Độc đáo lễ hội 'Tam đền' tại Tuyên Quang

Lễ hội rước Mẫu tại 'Tam đền' gồm có đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La tại tỉnh Tuyên Quang. Đây là ba ngôi đền ra đời và tồn tại từ lâu đời gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu. Năm 2018, Lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội bắt đầu từ huyền thoại về các Thánh Mẫu vốn là những nàng công chúa con vua, qua du ngoạn thắng cảnh sông Lô mà hiển hóa về trời.

Nhân dân lấy chỗ các nàng hiển hóa lập đền Tam Kỳ (nay là đền Hạ) thờ chị và đền Thượng là nơi thờ em. Thánh mẫu đền Mẫu Ỷ La là do sự thay đổi về vị trí thờ của người chị. Hằng năm, các bà gặp nhau 2 lần vào trung tuần tháng 2 và tháng 7 (âm lịch) và cùng kính cáo lên trời.

Lễ dâng hương bắt đầu chương trình tổ chức tại đền Hạ.

Khi rước bài vị của Mẫu từ đền Thượng và đền Ỷ La về đền Hạ là biểu hiện sự gặp gỡ đoàn tụ, sum họp gia đình của hai chị em Phương Dung và Ngọc Lân công chúa (Thánh Mẫu) được thờ ở trong 3 ngôi đền.

Lễ tế tại đền Hạ.

Lễ hội là nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lâu đời, được tổ chức hằng năm tại thành phố Tuyên Quang và thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh. Năm nay, Ủy ban nhân dân thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang tổ chức khai mạc Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La vào ngày 21/3.

Đoàn rước nối nhau theo phong tục truyền thống.

Ông Đỗ Đình Đạt, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Tuyên Quang cho biết, tục Thờ Mẫu là một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh có từ lâu trong lịch sử và gắn bó mật thiết với người dân Tuyên Quang ở các di tích Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Mẫu Ỷ La.

Lễ rước trên các con đường tại trung tâm thành phố Tuyên Quang.

Ông Nguyễn Tất Lập, Tổ trưởng tổ Quản lý Cụm di tích đền Hạ, đền Kiếp Bạc, thành phố Tuyên Quang, thông tin: "Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La là một trong những lễ hội lớn nhất năm ở thành phố Tuyên Quang. Lễ hội được diễn ra ở ba ngôi đền gồm có Đền Hạ, phường Tân Quang; đền Thượng, xã Tràng Đà và đền Ỷ La thuộc địa phận phường Ỷ La".

Các cô đồng lớn tuổi truyền kinh nghiệm cho những người trẻ khi tham gia lễ.

Lễ hội là dịp để nhân dân các dân tộc thành phố Tuyên Quang thành kính, tỏ lòng tri ân công đức của Thánh Mẫu đối với cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn.

Đồng thời, đây cũng là dịp để người dân đến để bày tỏ khát vọng của mình, cầu cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc, nhân cường, vật thịnh, mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu, nhà nhà an khang thịnh vượng...

Lễ hội được điểm xuyết với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí.

Bà Bùi Phi Nga, du khách đến từ thành phố Hải Dương chia sẻ, dịp này đến Tuyên Quang tham dự lễ hội rước Mẫu, bà cảm thấy rất vui. Không khí thiêng liêng, tôn kính là điều mà mọi người đều cảm nhận được khi được trải nghiệm một hoạt động văn hóa tín ngưỡng được lưu truyền lâu đời.

Người dân "chui kiệu" để cầu bình an, may mắn. Đây là hoạt động được yêu thích nhất tại lễ rước.

Thành phố Tuyên Quang hiện có 14 ngôi đền, trong đó có 12 đền thờ Mẫu. Tuyên Quang còn được coi là nơi thờ chính của Mẫu Thoải - Mẹ Nước lớn nhất cả nước.

Các đền thờ Mẫu tại Tuyên Quang được hình thành sớm và nổi tiếng linh thiêng trong tín ngưỡng thờ Mẫu đây là những điều kiện thuận lợi để Tuyên Quang đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh thu hút khách thăm quan.

Hằng năm, lễ hội thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân và khách du lịch.

Hằng năm, thành phố Tuyên Quang được đón tiếp hàng triệu lượt du khách đến với lễ hội và các ngôi đền linh thiêng trên địa bàn thành phố.

Lễ hội rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La từ lâu đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có của thành phố Tuyên Quang.

Năm rồng nên không thể thiếu màn rước rồng trên các con phố.

Đây cũng là dịp giới thiệu, quảng bá, tôn vinh, phát huy các giá trị văn hóa, các di tích cấp quốc gia của thành phố Tuyên Quang với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế, góp phần vào sự phát triển chung của ngành du lịch Tuyên Quang.

Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025 sẽ đón hơn 2,6 triệu lượt khách. Tổng thu từ du lịch hơn4.000tỷ đồng, đóng góp cho GRDP khoảng 5% và tạo việc làm cho khoảng20.000 lao động.

Trong thời gian diễn ra lễ hội có những hoạt động đặc sắc như Khai mạc Liên hoan trình diễn thực hành nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của Người Việt năm 2024; tổ chức thi mâm cỗ của các tổ dân phố và các cơ quan đơn vị trường học trên địa bàn phường Tân Quang; tổ chức các trò chơi dân gian và các hoạt động thể thao.

Lễ hội diễn ra đến hết ngày 25/3 (tức 16/2 âm lịch).

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/anh-doc-dao-le-hoi-tam-den-tai-tuyen-quang-post800897.html