Độc đáo khai bút, xin chữ đầu xuân

Mỗi dịp tết đến, xuân sang, trên khắp phố phường, nhiều ông đồ lại bày mực tàu, giấy đỏ, bút nghiên, khai bút đầu năm và niềm nở đón người đi xin chữ. Những nét chữ phượng múa rồng bay chứa đựng ước vọng về năm mới nhiều thuận lợi, may mắn và bình an. Phong tục khai bút, xin chữ đầu xuân đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong những ngày năm mới.

Từ lâu, người xin chữ thường chọn ngày tốt, thậm chí có nhiều người còn cẩn thận chọn hướng tốt, giờ tốt để xuất hành xin chữ đầu năm. Ông đồ cho chữ thường là nho sĩ, thầy giáo, hiền tài đức độ, học rộng hiểu nhiều, viết chữ đẹp. Những ước vọng tốt đẹp trong năm mới được thể hiện trên từng nét bút phượng múa rồng bay. Người xin chữ vừa mong được thầy đồ chúc phúc vừa mong đời sống được ứng nghiệm với câu, chữ mình xin.

Ông đồ Lê Quang Thỷ, hội viên Chi hội Mỹ thuật, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Phước cho biết, một năm có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông, mỗi mùa một thức, một vẻ đẹp riêng nhưng mùa xuân là mùa khởi đầu, vì thế, dân gian xin chữ vào những ngày đầu xuân mới với mong muốn có khởi đầu như ý, vạn sự hanh thông. Từ nhiều năm nay, người có tuổi thường thích xin các chữ như “Phúc, Lộc, Thọ, An, Tâm… Người đi học thường xin chữ “Nhân, Trí, Tài, Nhẫn, Đạt… Người làm công việc buôn bán, kinh doanh thì xin chữ “Hưng, Thịnh, Phát, Tài… Nam thanh nữ tú mong muốn may mắn trong tình duyên thì xin chữ: Danh, Duyên, Hiếu, Trung… Chữ được viết trên nền giấy màu đỏ, bởi màu đỏ là màu rực rỡ nhất, là màu của sự sống và sự tái sinh, biểu tượng của sự may mắn.

“Khi viết chữ trên giấy điều, chúng tôi thầm cầu mong những điều tốt đẹp đến với người nhận, cầu mong năm mới bình an, sung túc hơn, đặc biệt tất cả chúng ta sẽ vượt qua đại dịch” - ông đồ Lê Quang Thỷ chia sẻ.

Ông đồ Lê Quang Thỷ (áo dài đỏ) và bức thư pháp dịp đầu xuân Nhâm Dần 2022

Ông đồ Lê Quang Thỷ (áo dài đỏ) và bức thư pháp dịp đầu xuân Nhâm Dần 2022

Tục xin chữ - cho chữ đầu xuân sớm không rõ bắt đầu từ khi nào, nhưng có lẽ bắt nguồn từ chính những bậc hiền tài, hiếu học, hay chữ, trân trọng “nét chữ nết người”. Vì vậy, tục lệ xin chữ, cho chữ ngày xuân như hành động trao, nhận sự may mắn, phước lành. Mỗi người mỗi ý tứ, mong muốn xin chữ khác nhau nhưng tựu trung lại đều cầu mong những điều tốt lành, an vui từ trong tâm hồn cũng như thể hiện sự tôn trọng với nét chữ, nét hồn của dân tộc.

Ngoài xin chữ mang ý nghĩa là mục tiêu, ước vọng người xin chữ thì một số người xin chữ được thầy đồ xem xét tâm tư nguyện vọng mà cho chữ thích hợp. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Phước cho biết, mỗi nét chữ được thầy đồ viết ra bằng cả Trí - Thần - Lực của thầy đồ nên ngoài ý nghĩa câu chữ còn là tác phẩm nghệ thuật thư pháp. “Các ông đồ ngày xưa xúng xính trong những bộ trang phục áo dài, ngồi ngay ngắn bên Tứ bảo, tức bút lông, mực, nghiên mực và giấy viết, khoan thai thảo từng nét bút, mỗi nét chữ mang cả tâm tình, gửi gắm của người viết. Xin chữ đầu xuân mới, cùng với khai bút đầu năm là phong tục, nét văn hóa đẹp của dân tộc Việt Nam ta, rất cần duy trì và phát huy” - ông Quang cho hay.

Năm nào cũng vậy, gia đình anh Nguyễn Quang Nhật ở Tiến Hưng, Đồng Xoài, đều có truyền thống là đi vãn cảnh chùa, hái lộc và xin chữ đầu năm. Anh Nhật chia sẻ: “Sáng sớm mồng 1 tết, vợ chồng con cái sau khi chúc tết ông bà xong sẽ đi du xuân và xin chữ. Năm học tới, con trai đầu sẽ vào lớp 1, nên hai vợ chồng càng muốn con mình tham gia vào hoạt động này, con sẽ ý thức hơn trong việc học hành, hiếu thảo, ngoan ngoãn, yêu cái đẹp và nhất là mong muốn duy trì truyền thống của gia đình”.

Khai bút, cho chữ đầu năm trong bối cảnh “bình thường mới”

Khai bút, cho chữ đầu năm trong bối cảnh “bình thường mới”

Chị Nguyễn Trà Hồng Ân, phiên dịch viên Công ty TNHH Leoch Battery (Việt Nam) tại huyện Chơn Thành cho rằng, việc khai bút, xin chữ đầu xuân không chỉ là nét văn hóa đẹp cần lưu giữ qua các thế hệ, mà đối với các ông đồ đã có tuổi hay những ông đồ trẻ thì việc rèn chữ, luyện thư pháp là không bao giờ dư thừa bởi đó có thể coi là một hình thức để rèn nhân cách. Từ cách cầm bút, mài mực cho đến viết chữ lên giấy đều cần một sự tập trung nhất định, có tâm thái vững vàng, "bình tâm tĩnh khí"; theo từng nét mà cấu tứ, bố trí... “Cho trẻ em tham gia vào hoạt động khai bút, xin chữ sẽ giúp phụ huynh thấu hiểu, nắm bắt tâm tư con, qua đó, cùng học cùng chơi, giáo dục con nhẹ nhàng hơn. Khi xin chữ, trẻ sẽ có ý thức noi theo ý nghĩa của chữ, đời sống tốt đẹp của các ông đồ” - chị Hồng Ân bày tỏ.

Hằng năm, phong tục xin và cho chữ đầu năm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống trong những ngày đầu xuân. Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lần đầu tiên trong lịch sử, các ông đồ đã cho chữ online trong hội chữ xuân. Các ông đồ vẫn áo the khăn xếp nhưng đã "hội nhập" xu thế mới của thời đại 4.0 trên nền tảng zoom online. Điểm nổi bật của hình thức trực tuyến này là không chỉ người dân đang ở Việt Nam mà cộng đồng người con xa quê, các du khách nước ngoài đều có thể vào các nền tảng website, fanpage “duxuanonline.com” để xin chữ đầu xuân.

Ông Trần Đức Xuân ở huyện Phú Riềng chia sẻ, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân hạn chế ra ngoài nhưng ông vẫn có không gian để chiêm ngưỡng những bức thư pháp độc đáo. “Mình có thể “xin chữ đầu xuân” ngay tại nhà, xin cho cả các con, cháu, vừa an toàn vừa lưu giữ nét văn hóa cổ truyền của dân tộc, vừa giáo dục được con cháu thông qua ý nghĩa của các bức thư pháp” - ông Xuân bày tỏ.

Mùa xuân mới đã về, mai đào khoe thắm và người người lại rủ nhau xin chữ cầu may đầu năm. Theo dòng chảy thời gian và sự chuyển biến của xã hội, thích ứng an toàn với dịch bệnh nhưng người dân nhiều thế hệ vẫn nhớ, mặn mà với tục khai bút, xin chữ, cho chữ đầu xuân thực sự là điều đáng mừng, rất cần được bảo tồn và phát huy theo đúng với ý nghĩa nhân văn của phong tục này.

Đào Bằng

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/130423/doc-dao-khai-but-xin-chu-dau-xuan