Doanh nhân Việt Nam cần tiến tới chuẩn mực toàn cầu

Để tạo đà phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần phải định vị được những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, vươn tới chuẩn mực toàn cầu và kinh doanh vì con người.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2016. Ảnh: H.Dịu

Đây là ý kiến của các đại biểu, chuyên gia và doanh nghiệp tại Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2016 với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam vươn tới chuẩn mực toàn cầu” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Hà Nội vào ngày 11-10 nhân dịp kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam 13-10.

Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng, thời gian qua, đội ngũ doanh nghân Việt Nam từng bước góp phần vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế. Mỗi năm, các doanh nghiệp đóng góp 40% GDP, tạo việc làm cho người lao động, góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cho đất nước.

Song trong bối cảnh đất nước hội nhập với nhiều nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tạo được thương hiệu và đẳng cấp cao trong khu vực và trên thế giới. Với đa phần doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, độ chuyên nghiệp và quản trị kinh doanh chưa có sự bài bản nên việc vươn tới chuẩn mức toàn cầu là điều còn khó khăn.

Bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sông Đuống cho rằng, để hội nhập, doanh nghiệp phải nâng cao trình độ, cập nhật đầy đủ thông tin và kiến thức, tìm hiểu về luật pháp, quy định không chỉ trong nước mà cả quốc tế, để hoạt động sản xuất, giao thương với đối tác nước ngoài được thuận lợi hơn.

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định, Việt Nam cần định vị lại nền kinh tế, định vị lại các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của các doanh nghiệp trong bối cảnh của hai cuộc cách mạng: hội nhập và công nghiệp lần thứ 4. Theo đó, các lĩnh vực kinh tế dịch vụ, thương mại, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin sẽ là những định hướng phát triển quan trọng.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ có thể coi là những nghị quyết có ý nghĩa khởi nghiệp. Chính phủ đang cố gắng nâng bậc thứ hạng cạnh tranh với các nền kinh tế ASEAN và toàn cầu.

Do đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng phải nâng cấp, đột phá để thích ứng với môi trường kinh doanh mới. Chính phủ quyết bỏ “xin cho”, doanh nghiệp chống “quan hệ” đang là xu hướng chính của công cuộc cải cách để hình thành một Chính phủ kiến tạo, phục vụ và một cộng đồng doanh nghiệp liêm chính, có sức cạnh tranh cao.

Cũng nhấn mạnh vai trò của các doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh hội nhập hiện nay, ông Chang Hee Lee, Giám đốc Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, doanh nhân cũng là những nhà cải cách, cải thiện năng suất, đóng góp cho sự phát triển kinh tế toàn cầu, đóng góp cho sự phát triển kinh tế bền vững. Vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp sẽ rõ ràng hơn khi Việt Nam hội nhập.

Bởi vậy, quá trình hội nhập toàn cầu là nhân tố chính để thúc đẩy kinh tế, giúp tăng đầu tư, tiếp cận thị trường… Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối măt vứi những thách thức lớn. Bởi hiện nay, trong nhiều ngành công nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nằm ở điểm cuối thấp trong chuỗi giá trị, phải đối mặt với thách thức về tuân thủ…

Cũng tại diễn đàn, các diễn giả cũng chia sẻ về tăng cường hoạt động cạnh tranh của doanh nghiệp trong các hoạt động mua bán sáp nhập; phát triển doanh nghiệp với nền kinh tế xanh; xây dựng Đại học trong doanh nghiệp… nhằm giúp doanh nghiệp phát triển một cách bền vững trong bối cảnh hội nhập.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/doanh-nhan-viet-nam-can-tien-toi-chuan-muc-toan-cau.aspx