Độc đáo Đội Cồng chiêng thôn Hòa Ngãi

Một tiết mục biểu diễn cồng chiêng của Đội Cồng chiêng thôn Hòa Ngãi. Ảnh: NGÔ XUÂN

Những năm qua, người dân thôn Hòa Ngãi (xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa) vẫn nỗ lực duy trì hoạt động của đội văn nghệ cồng chiêng, nhằm lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của người dân tộc Chăm ở đây.

Năm 2012, Đội Cồng chiêng thôn Hòa Ngãi chính thức được thành lập, do ông Y Hiến làm đội trưởng. Đội có hơn 20 thành viên, đều là người đồng bào Chăm. Trong đó, những người lớn tuổi đảm nhiệm chơi trống, cồng, chiêng, xẹ; những người trẻ tập các điệu múa truyền thống của người Chăm. Trước đây, đội cồng chiêng này thường xuyên luyện tập khoảng 1-2 tháng/lần. Hầu như mọi hoạt động sinh hoạt cộng đồng, lễ hội truyền thống, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ của xã Sơn Định đều có sự góp mặt của Đội Cồng chiêng thôn Hòa Ngãi.

Ông Y Hiến, 59 tuổi, Đội trưởng Đội Cồng chiêng thôn Hòa Ngãi cho biết: Ngày trước, trong mỗi dịp lễ hội, năm mới, ngày quan trọng của dân làng đều không thể thiếu các điệu cồng chiêng quen thuộc. Bản thân tôi vì đam mê tiếng chiêng, tiếng trống mà đi theo người lớn tham dự tất cả các lễ hội, mày mò học hỏi cách chơi các nhạc cụ này. Đến khi thành thục, tôi cùng một số người lớn tuổi ở Hòa Ngãi tìm cách phục hồi lại đội cồng chiêng để cùng nhau gìn giữ và truyền đạt lại cho các con, cháu đời sau. Hiện nay, chỉ có một số bạn trẻ có tâm huyết là biết một chút về cách đánh chiêng, chơi trống; tôi rất mong có điều kiện bồi dưỡng, đào tạo cho các cháu biết và giữ gìn nét văn hóa truyền thống của ông bà xưa.

Ông La Lang Tiến, Trưởng thôn Hòa Ngãi, cho biết: Nhiều năm qua, đội cồng chiêng đã trở thành linh hồn của người dân tộc Chăm ở thôn Hòa Ngãi. Trước đây, chính quyền địa phương cũng hỗ trợ kinh phí mua một bộ nhạc cụ, gồm: 2 trống, 3 cồng, 5 chiêng và 26 bộ trang phục dân tộc; đồng thời hỗ trợ chi phí để các thành viên luyện tập, biểu diễn. Tuy nhiên, 3 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các hoạt động luyện tập, biểu diễn bị hạn chế; một số trang thiết bị, nhạc cụ bị hư hỏng, mai một. Mặc dù vậy, các thành viên đội cồng chiêng vẫn nỗ lực duy trì hoạt động và mong muốn được hỗ trợ kinh phí để mua bổ sung thêm một số nhạc cụ đã xuống cấp; hỗ trợ kinh phí luyện tập, duy trì và phát triển nghệ thuật cồng chiêng - một nét văn hóa đặc trưng của người dân tộc Chăm tại thôn Hòa Ngãi.

KHÁNH QUỲNH

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/276550/doc-dao-doi-cong-chieng-thon-hoa-ngai.html