Doanh nhân Lê Minh Cường, chủ thương hiệu L'amant Café: Khát vọng quảng bá cà phê Việt

Doanh nhân Lê Minh Cường bỏ vốn, xây dựng một không gian thưởng thức cà phê đậm chất Việt, dẫn dắt người tiêu dùng tới ngành sản xuất có trị giá xuất khẩu trên 4 tỷ USD/năm, với khát khao quảng bá thương hiệu và giá trị ngành cà phê.

Doanh nhân Lê Minh Cường

Giá trị của cà phê Việt chưa được khai thác

“Tôi muốn người tiêu dùng trong nước hay du khách mỗi khi đến Việt Nam đều có cơ hội thưởng thức cà phê nguyên bản của cường quốc xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới. Tại không gian này, ngoài ly cà phê thơm ngon, đặc sắc, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, thực khách còn được tìm hiểu về lịch sử của ngành cà phê, từ khởi thủy cho đến hiện tại, đang đi theo hướng sản xuất bền vững, mang lại nhiều giá trị nhất”, doanh nhân Lê Minh Cường, ông chủ của L’amant Café trải lòng về mô hình kinh doanh cà phê khác biệt tại 93 - Trung Hòa (Hà Nội).

Không gian L’amant Café ra mắt vào năm 2021, tọa lạc ở vị trí đắc địa, với diện tích gần 1.000 m2, được thiết kế cầu kỳ, tỉ mỉ, tôn vinh một loại cây nông nghiệp mang về kim ngạch xuất khẩu chỉ đứng sau cây lúa. Đích thân ông chủ của L’amant Café thực hiện từ ý tưởng thiết kế và chỉ đạo thi công.

Để giới thiệu ngành sản xuất cà phê lâu đời của Việt Nam và quảng bá, nâng tầm cho loại thức uống này, ông Lê Minh Cường hợp tác với Công ty Vĩnh Hiệp (Gia Lai) - Top 10 doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong ngành cà phê. Vĩnh Hiệp đồng thời là doanh nghiệp sở hữu thương hiệu cà phê rang xay hữu cơ L’amant Café.

Gần 10 năm trước, bên cạnh đầu tư vùng nguyên liệu hữu cơ, Vĩnh Hiệp đã đầu tư dây chuyền rang xay, chế biến cà phê theo tiêu chuẩn EU với công nghệ Probat nhập khẩu từ Đức. Với việc đầu tư này, Vĩnh Hiệp xây dựng thương hiệu L’amant Café, đưa ra các dòng cà phê rang xay mang hương vị đậm đà, thuần khiết với phương châm “Sạch từ nông trại đến ly cà phê”.

“Chúng ta xuất khẩu nhiều tỷ USD cà phê sang Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn ngày càng cao từ nhà nhập khẩu, nhưng tại chính thị trường nội địa, người Việt có nhu cầu lớn về cà phê sạch, hữu cơ, thì lại thiếu nguồn cung. Vậy tại sao mình không làm một mô hình kinh doanh để phục vụ chính người Việt và lan tỏa giá trị thực thụ của loại thức uống này?”, ông Cường nêu vấn đề.

Cà phê Việt đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu, mang về gần 4,2 tỷ USD trong năm ngoái, với tổng diện tích trồng cà phê cả nước khoảng 710.000 ha, nhưng chỉ khoảng 650.000 ha được thu hoạch, tỷ lệ chế biến sâu rất thấp, nhiều địa phương có tới 90% sản lượng xuất khẩu thô. Ông Cường cho biết, dù xuất khẩu đạt 4-5 tỷ USD/năm, nhưng đến nay, chưa có thương hiệu nào góp mặt trong danh sách 10 thương hiệu cà phê hàng đầu thế giới.

Buồn nhất là, Việt Nam xuất khẩu nhiều, chất lượng cà phê robusta ngon nhất, nhưng giá xuất khẩu không cao, các quốc gia chỉ nhập hạt cà phê thô của Việt Nam rồi về chế biến. Như vậy, ngành cà phê vẫn đang chạy theo chuỗi giá trị thấp nhất, phần phát sinh giá trị gia tăng nhiều nhất vẫn bỏ ngỏ.

“Ngay tại thị trường nội địa, nơi có cả trăm triệu dân, nhưng chưa hề có một thương hiệu cà phê nào thực sự khái quát được ngành sản xuất này. Trong khi đó, cà phê là loại đồ uống được ưu chuộng. Bởi vậy, tôi muốn xây dựng một mô hình kinh doanh bán lẻ, lựa chọn một thương hiệu tiêu biểu để quảng bá cà phê Việt”, ông Cường nói .

Mang tâm thế ấy, ông Cường muốn khẳng định rằng, cà phê nguyên bản đang là trào lưu của toàn cầu và Việt Nam hoàn toàn có lợi thế này để quảng bá với người tiêu dùng trong nước và đi ra thế giới.

Trong khi đó, L’amant Café của Vĩnh Hiệp là thương hiệu đầu tiên tại Việt Nam có nông trại cà phê đạt chuẩn hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Mỹ. L’amant Café cũng đang sử dụng nguồn nguyên liệu đáp ứng các bộ tiêu chuẩn quốc tế như 4C, UTZ, BRC, Japan Organic, EU Organic, hội tụ đủ điều kiện để Lê Minh Cường tự tin lựa chọn cho dự án quảng bá cà phê Việt của mình.

Đích đến của Lê Minh Cường khi ra mắt không gian L’amant Café là đóng góp một phần công sức vào hành trình xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt Nam trên chính thị trường nội địa, từ đó nâng tầm cho cả chuỗi giá trị ngành hàng cà phê trong nước.

Không gian L’amant Café tọa lạc tại 93 -Trung Hòa (Hà Nội ), với diện tích gần 1.000 m2

Không toan tính mỗi ly cà phê bao nhiêu tiền

Sinh năm 1975, học chuyên ngành Toán - Tin, từng thành công với một số dự án kinh doanh liên quan ngành hàng tiêu dùng nhanh, nhưng khi bày tỏ ý định quảng bá cà phê, ông Cường bị tất cả bạn bè, người thân ngăn cản, vì thấy quá nhiều khó khăn phía trước.

“Tôi và vợ đã có những cuộc tranh cãi nảy lửa về dự án này, bởi cách kinh doanh và giới thiệu nông sản Việt mà tôi hướng tới tiêu tốn nhiều tiền bạc, không dễ cân bằng thu - chi “, ông Lê Minh Cường thừa nhận.

Để duy trì mô hình kinh doanh như L’amant Café, nếu không thực sự có “sức khỏe tài chính” thì khó lòng trụ nổi. Con đường quảng bá cà phê mà ông Cường chọn khá tốn kém, với mặt bằng rộng cả ngàn mét vuông, tọa lạc tại địa điểm đẹp, thuận lợi về giao thông. Ông chấp nhận đầu tư lớn để sửa chữa lại và thiết kế cho ra không gian cà phê đậm chất Việt Nam.

Xác định là khó, nhưng ông quyết tâm làm. Dù đã có sự chuẩn bị nguồn lực từ vài năm trước, nhưng ông không cho phép mình dễ dãi ở bất kỳ khâu nào. “Tính từ lúc thai nghén ý tưởng, phong cách đến chất lượng, phong thái phục vụ, kể cả quy trình đào tạo nhân viên pha chế, đến giờ, tôi vẫn không hạ tiêu chuẩn, vẫn đang hoàn thiện quy trình chuẩn mực theo mục tiêu đề ra ban đầu”, ông Cường nói.

Với câu hỏi “Ý tưởng rất hay, nhưng tiêu tốn quá nhiều tiền. Vậy có lúc nào, ông thấy sợ và làm thế nào để dung hòa, cân bằng tài chính để vẫn theo đuổi được đam mê của mình?”, ông Cường thẳng thắn: “Nếu sợ khó, sợ tốn, tôi đã không làm”.

Dù vậy, ông cũng thừa nhận, kinh doanh theo kiểu nhỏ lẻ, dù thần kinh vững đến đâu cũng khó tránh được cảm giác nản lòng, nhất là khi L’amant Café mở được một thời gian ngắn thì đại dịch Covid-19 ập đến và tổng thời gian đóng cửa kéo dài tới gần 2 năm.

Ông Cường bảo: “Tôi mong muốn, người Việt được sử dụng những sản phẩm nông nghiệp tươi ngon, đặc sắc nhất ngay tại thị trường nội địa. Với cà phê cũng vậy, không phải cứ sản phẩm gì ngon là dành hết cho xuất khẩu, mà cần quảng bá rộng rãi để người dân biết tới và tiêu dùng”.

Bản thân cà phê là loại nông sản có giá trị, thế giới mua hàng tỷ USD cà phê từ Việt Nam. Điều đó đã được chứng minh. Chúng ta cần chất dẫn để nâng giá trị lên nữa.

Đầu tư khoản vốn lớn để mở không gian cà phê, ông Cường mừng là đã đi qua được giai đoạn khó khăn nhất. “Tôi vẫn nói vui một cách hào sảng rằng, với dự án kinh doanh này, thực sự, chưa bao giờ tính toán một cốc cà phê được bao nhiêu tiền. Lãi lớn nhất tôi hay khoe là mỗi ngày, L’amant Café đón 400-500 lượt khách, tức là cũng có ngần ấy cơ hội để tôi có thể tiếp xúc và biết đâu, có thể kết nối thêm một dịch vụ nào đó liên quan ngành nông nghiệp”, ông Cường chia sẻ.

Cà phê là “chất dẫn” tuyệt vời

Từ khi mở L’amant Café Hà Nội, thực sự bước chân vào một vài mắt xích trong chuỗi giá trị của ngành cà phê, ông Cường có nhiều chuyến đi, nhiều cuộc gặp gỡ để giới thiệu nông sản tỷ USD của Việt Nam.

“Tôi rất mãn nguyện vì được gặp gỡ nhiều nhà khoa học, đối tác kinh doanh, tổ chức quốc tế và càng nhận thấy, bền vững là xu hướng của thời đại và cà phê Việt đang được cả thế giới biết đến theo hướng như vậy”, ông Cường chia sẻ.

Ông đã kết nối với nhiều tổ chức để quảng bá cà phê Việt Nam. Trong gần 1 tuần diễn ra Hội nghị Toàn cầu lần thứ 4, Hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững (tổ chức tháng 4/2023), ông Cường mang cà phê L’amant đến phục vụ miễn phí các đại biểu quốc tế.

“Gần một tuần mang cà phê phục vụ quan khách tại Hội nghị, tôi và cộng sự cảm nhận được sức lan tỏa thực sự của cà phê Việt, cảm thấy hãnh diện và có thêm động lực để quáng bá giá trị của loại thức uống này”, ông Cường nói.

Dành nhiều thời gian, công sức cho con đường quảng bá cà phê Việt, đến mức, ngồi xem một buổi hòa nhạc ở Nhà hát Lớn, ông Cường cũng nghĩ tới việc phục vụ cà phê trong giờ giải lao để lan tỏa thương hiệu L’amant Café, để nhiều người Việt biết tới hơn.

Nói về tương lai của dự án đang làm, ông Cường thừa nhận, khó khăn vẫn chưa đi qua. Khó khăn, theo ông, không nằm ở góc độ kinh tế, ở bài toán doanh thu hay lợi nhuận, mà là việc chưa tìm được tiếng nói chung với nhiều người hơn.

“Để có được một ngành hàng cà phê đủ mạnh, mang lại được nhiều giá trị, cần nhiều doanh nghiệp, cá nhân vào cuộc”, ông Cường chia sẻ.

Tầm nhìn xa hơn của doanh nhân Lê Minh Cường là mở rộng số lượng mặt hàng tại không gian L’amant Café để giới thiệu thêm nhiều đặc sản của ngành nông nghiệp, đặc biệt là nhóm sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Hiện tại, ông đã bắt tay thực hiện ý tưởng này, khi phối hợp với nhiều địa phương bán nông sản tại không gian của L’amant Café.

Thế Hải

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nhan-le-minh-cuong-chu-thuong-hieu-lamant-cafe-khat-vong-quang-ba-ca-phe-viet-d207446.html