu để ý thông tin về các mô hình trồng nấm ở ngoài tỉnh. Nhận thấy việc trồng nấm có thể trồng ngay ở sân vườn, lại tận dụng được nguồn nguyên liệu là rơm rạ ở quê, anh Anh khăn gói về Hà Nội, đăng ký học một lớp trồng nấm do Học viện Nông nghiệp Hà Nội tổ chức.

Có chứng chỉ, có kiến thức, Nguyễn Văn Anh tràn đầy tự tin khi trở về quê nhà. Bởi lâu nay ở quê anh, hiếm có người nông dân nào “đầu tư” vào việc làm nông như mình.

Quây một khoảnh vườn để làm nơi trồng nấm, chỉ có mấy hàng gạch và mái che, lứa đầu tiên, anh Anh vào hơn 500 bịch nấm. Trộn giá thể, tưới nước, trông từng ngày, 500 bịch nấm... im lìm như những khúc gỗ ngủ quên trên giàn.

Đổ đi làm lại. Lại trộn giá thể, tưới nước, trông từng ngày. Lần này nấm ra nhưng tai nấm nào cũng đen thui như cục than củi. Lại đổ bỏ.

Mất một năm trời bỏ đi làm lại, mong muốn làm giàu chưa thành, thì nỗi lo gánh nợ đã chất chồng trên vai cặp vợ chồng trẻ. Nhưng anh Anh bảo, mình không khi nào nghĩ đến chuyện bỏ cuộc, bởi lăn lộn qua bao nhiêu nghề, với anh, không có nghề nào đơn giản, dễ dàng cả.

Vợ chồng anh động viên nhau tiếp tục học hỏi, rút kinh nghiệm, nhưng bố mẹ 2 bên thì gàn. Với người làm nông như họ, việc bỏ cả đống tiền ra suốt năm trời ấy chẳng khác gì “dã tràng se cát”, vừa tốn công vô ích, vừa tốn tiền. Anh Anh lại khăn gói về trường cũ, rồi đi học các trang trại trồng nấm trong và ngoài tỉnh để tìm hiểu nguyên do. Đến lúc đó mới biết, nấm nhà anh đã bị ruồi nấm phá hoại do môi trường trồng, chăm sóc chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, do khu vực làm xưởng chưa đủ kín đáo, sạch sẽ.

Trang trại nấm của Hợp tác xã My Anh sử dụng bông hạt thay thế rơm để trồng nấm sò.

Với đặc thù phát triển của cây nấm, việc bị ruồi phá hoại không có thuốc nào xử lý được ngoài việc phải đảm bảo môi trường trồng sạch sẽ. Hai vợ chồng anh quyết định vay mượn tiền xây dựng lại nhà xưởng, làm bạt ngăn cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài để tránh những tác động từ thời tiết, dịch bệnh, đảm bảo các điều kiện vệ sinh để... làm lại từ đầu.

Trái ngọt

Sau 1 năm đổ bỏ, bắt đầu từ năm 2018, vợ chồng anh Anh được thu những tai nấm đầu tiên. Từ 5 - 700 bịch nấm ban đầu, trang trại dần được mở rộng quy mô, hiện tại mỗi lứa trồng trên 2 vạn bịch nấm.

Trong trang trại nấm của Hợp tác xã My Anh, những đụn bông nhấp nhô trắng như những đám mây ngay dưới mặt đất. Thấy khách tò mò, anh Anh cười giới thiệu, đây là nguyên liệu để Hợp tác xã trồng nấm đấy.

Anh Anh kể, một lần đi tham quan trang trại nấm tại Phú Thọ, được chủ trang trại hướng dẫn cách làm giá thể trồng nấm từ bông hạt thay vì rơm như cách truyền thống, anh Anh quyết định đưa nguyên liệu mới này áp dụng vào trang trại của gia đình mình. “Nấm được trồng bằng bông vải có nhiều ưu điểm, dễ làm, cho năng suất cao. Giá và nguồn bông vải phế liệu tương đối ổn định, việc mua và vận chuyển bông vải dễ dàng, không phụ thuộc vào mùa vụ như khi sử dụng rơm rạ. Trồng nấm rơm từ bông vải sợi có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn gấp 4 - 5 lần, mức độ vệ sinh an toàn thực phẩm cũng tốt hơn rơm rạ, sản phẩm làm ra cũng đạt tính thẩm mỹ cao hơn” - chị Nguyễn Thị My, vợ anh Anh chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Anh (bên trái ảnh) giới thiệu sản phẩm nấm trồng bằng bông.

Có điều, chị My bảo, phương pháp trồng khá tỉ mỉ, khi đưa nguyên liệu bông về phải xay, ủ vôi để loại bỏ vi sinh độc hại, đo nồng độ pH, canh nhiệt độ, độ ẩm, cấy mô giống… Ngoài ra, phải thiết kế nhà nấm duy trì môi trường nhiệt độ ổn định, không thay đổi nhiệt độ đột ngột. Hai vợ chồng gần như xoay vần cả ngày ở trang trại, người xay bông, người ủ vôi, có ngày ngẩng mặt lên đã thấy mặt trời đi ngủ tự lúc nào.

Có thời gian rảnh, anh Nguyễn Văn Anh lại tranh thủ lên mạng xã hội, vừa rao bán sản phẩm, vừa kết nối với những người cùng làm nghề ở khắp mọi miền đất nước để học hỏi kinh nghiệm.

Cứ thế, vừa làm, vừa học, vừa thay đổi, trái ngọt đã đến với vợ chồng người nông dân ấy. Trung bình mỗi năm Hợp tác xã cung cấp cho thị trường hơn 75 tấn sản phẩm, với giá bán bình quân 30 nghìn đồng/kg. Cuối năm 2023, lần đầu tiên Hợp tác xã My Anh đưa sản phẩm nấm sò đánh giá OCOP của huyện và được chứng nhận 3 sao.

Sau 7 năm khởi nghiệp, vợ chồng người nông dân ấy đã có đầu ra ổn định, khi thị trường được mở rộng dần từ Đông Lợi, Sơn Dương đến TP Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Giang. Trại nấm còn tạo công ăn việc làm cho 2 - 3 lao động địa phương.

Trong lương lai, anh Anh dự định sẽ mở rộng diện tích trang trại và hướng đến mục tiêu trở thành nhà cung ứng nấm chất lượng, uy tín cho nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng trong và ngoài tỉnh.

Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/doc-dao-nam-trong-bang-bong-189326.html