Doanh nhân trẻ 'vượt bão' phát triển kinh tế

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cùng với những biến động phức tạp của tình hình kinh tế, chính trị, an ninh thế giới đã tác động tới hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp trẻ trong tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, với sự năng động, nhạy bén, nhiều doanh nhân trẻ đã chèo lái con thuyền doanh nghiệp 'vượt bão', đem lại hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trung tâm Anh ngữ Quốc tế Campus Ninh Bình do doanh nhân trẻ Phạm Thị Ngọc Hà làm chủ đang tạo việc làm cho trên 40 lao động.

Trong điều kiện nền kinh tế trong nước đang gặp nhiều khó khăn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, sức mua trên thị trường bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp trẻ đã và đang phải tìm cho mình những hướng đi phù hợp để duy trì hoạt động, tạo việc làm cho người lao động.

Chị Tống Thị Thủy, Phó Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và phân phối thực phẩm An Phú (xã Kim Chính, huyện Kim Sơn) cho biết: Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, trong những tháng đầu năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt với những áp lực lớn khi chi phí vận chuyển, vật tư đầu vào tăng, nhu cầu tiêu dùng từ thị trường giảm mạnh...

Để doanh nghiệp "vượt bão", Công ty đề ra nhiều giải pháp ứng phó, ngoài sản phẩm chính là cơm cháy chà bông, nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng, Công ty còn cung cấp ra thị trường sản phẩm cơm cháy khô để người dùng chế biến và thưởng thức theo sở thích. Đồng thời, cung cấp sản phẩm thô cho các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, sản phẩm OCOP cơm cháy vẫn đảm bảo lượng tiêu thụ. Ngoài ra, Công ty tập trung vào việc phát triển thương hiệu, đổi mới công nghệ.

Cũng thích ứng với tình hình khó khăn chung, chị Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Anh ngữ Quốc tế Campus Ninh Bình cho biết: Là một trung tâm ngoại ngữ, Trung tâm gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh thị trường. Tuy nhiên, trong khó khăn luôn có cơ hội, Trung tâm xem đây là dịp để ổn định lại bộ máy và linh hoạt hơn trong hoạt động. "Chúng tôi luôn cập nhật những sản phẩm mới, những chương trình phù hợp đối với khách hàng. Đặc biệt là nâng cao chất lượng dịch vụ, làm cho khách hàng tin tưởng, gia tăng giá trị của khách hàng. Trung tâm có kế hoạch tăng cường marketing, tìm kiếm khách hàng mới. Từ đó, vượt qua giai đoạn khó khăn, hoạt động của Trung tâm có nhiều khởi sắc", chị Hà chia sẻ. Trung tâm Anh ngữ Quốc tế Campus Ninh Bình hiện nay có 3 cơ sở trong tỉnh, với trên 600 học sinh, độ tuổi từ 4 - 16 tuổi, tạo việc làm cho 40 giáo viên và người lao động.

Anh Phạm Tiến Duật, Phó Giám đốc Công ty TNHH dược liệu Vũ Gia, xã Gia Lâm, huyện Nho Quan cho biết: Công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng khoa học công nghệ nên chi phí đầu tư cao và kéo dài là thử thách lớn. Để vượt qua khó khăn, Công ty đã phát triển đa dạng các dòng sản phẩm, tập trung chuẩn hóa các khâu trong quá trình sản xuất, từ khâu chọn giống, trồng trọt, chăm sóc và chế biến… Tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, tiếp cận khách hàng thông qua các nền tảng số, tiêu thụ sản phẩm qua các kênh online. Đến nay, Công ty có 5 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP, đây là cơ hội để Công ty "chắp cánh" đi lên, bởi thông qua tham gia các chương trình, hội chợ quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc trưng vùng miền, sản phẩm Trà hoa vàng của Công ty ngày càng được nhiều khách hàng biết đến.

Ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cũng góp sức giúp các doanh nghiệp trẻ vượt qua khó khăn. Theo anh Nguyễn Văn Đăng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh: Dịch COVID-19, suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn. Dù vậy, với tinh thần nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, các doanh nghiệp trẻ đã không ngừng đổi mới cách quản lý, phương thức sản xuất, kinh doanh để tạo ra nhiều sản phẩm mới, chất lượng tốt hơn.

Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cũng đã định hướng, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong Hội; triển khai hướng dẫn, giới thiệu, kết nối, liên kết giữa các hội viên… Đa phần các doanh nghiệp trẻ đều có quy mô vốn vừa và nhỏ nên sẽ gặp nhiều khó khăn khi tính cạnh tranh trên thị trường. Do vậy, xây dựng được mối liên kết sản xuất - tiêu thụ hiệu quả giúp các doanh nghiệp trẻ tiếp tục hoạt động và tăng trưởng trong thời điểm khó khăn.

Bên cạnh hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn, Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh còn phối hợp với các đơn vị duy trì các các cuộc thi thanh niên khởi nghiệp, giải thưởng dành cho các doanh nhân trẻ… Thông qua đó cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp sáng tạo cho thanh niên trong tỉnh. Bằng bản lĩnh, trí tuệ, nhiều doanh nhân trẻ trong tỉnh đã và đang chèo lái doanh nghiệp trụ vững, vượt qua "cơn bão" và có mức tăng trưởng tốt.

Để ngày càng có nhiều tấm gương doanh nhân trẻ sáng tạo, mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tiếp tục quan tâm, làm tốt công tác phát triển hội viên mới, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động, giao lưu, tăng cường đoàn kết, tích cực hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: Hoàng Hiệp

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/doanh-nhan-tre-vuot-bao-phat-trien-kinh-te/d2023101208295832.htm