Doanh nghiệp vẫn thận trọng với việc sử dụng fintech trong quản trị doanh nghiệp

Sự bùng nổ của các ứng dụng công nghệ tài chính đang thách thức các định chế tài chính truyền thống và thậm chí đe dọa sự tồn tại của những đơn vị này. Tuy niên, các ứng dụng này cũng đang gặp phải những thách thức nhất định, nhất là tại những thị trường mới nổi như Việt Nam.

Các ứng dụng công nghệ và tài chính (fintech) đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam và nhiều "trung tâm đổi mới sáng tạo" như TP.HCM, Singapore, Israel. Fintech mang đến nhiều thay đổi mang tính cách mạng trong cách người dùng sử dụng các dịch vụ tài chính, tạo nên ảnh hưởng không nhỏ đến các định chế tài chính truyền thống, đặc biệt là các ngân hàng bán lẻ.

Fintech là những ứng dụng bao trùm rất nhiều các dịch vụ tài chính truyền thống như vay-mượn tiền, chuyển tiền, thanh toán online, tư vấn tài chính, thậm chí là bảo hiểm và báo cáo lịch sử tín dụng. Tất cả những ứng dụng này có điểm chung là đều sử dụng mạng internet và các thiết bị di động như một cách tiếp cận người dùng cuối. Thế nhưng, fintech có ý nghĩa như thế nào đối với các công ty tài chính truyền thống

Theo bà Faye Chua, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Khảo sát của ACCA, các ngân hàng bán lẻ trên thế giới đang đẩy mạnh các dịch vụ ngân hàng thông qua việc phát triển các ứng dụng trên di động, từ đó thay thế các chi nhánh ngân hàng vật lý và cả các giao dịch viên.

Bà Faye Chua cho biết các dịch vụ fintech phổ biến nhất hiện nay là cho vay và thanh toán, dịch vụ điện toán đám mây và hoạt động giao dịch thông qua công nghệ sổ cái phân tán (blockchain).

Theo bà, việc quản lý tài sản hiện nay đã phổ biến đến từng cá nhân chứ không xoay quanh nhũng khối tài sản kếch sù của các doanh nhân như trong thập kỷ 90. Ngày nay, việc quản lý tài sản có thể thực hiện một cách công khai trước những người dùng khác trên toàn thế giới.

Các hoạt động này hoàn toàn công khai và minh bạch, được giám sát và xác nhận bởi hàng triệu người dùng trên khắp thế giới. Đó là nền tảng của công nghệ blockchain cho phép nhiều người xem xét các giao dịch và đồng xác nhận rằng giao dịch hợp lệ, là cơ sở tồn tại của đồng tiền ảo bitcoin.

Ông Võ Trần Đình Hiếu, Giám đốc mảng đầu tư tư nhân của Dragon Capital cho biết thị trường của fintech cho khách hàng cá nhân tại Việt Nam là khoảng 30 triệu người dùng. Đồng thời, mỗi năm tại Việt Nam có hơn 30,000 lập trình viên ra trường và hơn 10,000 những người khởi nghiệp về ứng dụng công nghệ. Đây là điều kiện để fintech phát triển mạnh mẽ hơn tại Việt Nam trong những năm tới, nhưng cũng ngày càng cạnh tranh hơn.

Về tác động của fintech đến doanh nghiệp, ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng Giám đốc PWC Việt Nam cho biết các người đứng đầu doanh nghiệp vẫn tương đối thận trọng trong việc sử dụng fintech trong quản trị doanh nghiệp. Theo khảo sát toàn cầu của PWC vào tháng 3/2016 về fintech tại 45 nước, chỉ có 56% nhà lãnh đạo doanh nghiệp hiểu fintech và 57% không biết làm gì với trào lưu fintech.

Cụ thể hơn, 25% người được hỏi không có kế hoạch mang fintech vào chiến lược quản trị doanh nghiệp, 22% sẽ thử dùng một số dịch vụ fintech và 32% quyết định hợp tác với một hoặc nhiều đối tác fintech. "Nhìn chung, các doanh nghiệp trên khắp thế giới vẫn còn rất thận trọng với sụ bùng nổ của fintech chứ không chỉ Việt Nam," ông Dũng cho biết.

Tuy nhiên, ông khẳng định tương lai tươi sáng của fintech trên toàn cầu khi các ứng dụng này đang được các nhà đầu tư toàn cầu bỏ ra đến 10 tỷ USD cho việc phát triển fintech. "Các nhà đầu tư rất khôn ngoan và nếu một mô hình kinh doanh không chắc sẽ mang lại lợi nhuận thì họ sẽ không đầu tư lớn như vậy," ông Dũng nói. Số tiền này đến từ các quỹ đầu tư tư nhân và mạo hiểm đón đầu sự bùng nổ của fintech, được PWC dự đoán là trong khoản 5 năm tới.

Cơ hội phát triển của fintech là rất lớn. Trên 50% người được hỏi tin fintech giúp giảm chi phí cố định, tạo sự khác biệt trong sản phẩm, giúp giữ chân khách hàng bởi sự cập nhật sản phẩm nhanh và giúp doanh nghiệp tăng doanh thu thông qua cắt giảm chi phí.

Xuân Hạ

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/noi-dung-so/doanh-nghiep-van-than-trong-voi-viec-su-dung-fintech-trong-quan-tri-doanh-nghiep-2121409.html