Doanh số bán tiểu thuyết kinh dị bùng nổ

Trong thời đại nhiều lo âu, thể loại này giờ đây chạm đến nhiều chủ đề nóng như chiến tranh, chính trị, cảm giác bất lực... và doanh số bán tiểu thuyết kinh dị đã tăng hơn 54%.

Yeji Y Ham, tác giả tiểu thuyết kinh dị The Invisible Hotel. Ảnh: Kim Ji-hye/Atlantic Books.

Tờ The Guardian cho rằng tiểu thuyết kinh dị đang ở thời kỳ đỉnh cao, với doanh số bán tăng vọt so với cùng kỳ năm 2023.

Theo báo cáo của Bookseller, từ năm 2022 đến năm 2023, doanh số bán tiểu thuyết kinh dị đã tăng 54% về giá trị, lên 7,7 triệu bảng Anh - doanh thu lớn nhất đối với thể loại này kể từ khi Nielsen BookScan bắt đầu thu thập dữ liệu. Theo đó, trong ba tháng đầu năm 2024, doanh số bán sách có giá trị cao hơn 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nhà văn và người làm xuất bản cho rằng sự bùng nổ này có một phần lý do là tính chính trị của thể loại này.

Jen Williams, tác giả cuốn tiểu thuyết The Hungry Dark (tạm dịch: Bóng tối đói khát), cho biết: “Kinh dị là một thể loại luôn biến đổi theo thực trạng thế giới, tạo ra một tấm gương phản chiếu những mặt tối, những nỗi kinh hoàng trong thế giới thực”.

Ông nhận định: “Chúng ta đang ở trong thời kỳ nhiều biến động với những sự kiện gây hoang mang như chiến tranh, đại dịch, biến đổi khí hậu, việc thể loại kinh dị đang được chú ý lại và thậm chí còn tiếp cận được lượng khán giả lớn hơn thật đáng ngẫm”.

Joanna Lee, biên tập viên của Atlantic Books, cho biết thể loại này có yếu tố thời cuộc. Bà chia sẻ thêm rằng trong những cuốn sách như The Invisible Hotel (tạm dịch: Khách sạn tàng hình) của Yeji Y Ham, yếu tố kinh dị được sử dụng để “đương đầu với việc phải sống ẩn dật giữa một cuộc chiến không dài”, các yếu tố “hoang dại, gây khó chịu” của tthơhể loại này giúp lột tả những sự thật khó dãi bày ở thế giới thực.

Theo Suzie Dooré, Tổng biên tập của Borough Press, trong khi các chuyên gia thường cho rằng độc giả sẽ tìm kiếm những chủ đề tươi sáng hơn trong thời kỳ đen tối, "điều này cho thấy xu hướng ngược lại. Có lẽ, chứng kiến những trải nghiệm kinh hoàng, những chấn thương của nhân vật trong sách phần nào giúp độc giả đương đầu với trải nghiệm thật của chính mình.

Bìa tiểu thuyết Freakslaw của Jane Flett. Ảnh: Penguin UK.

Nhiều tác phẩm kinh dị đương đại cũng chứa nhiều yếu tố nữ quyền rõ nét, như Just Like Mother (tạm dịch: Như là mẹ) của Anne Heltzel. Theo Sarah Stewart-Smith, một CEO tại Verve Books, thể loại này đã trải qua một cuộc “hóa thân”, rời xa “phong cách kinh dị cổ điển” của các nhà văn như Stephen King. Thực tế, các chủ đề quen thuộc như tình mẹ, sự đồng thuận hay sự cưỡng bức trong mối quan hệ đang nhận được sự quan tâm lớn của độc giả.

Độc giả bị thu hút bởi những câu chuyện cho thấy cơn thịnh nộ của phụ nữ, màn "tức nước vỡ bờ" của những kẻ yếu thế, bị gò ép, kìm kẹp trong thời gian dài. Và thể loại kinh dị là sân chơi hoàn hảo cho những nhân vật kiểu này.

Jane Flett, tác giả cuốn tiểu thuyết Freakslaw (tạm dịch: gánh xiếc quái dị Freakslaw), đồng ý rằng niềm đam mê dành cho tiểu thuyết kinh dị là một phản ứng chống lại “những đau thương mà chúng ta trải” trong những năm gần đây.

Bà chia sẻ: “Khi cuộc sống có nhiều gian khó, ta bỗng tìm thấy một cảm giác thoải mái đến lạ khi được rúc mình vào bóng tối. Cụ thể hơn, đối với tôi, thể loại kinh dị mang đến một không gian nơi tôi, với tư cách là một tác giả, có thể bày tỏ cả sức mạnh lẫn nỗi bất lực rất đời của mình. Tôi cảm thấy nhẹ lòng khi có thể thoải mái dựa mình vào những cảm xúc đó, nhất là khi xã hội dường như luôn muốn tước đoạt quyền tự chủ cảm xúc của ta”.

Minh Hùng

Nguồn Znews: https://znews.vn/doanh-so-ban-tieu-thuyet-kinh-di-bung-no-post1468989.html