Độc đáo linh vật rồng bằng gốm chào đón năm mới ở Hội An

Các nghệ nhân làng gốm hơn 500 tuổi ở Hội An đang 'trình làng' những sản phẩm rồng độc đáo chuẩn bị cho Tết âm lịch.

Những ngày đầu năm, chúng tôi đến nơi sản xuất những tượng rồng bằng đất nung của anh Nguyễn Văn Hoàng (Hội An, tỉnh Quảng Nam).

Gặp lại sau 2 năm, anh Hoàng niềm nở khoe năm nay con rồng được anh thiết kế lớn hơn, chăm chút tỉ mỉ hơn vì có thời gian.

Anh Nguyễn Văn Hoàng

Những năm trước, phường Thanh Hà (Hội An) đặt 6 linh vật bằng gốm cho một nghệ nhân, nhưng năm nay phường chia 3 người, mỗi người phụ trách 2 linh vật.

Anh Hoàng chia sẻ, năm nay 2 con rồng do anh tạo hình có dáng nằm, đầu ngẩng cao, tạo nét uy nghi, có chiều cao 55cm, chiều dài 90cm.

Hai tượng rồng được tạo hình với dáng nằm, đầu ngẩng cao

“Làm tượng rồng rất công phu, đòi hỏi người thợ phải nhẫn nại, tỉ mỉ và có khiếu nghệ thuật.

Để nặn 1 con, tôi đã mất gần 1 tuần và mất 2 tuần để hoàn thiện. Sau khi nặn, tượng được phơi khô và nung trong lò điện”, anh Hoàng nói.

Để nặn 1 con rồng, anh Hoàng mất gần 1 tuần và mất 2 tuần để hoàn thiện

Phần sáng tạo khó nhất chính là đầu rồng. Đây được xem là linh hồn của sản phẩm. Tại đây tập trung nhiều chi tiết như mắt, mũi, râu, miệng, sừng…

Từng đường nét, bộ phận cần sắc sảo, tạo nên vẻ đẹp hình tượng thiêng liêng, cao quý, đầy vẻ uy quyền. Riêng phần mắt, anh Hoàng đã bỏ ra 2 ngày để hoàn thành.

Cùng với đó, những chi tiết như vảy, chân, đuôi… cũng được anh Hoàng chăm chút.

Tượng linh vật rồng được anh Hoàng chăm chút từng chi tiết

“So sánh giữa các linh vật, rồng được xem là khó thực hiện nhất.

Rồng không có thật nên mọi thứ đều phụ thuộc vào những bức hình trên mạng. Cùng với đó, rồng nhiều chi tiết hơn”, anh Hoàng giải thích.

Mỗi bức tượng linh vật năm nay anh Hoàng thực hiện được bán với giá 3,5 triệu

Dự kiến ngày 25 âm lịch, các chú rồng sẽ được trưng bày tại làng gốm Thanh Hà.

Cách nhà anh Hoàng không xa, tại làng gốm Thanh Hà, anh Lê Văn Nhật đang tiến hành những công đoạn cuối cùng của 2 bức tượng rồng do phường đặt.

Năm nay, anh Nhật chuyển đổi kiểu cách, nặn rồng quấn quanh bình gốm có kích thước 70 x 55cm.

Anh Nhật đang thực hiện những công đoạn cuối cùng

“Các công đoạn chính như chọn, nhào đất, nặn cốt, gọt tỉa… mất khoảng 10 ngày.

Hoàn thành việc tạo hình, tôi phơi nắng, sau đó tráng men và cho vào lò điện nung ở 1.200 độ C trong khoảng 14 giờ”, anh Nhật nói.

Anh Nhật chuyển đổi kiểu cách, nặn rồng quấn quanh bình gốm

Cũng như anh Hoàng, anh Nhật cho rằng, khó nhất trong tạo hình rồng vẫn là phần đầu, ánh mắt. Cần tỉ mỉ, để rồng toát lên vẻ dũng mãnh, uy quyền.

Bên cạnh hai chú rồng được anh Nhật thiết kế, năm nay anh còn cho ra lò khoảng 1.000 tò he mang hình dáng 12 con giáp.

Công Sáng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/doc-dao-linh-vat-rong-bang-gom-chao-don-nam-moi-o-hoi-an-2241073.html