Doanh nhân Cao Tiến Vị: Tôi muốn 'phất cờ' cho xu thế làm thiện nguyện chuyên nghiệp ở Việt Nam

Khép lại 20 năm thành công trên thương trường, thay vì nghỉ hưu, Nhà sáng lập Công ty Cổ phần Giấy Sài Gòn Cao Tiến Vị chọn viết tiếp sứ mệnh mới với tổ chức phi chính phủ quốc tế ASIF Foundation, thực hiện ý nguyện 'đóng góp lại' cho cộng đồng.

+ Nhiều năm dấn thân và để lại tiếng vang trên thương trường, điều gì đã khiến ông dừng chân ở lĩnh vực kinh doanh để bước sang hoạt động xã hội?

- Doanh nhân Cao Tiến Vị: Mỗi người đều có lý tưởng và quan điểm sống. Trải qua nhiều năm trên thương trường, ý nguyện của tôi là được quay trở lại đóng góp cho cộng đồng những điều tốt đẹp. Nó đã nhen nhóm nhiều năm rồi, chỉ đợi đến thời điểm chín mùi, đủ quyết tâm. Tôi muốn khởi đầu cho một định hướng, phương pháp, xu thế mới của việc làm hoạt động xã hội ở Việt Nam.

Doanh nhân Cao Tiến Vị

Khi chọn hướng đi này, đòi hỏi tôi phải tập trung toàn thời gian, phải ấp ủ, đau đáu, nghĩ cho sâu mới ra giải pháp hiệu quả, còn nếu vẫn song song làm kinh doanh thì việc làm thiện nguyện khó mà trọn vẹn.

Thực tế, từ năm 2009, trong quá trình còn làm doanh nghiệp, tôi đã bắt đầu làm hoạt động xã hội. Gần chục năm theo đuổi lĩnh vực này, tuy không chuyên sâu nhưng đủ để tôi bước chân vào và hiểu nó như thế nào. Tôi cũng là Phó chủ tịch của Trung tâm Sáng kiến Hỗ trợ Cộng đồng (CSIP) từ những ngày đầu, có thêm những kinh nghiệm trong việc điều hành một tổ chức phi chính phủ tiếp cận cách gây quỹ, những nguồn để gây quỹ và sử dụng nguồn tài chính được trao sao cho đạt được kết quả hiệu quả nhất.

+ Ông cho rằng điều gì khiến ASIF Foundation khác biệt so với các tổ chức phi chính phủ quốc tế khác?

- Doanh nhân Cao Tiến Vị: ASIF Foundation là quỹ thiện nguyện quốc tế của người Việt, được thành lập tại Úc vào năm 2018 và hoạt động tại Việt Nam từ năm 2020. Ba hoạt động chính mà ASIF Foundation đang theo đuổi là kết nối nguồn lực trong nước và trên khắp thế giới nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp, tổ chức xã hội trong quá trình triển khai các chương trình phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội…

Doanh nhân Cao Tiến Vị có hơn 20 năm dấn thân và để lại tiếng vang trên thương trường.

Thứ 2 là đồng hành cùng tổ chức phi lợi nhuận, doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam để nâng cao năng lực quản trị và thực thi của tổ chức. Chúng tôi sẽ tư vấn, tham gia, đồng hành cùng các dự án của các tổ chức này. Một mình ASIF Foundation không thể làm được hết, các tổ chức xã hội chính là "cánh tay nối dài", chuyên sâu vào các mảng. Chúng tôi mong muốn nâng cao năng lực của họ tốt nhất, khi họ là tốt nhất thì cộng đồng sẽ được hưởng lợi tốt nhất.

Thứ 3 và cũng là trụ cột chính của ASIF Foundation đó là trực tiếp triển khai dự án phát triển cộng đồng và phối hợp cùng chính quyền địa phương, Đoàn thanh niên, các tổ chức chính trị xã hội… để cùng làm các dự án giải quyết các vấn đề cộng đồng bền vững trong lĩnh vực nước sạch, y tế - sức khỏe, giáo dục tại khu vực TP.HCM, Gia Lai và Kon Tum.

Làm doanh nghiệp lâu năm tôi đã thấm việc quản trị. Làm bất cứ gì cũng phải có quản trị, quy trình bài bản thì mới ổn định.

Mặt khác, tôi chọn Úc là nơi đặt trụ sở vì tôi muốn hướng tới người Việt trên khắp thế giới. Rất nhiều người Việt có lòng, muốn giúp quê hương, họ chỉ cần bỏ ra một ngày lương đã có thể giúp đỡ được rất nhiều đồng bào mình tại Việt Nam. Đây cũng là cơ duyên giúp tôi tập hợp được rất nhiều bạn trẻ Việt là những nhà quản lý, lãnh đạo xuất sắc trong nhiều lĩnh vực tại Úc.

ASIF Foundation được nhiều doanh nhân trẻ tại Úc lẫn Việt Nam đồng hành

Úc là một quốc gia phát triển, có rất nhiều tổ chức xã hội, làm rất chuyên nghiệp và kiểm soát chặt chẽ. Trong khi đó, Việt Nam chúng ta còn rất nhiều người yếu thế nhưng vấn đề này vẫn chưa thực sự được chú trọng. Tôi mong muốn được nằm trong hệ thống của họ quản lý, kiểm soát để có thể hiểu và cảm nhận, mang tính chuyên nghiệp này về Việt Nam để áp dụng. Sẽ có khoảng 30% ngân sách tài trợ cho cộng đồng tại Úc và phần lớn nhất 70% ngân sách của ASIF Foundation dùng để hoạt động tại Việt Nam.

+ Làm thiện nguyện chỉ cần xuất phát từ “cái tâm”, thưa ông?

- Doanh nhân Cao Tiến Vị: Đây là lĩnh vực nghe có vẻ dễ nhưng thực ra không dễ. Trước giờ làm từ thiện người ta chỉ nghĩ đơn giản là mang tiền, quà đến cho người khó khăn, nhưng nếu hiểu đúng về nó thì phải học rất bài bản. Như ở nước ngoài những người theo đuổi lĩnh vực này phải học lên cao và đi làm nhiều năm để có kinh nghiệm.

Ví dụ ngay tại các trường học sẽ có các giờ ngoại khóa cho các em học sinh, sinh viên đến các trại dưỡng lão. Tại đây các em được hướng dẫn đọc sách, nói chuyện, đút cơm cho các cụ. Nhưng tại Việt Nam, điều này vẫn chưa thành hình. Nhiều người đến một tổ chức muốn làm tình nguyện viên, nhưng bị loay hoay không biết làm gì.

Thậm chí, trên thực tế, nhiều tổ chức dù có tâm làm nhưng chưa chuẩn về pháp lý, dễ dẫn đến “làm chui”.

Nguồn tài trợ nước ngoài không thiếu, nhiều cá nhân, tổ chức, tập đoàn lớn muốn giúp, nhưng ngược lại cái khó là phải có kế hoạch, cách thức hoạt động, cam kết, những giá trị mang đến cũng như thủ tục pháp lý để họ tin tưởng. Những việc này do chúng ta chưa sẵn sàng nên bỏ lỡ nhiều cơ hội tiếp nhận những nguồn tài trợ lớn để đóng góp cho cộng đồng.

Tôi mong muốn xây dựng được những điều này trong tương lai để giúp cho các tổ chức lớn mạnh lên, đủ sức tiếp nhận những nguồn tài trợ một cách đường hoàng. Để làm được điều đó họ phải chấp nhận tuân thủ, thực hiện có quy trình, nề nếp. Không phải cứ muốn làm là làm mà phải có sổ sách, kế toán, phê duyệt theo quy trình.

ASIF Foundation hướng đến các dự án giải quyết vấn đề cộng đồng bền vững trong lĩnh vực nước sạch, y tế - sức khỏe, giáo dục

Một điều quan trọng nữa khi làm từ thiện là chúng ta cần phải cho cả phương tiện lẫn giải pháp. Như tại vùng cao nguyên người dân đã quen dùng nước giọt – nước lấy từ vách khe, vách núi vì cho rằng tinh khiết. Nhưng ngày nay nguồn nước này đã bị các vấn đề về ô nhiễm môi trường tác động. Song, họ đã quen với nó, đến khi một cái giếng xuất hiện thì lại không chịu dùng.

Vì thế, bên cạnh việc trao tặng giếng, còn phải có chuyên gia tư vấn vì sao phải sử dụng nước sạch, dùng như thế nào, nâng cao nhận thức để họ đi giáo dục cho cả những người khác. Hướng đi của ASIF Foundation có phần vất vả vì phải xây dựng toàn diện, nhưng có như thế thì thế hệ sau mới thấy được và thay đổi.

Chúng ta có tấm lòng, nhưng còn cần cả phương pháp để việc làm thiện nguyện hiệu quả, dễ dàng và đúng pháp luật. Tại Việt Nam, dù sơ khởi nhưng tại trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn – ĐHQG TP.HCM là một trong số trường đầu tiên có khoa đào tạo về công tác xã hội.

Tôi đặt nhiều kỳ vọng ở thế hệ kế thừa. Trong tương lai, ASIF Foundation mong muốn được phối hợp với các trường học, Đoàn thể để có những chương trình tiếp cận, huấn luyện cho thế hệ trẻ làm công tác xã hội.

Đây không phải là quỹ của tôi, mà là quỹ của cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Tôi chỉ là người phất cờ.

+ Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doanh-nhan-cao-tien-vi-toi-muon-phat-co-cho-xu-the-lam-thien-nguyen-chuyen-nghiep-o-viet-nam-post248795.html