Độc đáo guồng nước bên suối của đồng bào dân tộc Thái

Không chỉ là ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, những chiếc guồng nước còn là biểu tượng của nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái ở các huyện vùng cao Thanh Hóa.

Công trình thủy lợi

Theo người dân ở bản Bách, xã Trung Thượng, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, không ai rõ guồng nước có từ bao giờ, chỉ biết nó được cha ông ta sáng tạo ra và truyền qua bao thế hệ, gìn giữ và bảo tồn cho đến ngày nay.

Guồng nước được làm hoàn toàn thủ công, có hình tròn, giống như một chiếc bánh xe và quay quanh một cái trục cố định được chôn chắc chắn

Guồng nước không đơn thuần là một công trình thủy lợi mà nó còn là bản sắc văn hóa độc đáo của người dân bản Bách và là đặc trưng của người vùng cao Thanh Hóa.

Theo những người dân nơi đây kể lại, trước kia, ở bản nào cũng có guồng nước bởi bản nào cũng ở gần suối. Việc đưa nước suối về bản, về ruộng đồng là rất khó khăn, sức người có quần quật ngày đêm cũng không xuể, vì thế, guồng nước đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống người dân. Guồng nước thay sức người, chính vì thế nó rất được coi trọng.

Vị trí những chiếc guồng được dựng bên suối thường xuất hiện nhiều cá, chính vì thế người dân thường xuyên mang chài lưới ra gần khu vực này để đánh bắt. Nhờ guồng nước, bà con vùng cao Thanh Hóa vẫn có đủ nước để sản xuất.

Nhờ phương pháp lấy nước này mà những chiếc guồng nước trở thành một nét văn hóa đặc trưng tại nhiều bản làng vùng cao của Thanh Hóa

Hàng năm, mỗi khi chuẩn bị vào mùa vụ mới, người ta lại tu bổ lại guồng nước cho thêm phần chắc chắn. Vì thế, dù dãi nắng dầm mưa giữa đất trời nhưng guồng nước không bị hư hỏng.

Vật liệu dễ kiếm

Cũng theo người dân ở xã Tam Văn, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa guồng nước được làm từ vật liệu tự nhiên, nhưng cách làm nó rất công phu, tỉ mỉ, đòi hỏi tay nghề cao của những người thợ.

Vật liệu thì lấy từ núi rừng, quan trọng hàng đầu là phải chọn được một thanh gỗ thẳng có khả năng chịu nước tốt để làm trục giữa của guồng nước.

Dụng cụ làm ra những "cỗ máy" khổng lồ này chủ yếu là tre, luồng, vầu

Sau đó là đến những cây vầu già thân thẳng, nhỏ làm nang guồng. Tùy kích thước của guồng mà lựa số nang và độ dài, ngắn của nang cho phù hợp. Một chiếc guồng trung bình có từ 36 đến 40 nang, mỗi nang dài chừng 1 đến 1,5 mét.

Với cánh quạt của guồng, người ta thường dùng nứa, còn thì những cây vầu già nhỏ và dài sẽ được dùng để cố định vòng ngoài để không bị xô lệch khi quay.

Một guồng nước gồm 3 thành phần chính là trục giữa, nang guồng và cánh quạt. guồng nước phải chắc chắn nhưng cũng phải nhẹ, để dễ dàng chuyển đi nơi khác phù hợp hơn để lắp đặt lại.

Guồng cũng phải được tính toán sao cho thật cân đối để có thể quay đều và tải nước tốt. Tuy nhiên, công đoạn quan trọng nhất trong việc làm cọn là việc đặt và bố trí những ống đựng nước.

Những chiếc guồng nước khổng lồ được nhiều bản làng vùng cao Thanh Hóa chế tạo để lấy nước vào đồng ruộng, phục vụ cày cấy

Guồng nước không ầm ầm tiếng máy, không hao tốn nhiên liệu hay điện năng như những chiếc máy bơm, nhưng giá trị của nó thì không hề thua kém. Guồng nước chính là những bánh xe khổng lồ nhẹ nhàng quay hết ngày này sang ngày khác, như một "động cơ vĩnh cửu".

Guồng nhỏ thì đường kính 2,5 mét, lớn thì đường kính tới 5 - 10 mét, nó chính là biểu hiện của văn minh nông nghiệp một thời của bà con vùng cao.

Tới nay, cuộc sống thay đổi, các công cụ máy móc dùng để lấy nước nhiều hơn, thuận lợi hơn, nhanh chóng hơn. Vì thế, những guồng nước cũng ít dần đi. Nhưng đối với người vùng cao ở Thanh Hóa guồng nước vẫn là một biểu tượng văn hóa của người Thái.

Cùng với nếp nhà sàn truyền thống, nghe tiếng thanh lách cách đưa trên khung cửi, tiếng rầm rì của những chiếc guồng nước quay ngày đêm hòa quyện tạo thành bản nhạc làng quê thơ mộng, yên bình... góp phần tạo nên nét đẹp rất riêng cho cảnh sắc của núi rừng xứ Thanh.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doc-dao-guong-nuoc-ben-suoi-cua-dong-bao-dan-toc-thai-post254065.html