Doanh số bán lẻ tháng 9 của Mỹ khiến giới đầu tư thận trọng

Chứng khoán Mỹ trái chiều trong phiên thứ Ba (17/10) khi đón nhận dữ liệu doanh số bán lẻ tháng 9 cao hơn dự báo, làm tăng khả năng Fed có thể tăng lãi suất vào năm sau.

Doanh số bán lẻ của Mỹ tăng cao hơn dự kiến trong tháng 9 khi các hộ gia đình tăng mua ô tô và chi tiêu nhiều hơn tại các nhà hàng và quán bar, củng cố kỳ vọng rằng tăng trưởng kinh tế sẽ tăng tốc trong quý III.

Cụ thể, doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng 0,7% trong tháng 9. Trong khi dữ liệu được điều chỉnh cho tháng 8 cho thấy doanh số bán lẻ tăng 0,8% thay vì 0,6% như báo cáo trước đó. Các nhà kinh tế dự báo doanh số bán lẻ chỉ tăng 0,3% trong tháng 9.

Sức mạnh bền bỉ của nền kinh tế đã bất chấp những lo ngại kể từ cuối năm 2022 về khả năng xảy ra suy thoái trong năm nay.

Goldman Sachs đã nâng ước tính tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ trong quý III lên 4%, đây sẽ là mức tăng nhanh nhất kể từ cuối năm 2021.

Tiếp nối tình hình việc làm mạnh mẽ và giá tiêu dùng trong tháng 9, các báo cáo này làm tăng nguy cơ Fed tăng lãi suất vào tháng 12 hoặc tháng 1 năm tới. Phản ánh dự báo này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức gần 4,85%, cao nhất gần 2 tuần và cách không xa mức đỉnh của 16 năm thiết lập vào đầu tháng này.

Ở những nơi khác, cổ phiếu Bank of America tăng 2,3% sau khi công bố kết quả kinh doanh quý vừa qua khả quan hơn kỳ vọng, góp phần đưa nhóm cổ phiếu tài chính S&P 500 tăng 0,6% và trở thành nhóm tăng tốt nhất trong phiên này.

Mùa báo cáo tài chính mới ở giai đoạn bắt đầu nhưng trong số các doanh nghiệp đã báo cáo, có 83% đạt lợi nhuận tốt hơn dự báo và 70% đạt doanh thu tốt hơn dự báo - theo dữ liệu từ FactSet.

Kết thúc phiên 17/10: Chỉ số Dow Jones tăng 13,11 điểm (+0,03%), lên 33.997,65 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,43 điểm (-0,00%), xuống 4.373,20 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 34,24 điểm (-0,25%), xuống 13.533,75 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm, khi một loạt báo cáo thu nhập ảm đạm và lợi suất trái phiếu chính phủ tăng đã lấn át khả năng xung đột Trung Đông có thể được hạ nhiệt.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,1% xuống 449,76 điểm.

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ có chuyến thăm cấp cao tới Israel vào thứ Tư để thể hiện sự ủng hộ đối với cuộc chiến chống Hamas.

"Điều này chỉ đưa ra một bức tranh về các thị trường đang đặt cược vào thực tế rằng cuộc xung đột này sẽ không trở nên tồi tệ hơn", Daniela Hathorn, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Capital.com cho biết.

Nhưng Áp lực lên thị trường phiên này đến từ lợi suất trái phiếu khu vực đồng euro tăng cao hơn, sau khi doanh số bán lẻ của Mỹ vượt ước tính.

Trong số các cổ phiếu riêng lẻ, Ericsson giảm 5,9% xuống mức thấp nhất trong sáu năm, sau khi lợi nhuận quý vừa qua không đạt kỳ vọng và công ty đánh dấu sự không chắc chắn về sự phục hồi của hoạt động kinh doanh mạng di động.

Cổ phiếu của công ty viễn thông khác là Nokia giảm 2,8%, kéo theo chỉ số phụ theo dõi ngành giảm 0,8%.

Cổ phiếu Nordic Semiconductor giảm 20,1% do dự báo doanh thu quý IV của nhà sản xuất chip Na Uy không đạt kỳ vọng.

Chỉ số hàng không vũ trụ và quốc phòng là nhóm ngành tăng mạnh nhất, tăng 1,2%, khi Rolls-Royce tăng 1% sau khi công ty kỹ thuật Anh cắt giảm tới 2.500 vị trí lao động.

Kết thúc phiên 17/10: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 44,58 điểm (+0,58%), lên 7.675,21 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 13,70 điểm (+0,09%), lên 15.251,69 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 7,55 điểm (+0,11%), lên 7.029,70 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản đã hồi phục, nhờ tín hiệu từ Phố Wall đêm qua khi sự lạc quan của nhà đầu tư về mùa báo cáo kết quả kinh doanh đã vượt qua những lo ngại về cuộc xung đột ở Gaza.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,2% lên 32.040,29 điểm. Chỉ số Topix rộng hơn tiến 0,82% lên 2.292,08

"Quan điểm của tôi là thu nhập ở cả Nhật Bản và Mỹ sẽ mạnh trong quý này và điều đó có khả năng hỗ trợ giá cổ phiếu và dự đoán chỉ số sẽ tăng lên 35.000 điểm vào cuối tháng 3 năm sau khi thị trường kết thúc năm tài chính”, Kenji Abe, một nhà phân tích tại Daiwa Securities cho biết.

Cổ phiếu công nghệ Nhật Bản, vốn đã bị bán tháo mạnh mẽ vào hôm qua đã hồi phục mạnh mẽ, với Tokyo Electron tăng 2,4%. Advantest tăng 1,2% và Lasertec tăng 1,5%, SoftBank Group tăng 2,7%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, sau khi hàng chục công ty Trung Quốc công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ để thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,32% lên 3.083,50 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,35% lên 3.639,40 điểm.

Hàng chục công ty niêm yết tại Trung Quốc vào cuối ngày đã công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu hoặc loại bỏ kế hoạch bán cổ phiếu mới, sau một loạt các biện pháp mà chính quyền đã thực hiện để thúc đẩy thị trường chứng khoán đang suy yếu.

Dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III của Trung Quốc, dự kiến công bố vào thứ Tư sẽ cho thấy tăng trưởng chậm lại khi nhu cầu trong và ngoài nước chững lại, theo một cuộc thăm dò của Reuters.

"Kinh tế Trung Quốc đã có dấu hiệu ổn định... Tuy nhiên, những dấu hiệu này có thể là do hiệu ứng cơ bản, yếu tố giá hoặc sai lệch mẫu", Ting Lu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura cho biết.

"Việc chạm đáy của thị trường chứng khoán Trung Quốc cuối cùng phụ thuộc vào sự cải thiện thực sự của dữ liệu kinh tế", Vanho Securities cho biết trong một lưu ý.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, sau khi các quan chức Mỹ và Trung Quốc tăng cường các nỗ lực ngoại giao để giúp ngăn chặn cuộc chiến Israel-Hamas lan sang một cuộc xung đột khu vực.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,75% lên 17.773,34 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,71% lên 6.092,55 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc hồi phục, khi các nhà sản xuất chip lớn tăng điểm với hy vọng nhu cầu phục hồi và lực mua của nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong ba tháng.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 23,93 điểm, tương đương 0,98% lên 2.460,17 điểm.

Nhà sản xuất chip Samsung Electronics tăng 3,12% và SK Hynix tăng 4,75%, dẫn đầu mức tăng trên chỉ số chuẩn.

Nhà đầu tư nước ngoài đã mua 427,9 tỷ won (316,15 triệu USD) cổ phiếu Hàn Quốc, chấm dứt chuỗi bán ròng 14 phiên liên tiếp.

Về mặt kinh tế vĩ mô, sự chú ý của nhà đầu tư đang đổ dồn vào cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc vào thứ Năm, tại đó ngân hàng trung ương dự kiến sẽ giữ lãi suất chính sách không đổi với xu hướng diều hâu, theo một cuộc khảo sát của Reuters.

Kết thúc phiên 17/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 381,26 điểm (+1,20%), lên 32.040,29 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 9,68 điểm (+0,32%), lên 3.083,50 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 132,98 điểm (+0,75%), lên 17.773,34 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 23,93 điểm (+0,98%), lên 2.460,17 điểm.

Giá dầu Brent tăng nhẹ khi các nhà đầu tư chờ đợi xem liệu các nỗ lực ngoại giao của Mỹ và chuyến đi của Tổng thống Joe Biden tới Israel có ngăn xung đột ở Trung Đông mở rộng hay không.

Kết thúc phiên 17/10, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ đứng tại 86,86 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,25 USD/thùng (+0,28%), lên 89,9 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-so-ban-le-thang-9-cua-my-khien-gioi-dau-tu-than-trong-post331989.html