Độc đáo Lễ hội Xa mã - Rước kiệu đình Hoàng Châu

Lễ hội Xa mã - Rước kiệu chính là nét văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo chỉ có duy nhất ở Hoàng Châu, Hải Phòng.

Ngày 27/7 (tức ngày 10/6 âm lịch) tại Khu Di tích lịch sử Văn hóa đình - chùa Hoàng Châu (huyện Cát Hải, TP Hải Phòng), đông đảo du khách và người dân đã tham dự Lễ hội truyền thống Xa Mã - Rước kiệu đình Hoàng Châu năm 2023.

Lễ hội Xa mã - Rước kiệu chính là nét văn hóa truyền thống độc đáo chỉ có duy nhất ở Hoàng Châu, Hải Phòng. Đây là lễ hội dân gian lâu đời, thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn" và hội tụ của nhiều giá trị văn hóa của cư dân miền biển.

Lễ hội truyền thống đình Hoàng Châu. Ảnh: haiphong.gov.vn

Lễ hội cũng là 1 trong số 12 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mang giá trị văn hóa đặc sắc, đặc trưng cho cuộc sống của cư dân vùng duyên hải miền Bắc Việt Nam.

Lễ hội được tổ chức từ mùng 9 tháng 6 âm lịch và kéo dài trong 3 ngày, nhằm tưởng nhớ đến công lao của các bậc tiền nhân và cũng là dịp để cầu mong cho một năm mưa gió thuận hòa, tôm cá bội thu.

Vào ngày mùng 10/6 âm lịch diễn ra các nghi thức của Lễ đại tế chính hội. Sau phần khai mạc, các đoàn đại biểu, đại diện các dòng họ và đoàn khách thập phương lần lượt vào dâng hương lễ thánh.

Màn “kiệu bay” đặc sắc. Ảnh: haiphong.gov.vn

Đoàn hành lễ xong cũng là lúc các đội xa mã, rước kiệu đã sẵn sàng. Đây là hoạt động thể hiện tinh thần, sức mạnh thượng võ, tiếng quân reo, tiếng ngựa hý, tiếng trống vang lên, tái hiện lại cảnh rèn luyện, tập trận của binh sĩ thời xưa, mang đậm bản sắc dân tộc, được bảo lưu bao đời cho đến tận ngày nay.

Để bắt đầu xa mã, trai đinh đại diện 12 dòng họ ở Hoàng Châu chia thành 2 giáp, giáp Đông và giáp Tây, mỗi giáp từ 15 - 20 người gồm 3 đình phe và các trai đinh. Hai giáp dàn đội hình trên sân trước cỗ xe ngựa của đội mình. Giáp Đông mặc quần áo màu đỏ, giáp Tây mặc quần áo màu vàng...

Không giống với lễ rước của các làng quê khác đi theo một trật tự nhất định, lễ rước kiệu đình Hoàng Châu do những nam thanh nữ tú thực hiện chạy như bay trên sân đình và đi khắp quanh làng. Người dân địa phương tin rằng, kiệu bay bất định là do thánh thần hiển linh.

Thanh niên trai tráng hai làng Đông và Tây thi kéo ngựa gỗ. Ảnh: haiphong.gov.vn

Sau một hồi bay lượn, các quan rước sẽ cố gắng đưa kiệu về đài tế đặt giữa sân để làm lễ. Đến chiều cùng ngày, đoàn rước đưa kiệu vua ông, vua bà đi tham quan quanh làng rồi ra biển.

Song song các nghi lễ của Lễ hội là các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, cùng nhiều trò chơi dân gian tạo không khí vui tươi, phấn khởi, hào hứng.

Lễ hội Xa mã - Rước kiệu đình Hoàng Châu không chỉ là dịp người dân bày tỏ lòng tri ân sâu tới các vị tiền nhân mà còn là hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh, góp phần tạo sự liên kết cộng đồng và xã hội.

Đình Hoàng Châu được xây dựng từ thế kỷ XVII. Lúc đầu, đình được khởi dựng sát phía bờ biển, nơi có bình độ cao lớn của khu vực. Trải qua thời gian, sự biến đổi về địa chất và nước biển dâng, cùng với việc người Pháp xây dựng cây đèn biển La Vang, nên vào năm Khải Định thứ nhất (1916), nhân dân đã chuyển đình về sâu hơn trong làng như bây giờ. Dấu tích còn lại của ngôi đình ở vị trí cũ hiện vẫn còn chiếc sập đá cổ long chầu nguyệt rất to và nặng, đang bị chìm sâu dưới lớp bùn dày nơi cửa lạch.

Đình Hoàng Châu đã qua nhiều lần được trùng tu, tôn tạo để trở thành một công trình tổng thể phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân. Kiến trúc tổng thể của đình Hoàng Châu giữ nguyên những nét đặc thù của đình làng truyền thống vùng đồng bằng Bắc bộ.

Đình Hoàng Châu đã được xếp hạng và cấp bằng công nhận là Di tích quốc gia năm 2014, Lễ hội Xa mã - Rước kiệu đình Hoàng Châu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doc-dao-le-hoi-xa-ma--ruoc-kieu-dinh-hoang-chau-post258094.html