Doanh nghiệp vận tải miền Trung điêu đứng

'Dịp Tết còn có khách nên chúng tôi chạy được khoảng chục chuyến chứ tháng này thì không ăn thua. Xăng dầu tăng giá mà khách ít nên khó khăn chồng chất', tài xế Quý than.

Sáng 9/3, 2 ôtô khách của nhà xe T.T. cập bến Đà Nẵng chỉ vẻn vẹn 23 khách. Ngồi ở phòng vé, anh Quý (tài xế xe khách của nhà xe T.T.) kiểm đếm lại số tiền và những chi phí trong hành trình từ Thanh Hóa vào Đà Nẵng.

""Dịp Tết, còn có khách nên chúng tôi chạy được khoảng chục chuyến. Khoảng tháng nay thì không ăn thua, chuyến nào may mắn được vài triệu, còn như hôm nay thì lỗ", anh Quý nói và cho hay khoảng 10 ngày nay, giá xăng dầu trong nước tiếp tục được điều chỉnh tăng khiến các doanh nghiệp vận tải hành khách càng khó khăn, có nguy cơ dừng hoạt động.

Thu nhập không đủ bù lỗ

Tại phòng vé Bến xe Đà Nẵng, nhiều nhà xe mở bán nhưng lượng khách đến mua vé rất ít. Chị Vân, nhân viên bán vé nhà xe chạy tuyến Đà Nẵng - Lâm Đồng nói 2 tuần nay, mỗi ngày chỉ bán được khoảng 15 vé/chiều.

Nữ nhân viên này cho biết dịp Tết Nguyên đán, người dân còn có nhu cầu đi lại nên lượng vé bán ra tạm ổn. Tuy nhiên, từ 20/1 âm lịch đến nay, lượng khách ít hơn rất nhiều. Cùng với đó, khi ngành hàng không hoạt động trở lại thì sự cạnh tranh cũng bắt đầu, hành khách càng thưa vắng.

"Ngoài ra, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên khách cũng có tâm lý e ngại khi đi xe khách. Có những hôm xe xuất bến chỉ có 5-7 người", chị Vân kể.

Một xe khách chạy tuyến Đà Nẵng - Cần Thơ chuẩn bị xuất bến nhưng rất ít khách. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Tại phòng chờ ở Bến xe Đà Nẵng chỉ khoảng 10 khách, đi về các tỉnh phía bắc. Ông Hùng (tài xế xe khách chạy tuyến Đà Nẵng - Thái Bình) nói khách ít nhưng đến giờ quy định thì xe phải xuất bến.

"Chạy dọc đường bắt thêm nhưng cũng chẳng ăn thua", ông Hùng phân trần và cho hay khoảng 10 ngày nay, nhiều doanh nghiệp vận tải phải giảm số lượng xe để bớt lỗ. "Làm nghề mà xe không chạy thì không được. Nhưng chạy mà không có khách, tiền bán vé không đủ mua dầu", ông Hùng nói.

Cùng hoàn cảnh, hoạt động vận tải ở các bến xe tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng rất vắng vẻ, nhiều ôtô phải nằm bến. Nhiều nhà xe nói họ không mặn mà chạy vì thua lỗ do giá xăng dầu tăng cao.

Giá xăng dầu tăng liên tục khiến chi phí mỗi chuyến xe cũng tăng nhưng thu nhập không đủ bù lỗ. Việc kinh doanh của chúng tôi coi như điêu đứng.

Ông Bùi Văn Lợi, Giám đốc Hợp tác xã vận tải và kinh doanh tổng hợp TP Tam Kỳ

Ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch hiệp hội vận tải ôtô Thừa Thiên - Huế, thừa nhận 15 doanh nghiệp vận tải hành khách đang điêu đứng khi giá xăng dầu tăng cao.

Theo ông Long, hiện số lượng khách đi xe rất ít, chi phí đầu vào lại tăng cao 10-20%; xăng dầu chiếm đến 30-40% trong giá thành vận tải nên các nhà xe chạy rất khó khăn, thua lỗ. "Họ chạy chủ yếu để duy trì tuyến chứ không có hiệu quả”, ông Long nói.

Ông Trần Sỹ Cuộc, Giám đốc Hợp tác xã vận tải ôtô TP Huế, nói thêm giá xăng dầu tăng kéo theo nhiều dịch vụ khác tăng theo như phí bến bãi…Thông thường mỗi ngày, nhà xe chạy 5-6 chuyến, nay chỉ duy trì một chuyến.

“Trong điều kiện xe không có khách vì dịch bệnh, nay giá xăng dầu lại tăng cao thì nhà xe rất khổ. Chúng tôi chỉ chạy để duy trì, bù đắp xăng dầu xe thôi”, ông Cuộc cho hay.

Tại Quảng Nam, ông Bùi Văn Lợi, Giám đốc Hợp tác xã vận tải và kinh doanh tổng hợp TP Tam Kỳ, cho biết hiện đơn vị quản lý hơn 70 xe; trong đó có 20 xe buýt nội tỉnh và hơn 50 xe buýt, xe khách liên tỉnh, chạy đường dài tuyến TP.HCM.

Hai năm qua, dịch bệnh bùng phát khiến nhiều xe của đơn vị phải dừng hoạt động. Đến nay, khách vẫn rất ít sử dụng xe khách vì còn tâm lý lo sợ dịch bệnh, trừ những người thật sự cần thiết.

“Đầu năm 2022, lượng khách ít nên hầu hết xe không lấp đầy chỗ trống. Trong khi đó giá xăng dầu tăng liên tục khiến chi phí mỗi chuyến xe cũng tăng nhưng thu nhập không đủ bù lỗ. Việc kinh doanh của chúng tôi điêu đứng”, ông Lợi nói.

Doanh nghiệp mong được hỗ trợ

Ông Trần Thanh Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng, cho hay hiện các công ty taxi đều phải hỗ trợ, trích thêm phần trăm lợi nhuận cho lái xe vì giá xăng, dầu quá cao.

Trải qua nhiều đợt dịch, đến nay, hoạt động của các hãng taxi đã giảm 60-70% cả về doanh thu lẫn nhân lực, rất nhiều tài xế đã chuyển đổi ngành nghề sang lĩnh vực khác.

Ông Tâm nhận định nếu giá xăng, dầu tiếp tục tăng kỷ lục như hiện nay và sắp tới thì khó có tài xế taxi nào tiếp tục bám trụ. Trong khi đó, kể cả xe không lăn bánh vẫn phải chịu nhiều chi phí như phí đường bộ, phí bảo dưỡng, phí đậu đỗ ở bãi xe…

Ông Trần Thanh Trung, Giám đốc nhà xe Trung Trần Hòa (chạy tuyến Quảng Nam - TP.HCM), cho hay trong số 8 xe khách đường dài, hiện mỗi ngày công ty chỉ sử dụng một xe chạy cầm chừng vì chi phí quá cao.

“2 năm vừa qua chúng tôi tê liệt trong hoạt động hành khách. Trước đây, khi giá xăng dầu chưa tăng, mỗi chuyến chúng tôi hết 10 triệu tiền xăng dầu, bây giờ giá tăng, chi phí cũng tăng 50%. 8 xe của tôi cũng từ vay tiền ngân hàng, mỗi tháng thu nhập từ vận tải không bù nổi tiền để trả”, ông Trung nói.

Ôtô xếp hàng chờ khách ở Bến xe Đà Nẵng. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Trao đổi với Zing, ông Phạm Xuân Sơn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Huế, cho biết đơn vị chưa nhận được văn bản xin tăng giá vé của các doanh nghiệp vận tải.

Theo ông Sơn, giá xăng dầu tăng thì Nhà nước đã cho phép trong thông tư liên tịch 152 của Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải quy định các doanh nghiệp vận tải căn cứ vào đó để cân đối thu chi để tăng giá cho phù hợp mức chi phí bỏ ra khi vận chuyển khách.

Nói thêm về vấn đề này, ông Long kiến nghị Nhà nước điều chỉnh lại giá, thay đổi lại cách tính toán giá thành xăng dầu để các doanh nghiệp có điều kiện hoạt động.

Đoàn Nguyên - Thanh Đức - Điền Quang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doanh-nghiep-van-tai-mien-trung-dieu-dung-post1301217.html