Doanh nghiệp xi măng tiếp tục báo lỗ

Thị trường (cả nội địa lẫn xuất khẩu) đều ảm đạm, chi phí sản xuất tăng, nhưng giá bán không tăng, các doanh nghiệp xi măng tiêu thụ chậm và tiếp tục thua lỗ.

Tình hình tiêu thụ xi măng vẫn rất ảm đạm Ảnh: Đức Thanh

Tiêu thụ xi măng giảm mạnh

Dư cung lớn, thị trường bất động sản trầm lắng, các dự án khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm… kéo tiêu thụ xi măng sụt giảm mạnh, đẩy các nhà sản xuất vào tình cảnh thua lỗ.

Tính đến cuối tháng 7/2023, đã có 12 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính, chỉ 2 doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên - doanh nghiệp lớn trong hệ thống Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023, với doanh thu thuần hợp nhất giảm hơn 16% so với cùng kỳ năm 2022, xuống còn gần 1.999 tỷ đồng, lãi sau thuế hợp nhất chỉ còn hơn 58,7 tỷ đồng, giảm gần 57% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù kết quả quý II/2023 đã cải thiện so với mức lỗ kỷ lục trong quý đầu năm, nhưng tính chung trong 6 tháng, Vicem Hà Tiên vẫn thua lỗ gần 27 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 167,4 tỷ đồng.

Cùng chung cảnh ngộ như Vicem Hà Tiên, Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn cũng lỗ hơn 5 tỷ đồng trong quý II/2023, đồng thời là quý thứ tư liên tiếp báo lỗ.

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, dự kiến tiêu thụ xi măng toàn ngành trong năm 2023 đạt khoảng 100 triệu tấn, trong đó tiêu thụ nội địa ở mức 62 - 65 triệu tấn và xuất khẩu đạt 30 - 33 triệu tấn. Mức này tương đương năm ngoái.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II ghi nhận, doanh thu của Xi măng Bỉm Sơn gần 893 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, doanh thu đạt 1.740 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế âm 52 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 130 tỷ đồng.

Không ngoại lệ, Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn trong quý II/2023 bị thua lỗ sau thuế hơn 17,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 29 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vicem Bút Sơn đạt hơn 1.343 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 12% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp này lỗ ròng hơn 32,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 47,2 tỷ đồng.

Theo giải trình của công ty, 6 tháng đầu năm 2023 được đánh giá là giai đoạn khó khăn nhất với ngành xi măng từ trước đến nay, đã kéo hiệu quả kinh doanh xuống thấp.

Trong khi đó, dù không thua lỗ như hai doanh nghiệp trên, nhưng Công ty cổ phần Vicem Hoàng Mai báo cáo doanh thu quý II/2023 giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước. Công ty chỉ còn lợi nhuận sau thuế 233,5 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước có lãi hơn 11 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng, Vicem Hoàng Mai chỉ lãi 622 triệu đồng, kém xa mức lợi nhuận cùng kỳ là 11,6 tỷ đồng.

Phó tổng giám đốc phụ trách thị trường của Vicem, ông Ngô Đức Lưu cho hay, tổng công suất thiết kế ngành xi măng quá lớn, gần 130 triệu tấn, nhu cầu trong nước yếu, xoay quanh 65 triệu tấn, tức là đang dư công suất một nửa.

Phần dư thừa còn lại được xuất khẩu, nhưng chủ yếu phụ thuộc thị trường Trung Quốc, với 65% sản lượng xuất sang thị trường này, nhưng từ năm 2022 đến nay, Trung Quốc giảm nhập khẩu, các doanh nghiệp mở rộng sang một số thị trường khác (Nam Mỹ, Trung Mỹ, Bangladesh…), song sản lượng không đáng kể, dẫn đến tồn kho các nhà máy tăng cao.

Trong bối cảnh cung lớn, cầu giảm, thì giá bán sản phẩm cũng suy giảm rất nhiều, trong khi giá nguyên liệu đầu vào vẫn cao, điện tăng, dẫn đến hiệu quả ngành xi măng kém.

Kỳ vọng gì trong thời gian còn lại?

Thị trường bất động sản còn đóng băng thì các ngành liên quan tới xây dựng đều bị ảnh hưởng, trong đó xi măng còn bị tác động kép do những nguyên nhân nội tại ngành, đó là dư thừa nguồn cung, xuất khẩu sụt giảm, giá xuất khẩu không cải thiện.

Quý IV thường là mùa tiêu thụ xi măng chủ yếu hàng năm, nhưng với tình hình thị trường hiện nay, nhiều doanh nghiệp xi măng dự báo, tình trạng nhu cầu giảm trong những tháng cuối năm vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, thậm chí sẽ tái diễn giảm sút giống như năm ngoái, gây nhiều khó khăn cho công tác điều hành sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Ngô Đức Lưu chia sẻ, cầu xi măng trong nước rất thấp, dù thời gian qua Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để kích thích tăng trưởng kinh tế, nhất là phát triển hạ tầng, nhưng không triển khai được nhiều.

Trước diễn biến không thuận của thị trường, từ cuối năm 2022 đến nay, nhiều doanh nghiệp đã phải điều chỉnh sản xuất, một số đã cho dừng lò nung/giảm năng suất chạy lò.

“Thực tế, đã có một số nhà máy dừng lò vì lượng tồn quá lớn không tiêu thụ được, nếu tiếp tục sản xuất thì làm tăng chi phí vốn”, ông Lưu nêu thực trạng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện một doanh nghiệp xi măng có công suất hơn 10 triệu tấn/năm tỏ ra lo ngại, những tháng còn lại của năm, dự kiến tiêu thụ nội địa có thể khởi sắc hơn sau các nỗ lực tháo gỡ khó khăn của Chính phủ đối với các dự án bất động sản và kỳ vọng vào tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, sẽ khó trong kịch bản tăng tốc mạnh mẽ.

Phần lớn doanh nghiệp xi măng đều cho rằng, kết quả kinh doanh năm 2023 sẽ kém hơn nhiều so với năm ngoái. Đồng nghĩa, doanh nghiệp khó có thể cán đích mục tiêu đã đề ra từ đầu năm. Trong kịch bản tệ hơn, một số nhà máy xi măng sẽ phải đổi chủ do không thể tiếp tục duy trì kinh doanh.

Thế Hoàng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-xi-mang-tiep-tuc-bao-lo-d196266.html