Doanh nhân Lê Nguyễn: Một cầu nối trong giao thương Việt - Nhật

Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nhưng có duyên với đất nước Mặt trời mọc, doanh nhân Lê Nguyễn - Giám đốc Senkyu đang từng ngày nỗ lực trở thành cầu nối giữa hai vùng đất quê hương mình.

PV: Senkyu là một đơn vị có tiếng trong việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản và thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản. Tại sao ông lại chọn các mặt hàng này?

Từ năm 2019, khi dịch COVID-19 bùng phát, hầu hết các lĩnh vực bị chững lại, du lịch tạm ngưng. Xuất thân từ một chàng sinh viên học ngành sinh học cộng với có thời gian gắn bó với Nhật Bản, tôi nhận thấy nhu cầu hàng hóa Việt Nam cũng như một số quốc gia khác như các quốc gia ASEAN, Nepan, Bangladesh,… rất lớn.

Doanh nhân Lê Nguyễn.

Người Nhật rất chú trọng tới chất lượng nên hàng hóa đưa vào siêu thị Nhật đòi hỏi vô cùng khắt khe. Một số người dân ở các quốc gia khác sinh sống tại họ luôn ưu tiên cho các mặt hàng giá rẻ. Nhưng với người Nhật ngoài giá cả, chất lượng sản phẩm cũng được họ hết sức lưu tâm.

Vậy để chinh phục được các vị khách khó tính, ở phân khúc cao cấp, chúng tôi đã nghiên cứu thị trường, nghiên cứu sản phẩm, tìm các đối tác uy tín tại Việt Nam bao gồm đối tác phát triển mạnh các sản phẩm thủy sản như: cá basa, cá trê, cá lóc, cá chép,… hay đối tác có hoa quả tươi như xoài, sầu riêng, nhãn, vải, gia vị tươi như lá chanh, riềng,… Tất cả các sản phẩm tươi và được vận chuyển dưới hình thức đông lạnh từ Việt Nam sang Nhật Bản.

Nhờ có lợi thế hoạt động trong lĩnh vực phòng vé, hàng không nên sản phẩm của chúng tôi được vận chuyển một cách nhanh, an toàn và đảm bảo chất lượng nhất. Chúng tôi cũng là đơn vị đầu tiên thử nghiệm mang trái vải của Việt Nam sang Nhật Bản.

PV: Ông có thể chia sẻ rõ hơn về hành trình mang trái vải sang Nhật không?

Trái vải có đặc thù không để lâu được, mang sang Nhật phải bán rất nhanh. Muốn bán nhanh phải có lượng khách hàng lớn.

Chính vì vậy, thay vì bán hàng cho các siêu thị Nhật và yêu cầu họ về mặt số lượng, chúng tôi đã để các siêu thị được tự đăng kí số lượng vải mà họ mong muốn.

Về phần mình, vốn có thế mạnh trong lĩnh vực hàng không, chúng tôi đã huy động hết lực lượng để khi trái vải được thông quan tại Nhật sẽ được đội ngũ nhân viên sẽ mang ngay đến siêu thị và tới tay người tiêu dùng. Đảm bảo thời gian nhanh nhất, vận chuyển tức thì.

Chính nhờ vậy mà chúng tôi đã có những thành công bước đầu với trái vải tại Nhật Bản. Doanh nhân Lê Nguyễn (bìa trái) và gian hàng đại lý vé máy bay cùng hàng hóa Việt tại một Hội chợ ở Nhật Bản.

Doanh nhân Lê Nguyễn (bìa trái) và gian hàng đại lý vé máy bay cùng hàng hóa Việt tại Nhật Bản.

PV: Người Nhật khá tỉ mỉ trong lựa chọn thực phẩm, chắc hẳn các sản phẩm trong danh mục mà Senkyu cung cấp cũng được lựa chọn hết sức tỉ mỉ?

Đúng là như vậy. Để đảm bảo chất lượng khắt khe, chúng tôi đã chọn lựa những doanh nghiệp cung cấp sản phẩm uy tín tại Việt Nam. Đồng thời thông qua tham tán thương mại để lựa chọn các công ty uy tín. Khi lựa chọn được đơn vị, chúng tôi cũng trực tiếp kiểm tra sản phẩm, phân tích sản phẩm, kiểm nghiệm sản phẩm cả ở Việt Nam và Nhật Bản để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.

PV: Vậy với sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản về Việt Nam được lựa chọn ra sao?

Qua các cuộc gặp với đại sứ quán, tham tán hay đoàn doanh nghiệp Việt Nam sang Nhật Bản, chúng tôi có điều kiện lắng nghe những mong muốn về sản phẩm của các doanh nghiệp, đối tác Việt Nam.

Tại Nhật Bản, chúng tôi sẽ tiến hành tìm kiếm đối tác phù hợp. Sau đó gặp gỡ doanh nghiệp hai nước để cùng tìm hiểu sản phẩm, cân nhắc về giá cả, chất lượng và dịch vụ mang lại. “Một đồn mười, mười đồn trăm”, Senkyu trở thành đơn vị được các đối tác giới thiệu cho nhau, trở thành đơn vị đầu mối kết nối nhập khẩu các sản phẩm của Nhật Bản về Việt Nam.

Tại Nhật Bản có một điểm rất đặc trưng đó là các đơn vị rất khắt khe trong việc lựa chọn đơn vị phân phối độc quyền. Bạn phải thuyết phục được họ bạn sẽ phát triển sản phẩm của họ đến đâu, lượng khách hàng như thế nào. Nếu làm tốt bạn sẽ được tin tưởng và lựa chọn làm đơn vị phân phối độc quyền. Đến nay Senkyu đã trở thành đơn vị độc quyền của 8 doanh nghiệp sản xuất của Nhật và là đơn vị liên kết, đồng hành với nhiều đơn vị trong nhiều lĩnh vực, mặt hàng khác nhau.

PV: Hiện nay có khá nhiều đơn vị chuyên xuất - nhập khẩu hàng giữa hai quốc gia Việt Nam – Nhật Bản, doanh nghiệp có điểm mạnh gì để chinh phục khách hàng?

Tại Nhật Bản, người Nhật khá dè dặt khi mua sản phẩm của Việt Nam. Khi mang sản phẩm sang Nhật, họ phải thử nghiệm khắt khe. Tuy nhiên, như tôi đã chia sẻ, thế mạnh của Senkyu là hàng không nên sản phẩm được mang tới sớm nhất, chất lượng cũng không thua kém sản phẩm các quốc gia khác nên giá trị sản phẩm của Việt Nam cũng được cải thiện hơn rất nhiều. Hiện tại, chúng tôi đang phân phối sản phẩm cho một số siêu thị hàng đầu tại Nhật Bản.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tô Đông Việt

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/doanh-nhan-le-nguyen-mot-cau-noi-trong-giao-thuong-viet-nhat-179231031131251663.htm